Nhanh chóng ngăn chặn loài sâu nguy hiểm mới xuất hiện

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), cho biết, mặc dù là loài sâu mới xuất hiện ở nước ta, song sâu keo mùa thu đã gây hại cục bộ tại nhiều tỉnh, thành phố. Đáng lo ngại, loài sâu này có khả năng lây lan nhanh nhưng chưa có thuốc phòng trừ đặc hiệu. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu keo mùa thu, ngành nông nghiệp các địa phương cần chủ động khuyến cáo, hướng dẫn nông dân các biện pháp xử lý.

Nhanh chóng ngăn chặn loài sâu nguy hiểm mới xuất hiện

Người dân xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) phun thuốc trừ sâu keo mùa thu trên cây ngô.

Nhiều diện tích ngô bị thiệt hại

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), sâu keo mùa thu có tên khoa học là Spodoptera frugiperda. Từ giữa năm 2018, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) thông báo, sâu keo mùa thu có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới khu vực châu Mỹ đang lây lan nhanh và xâm nhập vào nhiều quốc gia trên thế giới. Loài sâu này có thể gây hại cho hơn 300 loài thực vật như ngô, bông, đậu tương, lúa, mía, rau… Trong đó, thức ăn yêu thích nhất của chúng là cây ngô, nhất là ngô ngọt, ngô nếp và ngô rau. Xuất hiện từ đầu tháng 2, đến nay, loài sâu này gây ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp ở 30 tỉnh, thành phố trong cả nước như Điện Biên, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Phú Thọ, Cao Bằng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Đác Nông…

Tại tỉnh Điện Biên, Tủa Chùa là huyện đầu tiên phát hiện sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô ở địa bàn xã Sính Phình vào đầu tháng 4. Sau đó, các xã lân cận như Sín Chải, Tả Sìn Thàng và Tả Phìn tiếp tục phát hiện loại sâu này với biểu hiện gây hại tương tự. Tính đến ngày 28-5, 11 xã thuộc huyện Tủa Chùa xuất hiện sâu keo mùa thu với tổng diện tích ngô bị hại hơn 2.200 ha, mật độ sâu phổ biến từ 8 đến 10 con/m2. Trưởng phòng NN và PTNT huyện Tủa Chùa, Tô Văn Tuân cho biết, khác với các loài từng gây hại trước đây, sức ăn của sâu keo mùa thu rất khỏe, một cá thể sâu trưởng thành có thể ăn hết phần ngọn cây ngô trong vài ngày và thải ra lượng phân lớn. Sâu tuổi nhỏ thường tập trung nhiều cá thể trên một cây. Một đặc điểm khác biệt của sâu keo mùa thu là chúng thường giả chết và cuộn tròn khi đụng vào. Đáng nguy hại là cây ngô non đã bị sâu này gây hại khó có khả năng phục hồi, vì sâu thường cắn đứt ngọn cây ngô, sau đó chúng mới ăn khuyết dần các lá tiếp theo.

Còn tại huyện Tuần Giáo, sâu keo mùa thu được phát hiện tại hai xã Pú Nhung và Quài Nưa, sau đó liên tiếp các xã khác cũng ghi nhận loại sâu này gây ảnh hưởng trên cây ngô. Hiện tại, toàn huyện Tuần Giáo có 467 ha ngô của 17 xã bị sâu keo mùa thu gây hại. Với huyện Mường Chà, chỉ trong vòng một tuần trở lại đây đã có thêm 400 ha ngô gặp nạn sâu keo mùa thu khiến nông dân hết sức lo lắng. Chi cục Trưởng BVTV tỉnh Điện Biên Nguyễn Trọng Kính cho biết, đến ngày 28-5, toàn tỉnh Điện Biên có chín trong tổng số mười huyện, thị xã, thành phố phát hiện sâu gây bệnh với tổng diện tích thiệt hại là hơn 3.300 ha.

Trưởng phòng BVTV (Cục BVTV) Bùi Xuân Phong cho biết, sâu keo mùa thu chỉ gây hại trong thời gian sâu non. Thời gian sâu non kéo dài từ 14 đến 21 ngày. Nếu độ ẩm cao, nhiệt độ thấp thì có thể kéo dài tới 30 ngày. Đáng nguy hại là sâu keo mùa thu có khả năng phát tán mạnh. Khi trưởng thành chúng có thể di chuyển xa hàng trăm ki-lô-mét nhờ gió. Sâu keo mùa thu phát sinh gây hại từ khi ngô có từ ba đến năm lá cho đến tận giai đoạn ngô chắc hạt. Ở giai đoạn cây ngô còn non, khi bị sâu tiến công, cây khó có thể phục hồi nếu không phòng, trừ kịp thời.

