Nhiều tỉnh, thành hết ổ dịch tả lợn Châu Phi

Ngoài Hòa Bình, Bắc Kạn đã đủ điều kiện công bố hết dịch, theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), nhiều địa phương khác có ổ dịch tả lợn Châu Phi đã qua hơn 20 ngày nhưng không phát sinh thêm.

16-24-09_1

Dùng vôi tiêu độc khử trùng tại một ổ DTLCP

Điều kiện để một địa phương công bố hết dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là đủ 30 ngày kể từ ngày tiêu hủy con lợn bệnh cuối cùng không phát sinh thêm ổ dịch mới.

Hai ổ DTLCP của Hòa Bình tại hai xã là Hợp Thanh và Thanh Lương của huyện Lương Sơn, xuất hiện vào ngày 5/3. Đến nay đều đã qua 30 ngày và không phát sinh thêm ổ dịch mới nào. Hòa Bình cũng trở thành tỉnh đầu tiên công bố hết DTLCP đến thời điểm này. Đến hôm qua (10/4), tỉnh Bắc Kạn là địa phương tiếp theo trên cả nước đủ điều kiện công bố hết dịch.

Như vậy, cả nước chỉ còn 21 tỉnh có DTLCP. Nhờ những tín hiệu tích cực trong công tác phòng, chống dịch, thị trường thịt lợn cũng đã có những tín hiệu khởi sắc trở lại về giá cũng như sản lượng thịt tiêu thụ.

Theo ông Phạm Thành Nhương – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Thái Bình, hiện nay, có 2 ổ DTLCP xuất hiện tại các xã Quỳnh Minh (huyện Quỳnh Phụ) và xã Vũ Tiến (huyện Vũ Thư) đã qua 30 ngày nhưng chưa phát sinh thêm ổ dịch mới.

Đối với xã Đông Đô, huyện Hưng Hà – địa phương đầu tiên phát hiện có ổ DTLCP trên địa bàn tỉnh, hiện nay chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã quyết liệt triển khai các giải pháp dập dịch, tiêu độc khử trùng, kiểm soát chặt mọi hoạt động vận chuyển động vật… nhưng vẫn phát sinh thêm ổ dịch lẻ tẻ trên diện hẹp (chưa qua 30 ngày).

16-24-09_2

Tại các ổ dịch chưa qua 30 ngày, các chốt kiểm dịch vẫn được duy trì

Xã Quỳnh Minh, huyện Vũ Thư là một trong những địa phương chăn nuôi lợn khá sôi động. Tổng đàn lợn trên địa bàn xã trên 11.000 con. Kể từ khi gia đình ông Tạc có 80 con lợn bị tiêu hủy vào ngày 5/3 vì nghi nhiễm DTLCP, chính quyền và các hộ chăn nuôi đã siết chặt kiểm soát dịch bệnh (không cho người lạ, phương tiện lạ vào khu vực chăn nuôi, rắc vôi, phun thuốc khử trùng…), nhờ đó đến nay chưa phát hiện thêm ổ dịch mới. Đến này 9/4, giá lợn hơi cân tại chuồng là 39.000 – 40.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Đình Triệu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Phụ cho biết: Nguyên nhân khiến hộ gia đình ông Tạc bị nhiễm DTLCP là do nhập con giống từ địa phương khác về nuôi. Bởi vậy, nếu kiểm soát tốt được quá trình lưu thông, vận chuyển lợn giữa các địa phương, tôi tin rằng chúng ta sẽ khống chế được DTLCP trong thời gian tới.

Theo Cục Thú y, đến hết ngày 10/4, đã có 12 ổ dịch (xã Đức Hợp, huyện Kim Động, xã Hồng Nam thuộc TP Hưng Yên, xã Giai Phạm thuộc huyện Yên Mỹ của tỉnh Hưng Yên; phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội; xã Đại Đồng, Tứ Kỳ, Hải Dương; xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ và xã Vũ Tiến của huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; xã Hợp Thanh và xã Thanh Lương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên; xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.

“Nếu kiểm soát tốt dịch bệnh, không để phát sinh thêm ổ dịch mới, thì trong vòng 5 ngày tới, sẽ có thêm 4-5 tỉnh đủ điều kiện công bố hết dịch tả lợn Châu Phi”, một lãnh đạo Cục Thú y thông tin đến Báo NNVN.