Nhiều diện tích chuối ở Lào Cai bị mắc bệnh vàng lá Panama phải chặt bỏ

Nhiều nông hộ trồng chuối ở Lào Cai đang điêu đứng vì buộc phải chặt bỏ cả vườn chuối do bị nhiễm bệnh vàng lá Panama.

Vay hơn 100 triệu để trồng chuối, sắp cho thu hoạch thì cả vườn bỗng dưng đổ bệnh không thể cứu vãn. Chẳng còn cách nào khác, anh Thào Sà, thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đành ngậm ngùi chặt bỏ cả vườn chuối, chuyển sang trồng ngô, số nợ không biết bao giờ mới trả hết.

“Đầu tiên bệnh chỉ xuất hiện ở một vài cây trong vườn, sau đó lây lan dần sang các cây khác khắp vườn. Cây trong vườn tự dưng vàng lá xong đổ đi, rụng quả xuống không thu hoạch được” – anh Thào Sà buồn rầu chia sẻ.

Ngoài hộ anh Thào Sà, còn rất nhiều nông hộ khác ở Bản Lầu cũng điêu đứng vì vườn chuối của gia đình có những biểu hiện tương tự.

Theo ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, sau khi cơ quan chuyên môn tới kiểm tra đã nhận định những diện tích chuối này bị mắc chứng vàng lá Panama. Do chứng bệnh này gây ra bởi một chủng nấm, không có thuốc diệt trừ và dễ lây lan qua nhiều con đường nên rất nguy hại, nguy cơ ảnh hưởng sự phát triển của cả “thủ phủ” chuối Bản Lầu. Đến nay đã có 20 ha chuối mắc bệnh.

“Xã cũng đã tuyên truyền, đồng thời đề nghị Trung tâm Nông nghiệp huyện hướng dẫn bà con chuyển đổi sang cây trồng mới, trước mắt là cây ngắn ngày như cây dứa, về lâu dài thì chuyển sang cây lâm nghiệp” – ông Kiên cho biết.

Thống kê cho thấy, tỉnh Lào Cai hiện có trên 4.000 ha chuối, chiếm 1/3 diện tích cây ăn quả toàn tỉnh. Chuối được trồng chủ yếu tại các huyện Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng. Đáng chú ý, tất cả các địa bàn này đều đã ghi nhận xuất hiện bệnh vàng lá Panama gây hại, với tổng diện tích khoảng 45 ha.

Ông Phạm Quốc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai cho biết, xác định bệnh vàng lá Panama là bệnh nguy hiểm nhất trên chuối nên Chi cục đã sớm tham mưu, ban hành văn bản hướng dẫn, tuyên truyền, cử chuyên gia tới trao đổi với người dân để nhận biết cũng như cách phòng ngừa chứng bệnh này; đồng thời, lên phương án mời Viện nghiên cứu rau quả Trung ương tới khảo nghiệm giống chuối mới, làm sao để chống chọi được với bệnh; ngoài ra còn vận động người dân luân canh sang cây trồng khác đối với các diện tích chuối đã nhiễm bệnh.

Ông Cường cho biết: “Trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã ghi nhận bệnh vàng lá Panama rải rác ở tất cả các vùng chuối. Mức độ cảnh báo tương đối nguy hiểm. Nếu người dân không tuân thủ các biện pháp phòng chống một cách tích cực, triệt để thì nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng hoàn toàn có thể xảy ra”.