Nhiều diện tích lúa ở Thừa Thiên – Huế bị thiếu nước do nắng hạn

Tại Thừa Thiên – Huế, tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp đang diễn ra nghiêm trọng do nắng hạn kéo dài.

Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, ông Phan Thanh Hùng, hiện tượng El Nino đang hoạt động mạnh nên lượng mưa và dòng chảy bị thiếu hụt. Dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đều đang ở mức thấp. Với nguồn nước trữ hiện tại, ước có khoảng 700 ha lúa Đông Xuân có khả năng bị hạn từ nay đến cuối vụ; tập trung ở các vùng cuối kênh tưới, các diện tích nằm ở các hồ, đập thủy lợi có dung tích nhỏ ở vùng gò đồi, vùng cát ven biển thuộc huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà.

Tại cánh đồng lúa ở thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, do không chủ động được nguồn nước tưới, sản xuất chỉ trông chờ vào nguồn nước tự nhiên nên người dân ở 2 thôn Lương Viện và Viễn Trình chỉ trồng lúa một vụ. Năm nay, khô hạn đến sớm nên nguy cơ toàn bộ 100% diện tích bị mất trắng. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Phú Vang có khoảng 150 ha diện tích lúa đang thiếu nước để sản xuất nông nghiệp. Nhiều đồng ruộng lúa đang rơi vào tình trạng chết cháy, bạc cánh đồng.

Lúa chết cháy do thiếu nước ở xã Phú Đa

Các huyện vùng cao A Lưới và Nam Đông, nơi hệ thống thủy lợi, tưới tiêu vẫn còn yếu kém bị hán nặng do nước các con suối bị khô hạn. Theo đó, huyện A Lưới có hơn 80 ha bị hạn tập trung ở xã Hồng Quảng, A Ngo, Phú Vinh; huyện Nam Đông có 30 ha lúa bị hạn tập trung ở các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Nhật, Hương Hữu, Hương Hòa. Huyện Phong Điền khoảng 100 ha ở các xã Phong Sơn, Phong An và xã Phong Hòa; huyện Quảng Điền khoảng 50 ha ở xã Quảng Công, Quảng Ngạn; huyện Phú Lộc khoảng 100 ở xã Lộc Tiến, Vinh Hưng, Vinh Giang và Vinh Hải bị thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Nguyên nhân được xác định là do lượng mưa và dòng chảy thiếu hụt, dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang ở mức thấp. Nếu trong vòng một vài ngày tới, trời vẫn không có mưa thì nhiều diện tích lúa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ bị khô cháy, nguy cơ thất bát trong vụ Đông Xuân này là rất lớn.

Không chỉ sản xuất vu Đông Xuân, tình hình hạn nặng có thể ảnh hưởng đến vụ sản xuất Hè Thu sắp đến. Theo dự báo của ngành nông nghiệp, đối với vụ Hè Thu, nếu thời tiết diễn biến như dự báo sẽ có khoảng 3.000 ha lúa có khả năng bị hạn, tập trung các vùng không có công trình thủy lợi hoặc không chủ động được nguồn nước như vùng cát ven biển, vùng gò đồi, vùng cuối kênh thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới. Hiện nay, Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang phối hợp với địa phương lắp đặt các máy bơm dầu, bơm điện để bơm chuyền đến các diện tích thiếu nguồn nước.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ vừa có chỉ thị yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản về nguồn nước có khả năng xảy ra để kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp, giảm đến mức tối thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Các đơn vị chức năng cần thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước và có kế hoạch phân phối nước hợp lý để đảm bảo đảm cung cấp nước cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm,..) và sản xuất nông nghiệp; kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, cân đối để bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp, bảo đảm hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thiếu nước; tăng cường sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Điện lực Thừa Thiên – Huế đảm bảo ưu tiên cấp điện ổn định cho sinh hoạt, vận hành các hồ chứa, trạm bơm phục vụ công tác phòng, chống hạn kịp thời. Các chủ hồ thủy điện trên địa bàn xây dựng và giám sát kế hoạch vận hành đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp và các hoạt động khác trên hệ thống sông Hương cho đến cuối năm 2019.