Nhiều kênh tiêu thụ nhãn đã sẵn sàng

Cùng với thị trường XK quả nhãn tươi chủ lực sang Trung Quốc và một số thị trường XK mới triển vọng, hàng loạt các sự kiện xúc tiến tiêu thụ nhãn tại thị trường nội địa sẽ được tổ chức.

Nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ, XK nhãn sẽ diễn ra trong thời gian tới

Vụ thu hoạch nhãn chính vụ ở các tỉnh phía Bắc (trong đó chủ lực là Sơn La và Hưng Yên) sẽ bắt đầu trong khoảng vài tuần nữa. Niên vụ 2018, Sơn La có 7.826 ha nhãn cho thu hoạch (trong tổng số hơn 12.257 ha diện tích trồng nhãn), sản lượng ước 61.230 tấn (tăng 22.760 tấn so với năm 2017); Hưng Yên có 4.200 ha nhãn đã cho thu hoạch (trong tổng số 4.340 ha diện tích trồng nhãn), sản lượng ước đạt 42.202 tấn. Trên phạm vi cả nước, 2018 là năm được mùa nhãn, theo đó sản lượng nhãn cả nước ước đạt 550.000 tấn, tăng 11% so với 2017. Hiện tại, vụ thu hoạch nhãn tại các tỉnh phía nam đã kết thúc (từ tháng 5 đến tháng 7), vì vậy, vụ thu hoạch nhãn tại phía Bắc sẽ không trùng và chịu áp lực từ các tỉnh phía Nam.Đây sẽ là những kênh quan trọng có thể giúp nông dân trồng nhãn ở phía Bắc giữ được giá bán trong bối cảnh được mùa lớn.

Theo Cục BVTV, đến nay, quả nhãn của Việt Nam đã được cho phép XK sang các thị trường gồm: Các nước thuộc EU, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Na Uy, Nga, Belarus, Ukraina, Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, Singapore, Thái lan và các nước thuộc vùng Vịnh. Hiện tại, Cục BVTV đang đàm phán, phân tích nguy cơ dịch hại để XK quả nhãn sang Úc và Nhật Bản. Trong đó, phía Úc đã trực tiếp sang Việt Nam kiểm tra các vùng trồng vải. Hiện Cục BVTV đang nỗ lực thúc đẩy nhằm sớm hoàn tất các thủ tục để quả nhãn tươi chính thức được XK sang thị trường Úc.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết thêm: 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch XK nhãn của nước ta ước đạt 124,76 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm gần 6,3% tổng kim ngạch XK của nhóm ngành hàng rau quả 6 tháng đầu năm 2018. Thị trường XK nhãn chủ yếu vẫn là thị trường Trung Quốc, chiếm tới 98% tổng kim ngạch XK nhãn của Việt Nam, bên cạnh đó còn có một số thị trường khác như Hoa Kỳ, Đài Loan…

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay, nhãn đang là mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam. Cục Xuất nhập khẩu cũng nhận định, ngoài Trung Quốc, triển vọng XK nhãn sang các thị trường lớn rất khả quan, trong đó Hoa Kỳ đang có nhu cầu nhập khẩu lớn lượng trái cây các loại.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết: Trước dự báo vụ nhãn năm 2018 tại các tỉnh phía Bắc được mùa lớn, hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại đã và đang được đơn vị này phối hợp với các địa phương lên kế hoạch triển khai.

Theo đó, các thông tin về tình hình vụ nhãn năm 2018 đã được gửi cho các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài để chủ động có kế hoạch quảng bá ở một số thị trường tiềm năng. Bộ NN-PTNT đã có công hàm gửi Tham tán Kinh tế Trung Quốc tại Việt Nam đề nghị thu xếp tổ chức cho một đoàn DN Trung Quốc đi Sơn La và Hưng Yên để khảo sát, đánh giá chất lượng nhãn, qua đó trao đổi và ký kết các hợp đồng tiêu thụ nhãn. Đây là cách làm đã rất thành công và hiệu quả tương tự như việc phối hợp tiêu thụ, XK dưa hấu tại các tỉnh miền Trung sang Trung Quốc trong năm 2018.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tiêu thụ, XK nhãn, Bộ NN-PTNT cũng sẽ chỉ đạo Cục BVTV tổ chức việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận Kiểm dịch thực vật ngay tại Sơn La và Hưng Yên nhằm tạo điều kiện XK nhanh chóng, thuận tiện nhất…

15-31-55_2

Vùng nhãn Sơn La đang từng bước đẩy mạnh XK

Nhằm đẩy mạnh XK nhãn sang thị trường Trung Quốc, từ ngày 28-30/7/2018, UBND tỉnh Sơn La phối hợp với một số cơ quan liên quan sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nhãn Sơn La tại Trung tâm trải nghiệm hoa quả tỉnh Sơn La tại Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc). Dự kiến, Sơn La đã lên kế hoạch cố gắng XK được khoảng 2.000 tấn nhãn trong niên vụ 2018, trong đó XK sang Trung Quốc khoảng 1.500 tấn và các thị trường khác như Úc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, ASEAN khoảng 500 tấn.“Đối với thị trường Trung Quốc, chúng tôi khuyến cáo các tỉnh có diện tích nhãn lớn như Sơn La, Hưng Yên… song song với các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ nhãn tươi, nên triển khai cả các phương án chế biến, đặc biệt là việc sấy nhãn khô và làm long nhãn. Bởi tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm này tại thị trường Trung Quốc rất lớn do thói quen dùng trà bát bảo và các món canh bổ dưỡng có sử dụng nguyên liệu là long nhãn, long vải, nên sản phẩm nhãn khô, long nhãn vẫn tiêu thụ tốt và từ từ, giảm áp lực tiêu thụ nhãn tươi vào lúc cao điểm”, ông Nguyễn Quốc Toản khuyến cáo.