Vương quốc triệu giun sản xuất hàng trăm tấn ‘vàng đen’ cho nông nghiệp

Trùn quế xử lý phân gia súc, gia cầm hay rau, củ, quả hư, giúp tiết kiệm chi phí xử lý chất thải. Phân trùn quế rất tốt cho cây trồng và được coi như “vàng đen” trong nông nghiệp.

12h trưa, Lê Minh Vương đeo găng tay, bước vào khu nhà tôn có diện tích khoảng 700m2, bao quanh khu nhà là màn lưới đen chạy dài. Anh thọc tay xuống kiểm tra lớp phân bò dày khoảng 30cm trên luống đất, bàn tay anh bốc phân đang ủ mục, giữa nắm phân là những cá thể ngoe nguẩy.

Trong không gian thiếu sáng, hàng triệu con trùn quê sinh sống, đây chính là nhà máy tạo phân hữu cơ vi sinh khổng lồ của Vương.

Trùn quế, hay giun quế, thuộc nhóm trùn ăn phân (phân động vật ăn cỏ: trâu, bò, ngựa, dê… ). Trùn ưa sống trong bóng tối, thoáng. Mỗi m2 tại nhà nuôi ủ này ước tính có hàng chục nghìn con trùn sinh sống, thức ăn chính của chúng là phân bò. Mỗi ngày, trùn quế tiêu thụ và thải ra lượng thức ăn tương đương trọng lượng cơ thể. Quá trình tiêu hóa thức ăn, nhiều acid humic, acid fulvic hay những hóc môn kích thích sinh trưởng nội sinh trong đường ruột trùn được tiết ra, đây là các chất rất tốt, giúp cây sinh trưởng.

Anh Vương cho hay, phân trùn quế nhiều dinh dưỡng, vi sinh có lợi cho cây trồng. Thậm chí, phân trùn có thể bón trực tiếp cho tất cả các loại cây, tùy vào tuổi cây, vòng đời mà liều lượng bón khác nhau.

Khác biệt so với phân hữu cơ truyền thống khác, phân trùn có mật độ vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật phân giải lân, vi sinh vật phân giải cellulose tạo mùn, làm giàu cho đất, tránh ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, trong phân trùn còn kén ấu trùn, kén sẽ nở trùn con trong môi trường giữ ẩm tốt, trùn con từ đó tiếp tục sứ mệnh len lỏi trong đất, tạo độ xốp đất, cải tạo vùng trồng.

Đối với nông nghiệp tuần hoàn, trùn quế đóng vai trò xử lý phân gia súc, gia cầm hay rau, củ, quả hư, hỏng, giúp tiết kiệm chi phí. Trùn biến những phụ phẩm, chất thải thành “vàng đen” trong nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị nông sản.

Đơn cử, diện tích trồng dưa lưới 1,2ha của Công ty Cổ phần Nắng và Gió (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) đang sử dụng phân trùn. Ông Hoàng Xuân Hậu, đại diện công ty cho hay, dưa lưới là loại cây ngắn ngày, giá trị kinh tế cao và đặc biệt nhạy cảm nên được bón bằng phân trùn. Từ khi sử dụng phân, dưa lưới cho sản lượng ổn định, quả đều, vị ngọt thanh tự nhiên. Người tiêu dùng cũng rất quan tâm tới sản phẩm sạch được bón bởi phân trùn hữu cơ.

Với sản lượng trung bình từ 6-10 tấn dưa lưới/tháng, năm 2023, công ty dự kiến cung ứng khoảng 72 tấn dưa lưới vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, chuỗi phân phối sản phẩm nông sản hữu cơ trong nước.

Nông nghiệp là chìa khóa

Sau thời gian dài nghiên cứu, theo đuổi ngành trùn quế, Lê Minh Vương rời TP.HCM để quay về quê nhà Ninh Thuận, gắn bó với nông nghiệp bền vững. Hiện, anh là Trưởng ban Dự án phân bón hữu cơ vi sinh trùn quế, Công ty GC Plus.

Anh cho biết, các nước phát triển gọi quá trình xử lý chất thải hữu cơ để nuôi trùn quế là công nghệ Vermicomposting. Họ coi trọng các sản phẩm bảo vệ môi trường ngay từ khâu đầu vào, đặc biệt là phân trùn quế. Trái lại, tư duy người nông dân trong nước hiện vẫn muốn sử dụng phân bò cho nhanh, thời gian ủ ngắn. Tuy nhiên, phân bò vẫn lẫn các hạt cỏ, người nông dân phải tốn công nhặt cỏ hoặc sẽ sử dụng thuốc diệt cỏ sau một thời gian bón phân.

Xét về giá thành, phân bò ủ hoai thông thường có giá từ 2-3 triệu/tấn, phân trùn quế có giá từ 1,5-2 triệu/tấn, chỉ có điều, phân trùn độ ẩm cao hơn nên phân sẽ nặng ký hơn, chi phí dường như không có sự khác biệt.

Hiện, năng suất phân trùn của Công ty GC Plus đạt khoảng 40-50 tấn phân/lần thu hoạch, từ 3-4 tháng. Anh Vương và dự án mong muốn chia sẻ kiến thức, hướng dẫn người dân tiếp cận các sản phẩm hữu ích từ ngành trùn quế. Xa hơn, doanh nghiệp muốn tăng giá trị trùn quế khi chế biến thành phân trùn nén viên, phân trùn dạng bột, phục vụ trồng trọt.

“Dù giàu hay nghèo thì chúng ta vẫn phải ăn, cả thế giới đều cần thức ăn. Ăn sạch, ở sạch thì con người mới sống khỏe, hạnh phúc được. Nông nghiệp chính là chìa khóa cho vấn đề trên. Giới trẻ hiện nay có thể coi bỏ phố về vườn như một xu hướng, nhưng nếu ai tâm huyết với nông nghiệp thì hãy suy nghĩ kỹ. Đây là hành trình kiên nhẫn, cần thời gian. Cứ lăn lộn, đam mê với nghề, sẽ gặt hái thành công”, Vương “trùn quế” nói.