Trồng ổi trái siêu bự, nông dân thu về 200 triệu đồng/năm

Mạnh dạn tiên phong với mô hình trồng ổi siêu quả, chỉ trồng 150 gốc, bà Vừng đã thu về 200 triệu đồng/năm. Không chỉ chăm sóc và thu hoạch, bà chủ vườn còn khá bận rộn tiếp các đoàn khách đến mua ổi, hoặc tham quan học tập.

Vừa đến khu vườn của bà Vũ Thị Vừng (55 tuổi, làng O Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, Gia Lai), chúng tôi đã thấy một tốp thanh niên trong làng mua ổi. Một cô gái trẻ cho biết: “Ổi ở đây rất giòn và ngọt, giá cả lại vừa với túi tiền của chúng em. Trong xã Ia Pếch chỉ có nhà cô Vừng trồng được loại ổi này, vừa rồi lớp em liên hoan cũng đặt mua ổi của cô…”.

Vườn ổi siêu quả của gia đình bà Vừng.
Vườn ổi siêu quả của gia đình bà Vừng.

Bà chủ vườn cho biết: “Lúc đầu tôi nghĩ giống ổi này chỉ trồng được ở miền Tây Nam Bộ, nên chỉ trồng thử vài cây để ăn thôi. Không ngờ cây phát triển khá nhanh, thân cây cứng, khả năng kháng sâu bệnh tốt, trái thơm ngon và giá bán khá cao nên tôi quyết định đầu tư vào giống ổi này”.

Vườn ổi siêu quả duy nhất tại xã Ia Pếch.
Vườn ổi siêu quả duy nhất tại xã Ia Pếch.

Theo bà Vừng, chỉ sau 2 năm trồng, vườn ổi bắt đầu cho thu bói. Năng suất trung bình mỗi cây khoảng 1,5 – 2 tạ/năm, trọng lượng mỗi quả từ 0,3 – 0,6 kg. Đây là loại ổi giòn gần giống với quả lê, vị ngọt thanh và rất ít hạt. Đặc biệt, giống ổi này cho thu hoạch quanh năm. Hiện trên diện tích khoảng 3.000m2, bà Vừng trồng khoảng 200 gốc ổi, tuy mới có 150 cây cho quả nhưng đã thu về khoảng 200 triệu đồng/năm.

Chỉ với 150 gốc ổi, bà Vừng đã thu về 200 triệu đồng/năm.
Chỉ với 150 gốc ổi, bà Vừng đã thu về 200 triệu đồng/năm.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng giống ổi này, chủ nhân của khu vườn này cho biết: “Thật ra cũng không quá khó, chỉ cần chịu khó quan sát quá trình phát triển của cây, bón phân và trị bệnh hợp lý thì mỗi cây cho 200kg quả/năm là chuyện bình thường. Chẳng hạn cành nào ra được nõn, được quả rồi thì để. Những cành chưa ra quả là phải bấm, bấm đi khoảng 20 cm để cành trong ra lớp quả khác. Bấm cành thì không đợi thu quả xong, bởi như vậy mỗi cành phải mất 6 tháng mới đậu quả, còn nếu bấm luôn trong quá trình thu quả thì mất 1 tháng. Ngoài ra, lúc quả mới nhú ra mình cần bọc lưới sớm, tránh sâu bọ cắn phá…”.

Loại ổi ruột trắng của bà Vừng khá giòn, ngọt, quả to và ăn rất thơm.
Loại ổi ruột trắng của bà Vừng khá giòn, ngọt, quả to và ăn rất thơm.

Không chỉ trồng ổi siêu quả ruột trắng và ruột đỏ, bà Vừng còn thử nghiệm giống cam không hạt. Hiện những cây cam này đã bắt đầu cho quả. Đặc biệt, bà chủ vườn tiết lộ: “Cho cam ở chung với ổi sẽ không bị sâu bệnh nên sắp tới bà sẽ trồng xen thêm cam vào vườn ổi này.”

Những gốc cam được bà Vừng thử nghiệm đã cho quả.
Những gốc cam được bà Vừng thử nghiệm đã cho quả.
Khá nhiều khách hàng rất thích hương vị của loại ổi siêu quả này.
Khá nhiều khách hàng rất thích hương vị của loại ổi siêu quả này.

“Loại ổi ruột trắng của bà Vừng khá giòn, ngọt, quả to và ăn rất thơm. Xã đã nhiều lần tham quan mô hình của bà Vừng và giới thiệu cho người dân trong các buổi tập huấn về nông nghiệp. Vừa rồi, Hội Nông dân xã cũng tuyên truyền đến người dân, nhưng có lẽ vì bà Vừng là người đầu tiên thử nghiệm mô hình này nên dân trong xã còn khá e dè. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng ổi cho người dân để họ mạnh dạn áp dụng vào sản xuất”, ông Hà Văn Luận, cán bộ địa chính – nông nghiệp của xã Ia Pếch cho biết.