Trồng loại cây bán từ mo đến quả, thu tiền tỷ mỗi vụ

Là người đầu tiên trong vùng đánh liều bỏ mía chuyển sang trồng cau, đến nay, từ việc bán giống và cau thương phẩm, ông Dũng dự kiến thu về cả tỷ đồng/năm.

Cú đánh liều của chàng trai Mường

16 năm trước, ông Hà Văn Dũng (SN 1966, người dân tộc Mường), ở làng Trô, xã Giao An, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa là người đầu tiên trong vùng dám liều khi đã dùng một phần diện tích trồng mía để chuyển sang trồng cau.

Theo ông Dũng, thời điểm đó, các loại cây ông trồng trong vườn như mía, chanh, vải… đều không phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên cho hiệu quả không cao, không những vậy, giá bán lại bấp bênh, cả gia đình có những năm bị lỗ.

Với suy nghĩ “tấc đất tấc vàng”, người nông dân này đã đến một số nơi, tìm hiểu nhiều loại cây trồng làm sao phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Ông phát hiện cây cau dù phải trồng tới 5 năm mới cho thu hoạch nhưng đây là loại cây trồng dễ tính. Kinh tế từ cây cau mang lại cũng khá cao.

Nghĩ là làm, ông trở về và quyết tâm cải tạo vườn tạp để trồng cau. Năm 2006, ông trồng thử 1.200 cây cau trên diện tích 10 sào vườn. Đến năm 2011, vườn cau nhà ông bắt đầu cho thu hoạch. Dần dần thấy cây cau phát triển và cho thu hoạch tốt, giá cau quả trên thị trường cũng ổn định nên ông đã quyết định bỏ mía, nhãn, chuyển hẳn sang mở rộng trồng cau.

“Cây cau dễ tính, không sợ nóng, chỉ sợ rét nên dù ít được chăm sóc nhưng vẫn phát triển tốt, quả cau cũng ít khi có sâu bệnh. Những năm gần đây giá cau luôn ổn định ở mức cao”, ông Dũng nói.

Người nông dân này cũng cho biết, cau từ khi ươm quả đến lúc thu hoạch phải mất 5 năm. Cây cau cũng như bao cây trồng khác, năng suất hay không phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Vườn cau của ông Dũng, mỗi cây trung bình sẽ cho 15- 20kg quả/mùa.

Bán từ mo đến quả, thu lãi “khủng”

Sau khi thấy ông Dũng trồng cau mang lại hiệu quả cao, nhiều người dân trong vùng cũng bắt đầu học hỏi kinh nghiệm và chuyển dần diện tích của gia đình sang trồng loại cây này. Nhận thấy nhu cầu của người dân, ông Dũng lại bắt tay vào việc ươm giống cau.

Năm 2021, ông Dũng bán cho thương lái cau quả thương phẩm được khoảng 500 triệu đồng. Không chỉ bán cau thương phẩm mà ông còn ươm giống bán cho người dân.

Ông Dũng cho biết, để ươm được cây giống sẽ trải qua rất nhiều công đoạn như để cau chín, phơi khô. Sau khi cau khô sẽ mang đi ngâm, ủ cho đến khi nảy mầm mới ươm từ 3-4 tháng, đến lúc cây ra 2 lá, một ngọn thì sẽ xuất bán.

Đến thời điểm hiện tại, gia đình ông Dũng có khoảng 5 ha trồng cau với khoảng 13.000 cây. Trong đó, có 600 cây đã cho thu hoạch, 2.000 cây sắp cho thu hoạch.

“Đã có công ty dược đặt mua cau của gia đình tôi với giá cả ổn định theo hợp đồng, nhưng vì số lượng lớn nên gia đình chưa dám nhận lời. Ngoài ra mo cau cũng có thể bán với giá 3.000 đồng/chiếc”, ông Dũng cho biết thêm.

Hiện gia đình ông đang cho ươm khoảng 7 vạn cây giống. Với giá bán cây giống 25.000 đồng/cây, quả làm giống 10.000 đồng/quả. Cả tiền bán cau giống và cau thương phẩm, ước tính năm 2022, gia đình ông Dũng có thể thu về khoảng 1 tỷ đồng.

Không chỉ mang lại thu nhập cao, mô hình trồng cau của ông Dũng còn tạo việc làm thời vụ cho 10 lao động thường xuyên với thu nhập 170.000 đồng/ngày. Ngoài ra rất nhiều lao động thời vụ của địa phương cũng được giải quyết việc làm.

Hiện tại, không chỉ mình ông Dũng trồng cau mà ông còn khuyến khích anh em, họ hàng trong gia đình và người dân địa phương cùng tham gia trồng cau vì đầu ra ổn định, giá bán cao.

“Thực tế vài năm nay, hiệu quả kinh tế mà cây cau đang mang lại rất cao so với trồng các cây khác như chanh, bưởi, mía… nếu trong nhà trồng vài trăm cây cau thì người nông dân có thể không phải lo lắng quá nhiều về thu nhập”, ông Dũng tin tưởng.