Trồng chuối rừng lấy lá, nhiều hộ vùng cao Nghệ An thu nửa triệu đồng/ngày

Mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất đồi trồng lúa, ngô, năng suất thấp sang trồng chuối rừng lấy lá, nhiều hộ dân ở xã Lưu Kiền, huyện rẻo cao Tương Dương (Nghệ An) có thu nhập khá; dịp cao điểm có thể lên đến hơn 500.000 đồng mỗi ngày.

Diện tích trồng chuối lấy lá của gia đình bà Vi Thị Mai, ở bản Khe Kiền, Lưu Kiền khoảng 3,5ha. Ảnh: Đình Tuân

Theo bà Vi Thị Mai trú tại bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, thì trước đây gia đình bà chủ yếu trồng ngô và lúa nhưng không mang lại hiệu quả. Năm 2017, xem trên tivi thấy một số địa phương ở Thanh Hóa trồng chuối lấy lá bán mang lại thu nhập cao, gia đình bà Mai đã mạnh dạn chuyển sang trồng chuối rừng lấy lá (chuối hột).

Để không mất kinh phí mua giống, gia đình bà đã vào rừng già lấy giống mang về trồng. Bước đầu trồng thử nghiệm 2.000 gốc, chỉ sau 1 năm trồng và chăm sốc thì đã có lá bán. Hiện nay khoảng 3,5ha đất đồi của gia đình đều được phủ xanh bằng chuối.

Mỗi ngày gia đình bà Mai thu nhập hơn nửa triệu đồng từ bán lá chuối cho các thương lái. Ảnh: Đình Tuân

Bà Mai chia sẻ: Chuối lấy lá dễ trồng, sinh trưởng và phát triển nhanh, không mất nhiều thời gian chăm sóc. Đặc biệt lá chuối này dai nên được các thương lái rất ưa thích. Lá chuối luôn có giá ổn định và dễ bán, hiện giá bán giao động từ 4.000 – 5.000 đồng/kg, thời điểm cận Tết thì giá bán cao gấp đôi. Mỗi ngày 2 người có thể rọc được khoảng 150 kg. Thu nhập từ bán lá chuối mỗi ngày của gia đình tôi không dưới 600 ngàn đồng. Gia đình tôi lấy lá chuối về không phải mang đi bán đâu cả mà các thương lái tự đến tận nhà để thu mua về cung cấp cho các cơ sở làm nem, giò, bánh…

Ngoài bán lá chuối, thì gia đình tôi còn cung cấp cả giống chuối và thân cây chuối cho các gia đình nuôi gia súc, gia cầm. Trước đây điều kiện gia đình khó khăn, từ ngày trồng chuối lấy lá có thu nhập ổn định nên cuộc sống ngày một khấm khá hơn.

Cây chuối gần như được tận dụng hết, trong khi lá vừa (không già quá, cũng không non quá) dùng để bán, những lá già và thân cây chuối được dùng là thức ăn cho cá, dê, trâu bò… Ảnh: Đình Tuân

Để tận dụng thân cây chuối và lá chuối già, gia đình bà Mai nuôi cá và nuôi dê. Hiện tại có 2 áo nuôi cá với tổng diện tích gần 400m2 và 20 con dê. Nhờ có nguồn thức ăn dồi dào từ cây chuối nên vật nuôi phát triển nhanh và mang lại thu nhập không dưới 50 triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá và dê.

Ở bản Khe Kiền còn có gia đình chị Mạc Thị Tiện cũng có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình trồng chuối lấy lá. Chỉ với diện tích chưa đầy 1ha, mỗi tháng gia đình chị Tiện thu nhập không dưới 7 triệu đồng.
Hiện nay không chỉ đồng bào Thái, mà nhiều đồng bào Mông cũng trồng và khoanh nuôi bảo vệ cây chuối. Trong ảnh: Phụ nữ người Mông gùi lá chuối về làm thức ăn cho cá. Ảnh: Đình Tuân

Chị Tiện cho hay: “Trồng chuối lấy lá dễ bán, lại có thu nhập hàng ngày, ngày nào đi lấy lá thì ngày đó có tiền. Mỗi tháng ít cũng có thu nhập 7 triệu đồng. Còn trồng ngô, bí và một số loại cây trồng khác vừa vất vả nhưng thu nhập lại không cao. Nhiều năm được mùa lại mất giá, được giá lại mất mùa nên thu nhập không ổn định. Trồng chuối vừa có lá để bán vừa có thân để nuôi cá, nuôi trâu, bò. Gia đình tôi hiện có khoảng gần 1ha chuối, thời gian tới tôi đã có dự định mở rộng diện tích”.

Được biết, hiện toàn xã Lưu Kiền có 94 hộ trồng chuối lấy lá với diện tích hơn 24 ha, trong đó bản Lưu Thông có 62 hộ trồng và khoanh nuôi bảo vệ chuối. Thấy được mô hình trồng chuối lấy lá mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên trong thời gian qua có nhiều người dân ở xã Lưu Kiền triển khai mô hình và đang cho hiệu quả.

Một số xã ở huyện Tương Dương đến tham quan học tập mô hình trồng chuối rừng lấy lá của nông dân xã Lưu Kiền để về áp dụng tại địa phương mình. Ảnh: Đình Tuân

Bà Lương Thị Hồng, công chức Địa chính – Nông nghiệp xã Lưu Kiền, Tương Dương cho biết: “Trồng chuối lấy lá không tốn công chăm sóc, chi phí trồng thấp; cơ bản là giống ban đầu, sau đó thì chuối tự phát triển. Chuối lấy lá rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa bàn miền núi, nên chỉ trồng sau khoảng 5 tháng là có thể thu hoạch. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền bà con trên địa bàn mở rộng diện tích để tăng thêm thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo”.