Nuôi ốc nhồi trong nhà màng đầu tư ít, hiệu quả cao

Trước nguy cơ giảm năng suất trong sản xuất nông nghiệp do biến đổi khí hậu, hiệu quả bước đầu từ mô hình nuôi ốc nhồi trong nhà màng của gia đình anh Trần Văn Phong, Tổ dân phố Chăm Chỉ, thị trấn Hợp Châu (Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đã và đang mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản.

Mô hình nuôi ốc nhồi trong nhà màng của gia đình anh Trần Văn Phong, TDP Chăm Chỉ, thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo mang lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm, mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản.

Nhận thấy ốc nhồi là loại đặc sản được thị trường ưa chuộng, giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí thức ăn thấp, thời gian thu hồi vốn nhanh… nên từ lâu, anh Phong đã ấp ủ ý tưởng làm giàu từ loại thủy sản này.

Sau thời gian tự tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật nuôi ốc trên sách, báo và mạng internet, đầu năm 2020, anh quyết định cải tạo trang trại thành hàng chục ao nhỏ để nuôi ốc nhồi. Dù đã tích lũy được vốn kiến thức nhất định nhưng do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chưa đồng bộ, nên vụ đầu tiên, ốc nhồi phát triển chậm, tỷ lệ thất thoát khá cao.

Để khắc phục sự cố này, anh tiếp tục trau dồi, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn và học hỏi thêm kỹ thuật tại một số mô hình nuôi ốc nhồi ở tỉnh Tuyên Quang. Nhờ đó, anh đã tìm ra phương pháp chăm sóc và giảm thiểu được tối đa thiệt hại.

Anh Phong chia sẻ: Loài ốc nhồi ưa sạch nên trước khi khi thả con giống, ao nuôi cần được nạo vét sạch, dùng vôi bột để trung hòa độ PH và loại bỏ các loại thiên địch có thể ăn ốc. Sau đó, bơm nước sạch vào ao và duy trì mực nước sâu từ 0,8 – 1 m.

Ngoài ra, ao nuôi cần trồng thêm một số loại thực vật thủy sinh như: Bèo tấm, hoa súng, cây khoai nước… để làm thức ăn và nơi trú ngụ cho ốc. Một điều đáng lưu ý là ốc nhồi ăn rất ít, nguồn thức ăn lại có sẵn trong tự nhiên như: Rêu, bèo tấm, các loại rau, cỏ… nên chỉ cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, tránh dư thừa, dẫn đến ô nhiễm môi trường ao nuôi.

Thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường trong khi ốc nhồi chịu nóng, lạnh kém, chỉ phù hợp phát triển và sinh sản trong điều kiện nhiệt độ từ 22-32 độ C nên anh Phong còn mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng rộng 8.000 m2.

Việc nuôi trồng trong nhà màng không chỉ hạn chế sự xâm nhập của dịch bệnh mà còn góp phần ổn định nhiệt độ, kiểm soát môi trường nước, giúp tăng khả năng sinh trưởng so với điều kiện ngoài tự nhiên. Ngoài ra, anh cũng lắp đặt hệ thống đèn sưởi để ấp trứng ốc, sản xuất con giống, vừa phục vụ nuôi ốc thương phẩm, vừa xuất bán ốc giống ra thị trường.

Với 20 ao nuôi, năm 2020, anh Phong xuất bán hơn 7 tấn ốc thương phẩm, với giá bán từ 90.000-100.000 đồng/kg cùng hàng triệu con giống giá bán 300-400 đồng/con, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.

Nhờ chất lượng tốt, sản phẩm ốc nhồi của gia đình anh luôn chủ động về đầu ra, được xuất đi nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Phú Thọ…

Mong muốn phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đầu năm 2021, anh Phong mở rộng diện tích trang trại lên gần 2 ha để nuôi thêm 2 vạn con ếch thương phẩm trong lồng bè và 300 con ba ba. Đây đều là những loại thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ lớn.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hợp Châu cho biết: Trên địa bàn hiện có 3-4 hộ nuôi ốc nhồi từ những diện tích vùng trũng. Trong đó, mô hình nuôi ốc nhồi trong nhà màng của anh Phong là điển hình, mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều bà con nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi.

Với những mô hình phát triển kinh tế mới, cho thu nhập gấp gần chục lần so với trồng lúa như thế này, địa phương rất khuyến khích nhân rộng.

Ngoài việc tích cực phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi trồng, địa phương cũng sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển KT-XH ở địa phương.