Chủ động các biện pháp phòng, trừ

Theo nhận định của Cục BVTV, hiện ở nhiều địa phương ngô đã cho thu hoạch cho nên thiệt hại chưa nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi các tỉnh gieo trồng ngô thời vụ mới, khả năng sâu keo mùa thu sẽ xuất hiện trên diện rộng và gây hại nặng, cục bộ.

Khó khăn nhất trong phòng, trừ sâu keo mùa thu là loài sâu này liên tục đẻ trứng, trứng nở đều đặn trong khoảng từ 30 đến 40 ngày sau trồng ngô. Cho nên, trên cây ngô mới trồng có nhiều sâu tuổi từ bốn đến sáu, thì sẽ rất khó phòng, trừ bằng thuốc BVTV. Hơn nữa, đặc thù của sâu keo mùa thu là chúng thường chui sâu vào nõn ngô, khiến việc phun trừ gặp nhiều khó khăn.

Trước tình trạng xâm nhập và gây hại của sâu keo mùa thu, Cục BVTV đã ban hành quy trình kỹ thuật phòng, chống để các địa phương phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn người dân áp dụng hiệu quả bằng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp. Theo đó, người dân cần làm sạch cỏ dại chung quanh vườn trồng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu. Làm sạch đất rồi phơi đất khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt. Cùng với đó, phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là ở giai đoạn ngô có từ ba đến sáu lá để phát hiện ổ trứng, từ đó ngắt đi tiêu hủy. Vì là loài sâu mới cho nên trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam chưa có thuốc đặc trị trừ sâu keo mùa thu. Do vậy, Cục BVTV đề nghị ngành nông nghiệp các địa phương sử dụng tạm thời bốn hoạt chất thuốc BVTV được phép sử dụng để phun, trừ sâu, gồm Bacillus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacarb, Lufenuron. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký thuốc phòng, trừ sâu keo mùa thu vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam.

Theo kinh nghiệm phòng, trừ sâu keo mùa thu từ Phòng NN và PTNT huyện Tủa Chùa, đơn vị này đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật phối trộn một số hoạt chất thuốc BVTV có trong danh mục được sử dụng (Emamectin benzoat 4-6g và Nereistoxin 20g) để phun thử nghiệm tại xã Mường Báng. Kết quả diệt sâu hiệu quả hơn tất cả các loại thuốc thông thường. Phó Trưởng phòng NN và PTNT huyện Tủa Chùa, Vũ Ngọc Ánh cho biết: Căn cứ kết quả phun thử nghiệm phối trộn hai loại thuốc, phòng đã cử cán bộ kỹ thuật về các xã hướng dẫn bà con tỷ lệ, cách pha thuốc và phun tập trung vào nõn ngô lúc chiều mát để đạt hiệu quả cao nhất. Sau gần một tuần triển khai phun đại trà trên các diện tích bị sâu bệnh, đến nay, 60% diện tích ngô bị nhiễm sâu đã được phun phòng; một số diện tích ngô phục hồi tích cực. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra, Sở NN và PTNT tỉnh Điện Biên đã ban hành công văn khẩn yêu cầu UBND các huyện và những đơn vị liên quan triển khai các biện pháp phòng, trừ. Đối với diện tích ngô từ năm đến bảy lá bị sâu keo phá hoại nặng, ngoài những loại thuốc theo quy trình Cục BVTV khuyến cáo, người dân có thể phun một số thuốc BVTV đã được ngành nông nghiệp tỉnh thử nghiệm cho hiệu quả diệt trừ cao, như: Thamaten 150SC, Obaona 95WG (chứa hoạt chất Indoxacar). Quá trình phun phòng phải tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” và chỉ thực hiện phun thuốc BVTV vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Để phòng, trừ kịp thời và hiệu quả sâu keo mùa thu, ngành nông nghiệp các địa phương cần tổ chức điều tra sự phân bố, mật độ cũng như tỷ lệ gây hại của sâu keo mùa thu trên ngô và các cây trồng khác. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhận biết và biện pháp phòng, trừ cho cán bộ chuyên ngành, khuyến nông và nông dân. Bên cạnh đó, khẩn trương tìm các giống ngô có khả năng kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để hướng dẫn nông dân thay thế các giống ngô bị nhiễm nặng. Ở nhiều địa phương có địa hình dốc, rất khó trong việc phun thuốc BVTV phòng, trừ sâu keo mùa thu, Cục BVTV đang trình Bộ NN và PTNT xin phát triển nuôi ong ký sinh để kiểm soát loài sâu này. Biện pháp này có thể giải quyết được vấn đề địa hình, an toàn thực phẩm, môi trường. Tuy nhiên, mỗi nông hộ khó có thể áp dụng mà cần có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để tổ chức nhân ong ký sinh, thả trên diện rộng.