Thu 8 – 10 triệu đồng/sào từ trồng nghệ đen

Mô hình trồng cây nghệ đen đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Gia Bình (Bắc Ninh) vì hiệu quả kinh tế và những công dụng của nó đem lại.

18-13-28_nh-1
Anh Sơn bên khóm nghệ đen – thành quả đem lại nhờ sự mạnh dạn đầu tư

Nhận thấy được lợi nhuận kinh tế từ loại cây dược liệu này, anh Nguyễn Minh Sơn, Bí thư đoàn xã Giang Sơn đã không ngần ngại đầu tư trồng. Với kinh nghiệm sẵn có từ việc trồng thí điểm nghệ vàng cho một Công ty dược và được người bạn ở Hưng Yên tư vấn, anh Sơn đã mạnh dạn đưa nghệ đen vào trồng thí điểm trên đất bãi. Ban đầu gia đình anh Sơn chưa đồng tình về việc trồng nghệ đen do vốn đầu tư khá cao, từ 2,2 – 2,5 triệu đồng/sào. Lượng phân bón cũng cần nhiều hơn trồng nghệ vàng. Nhưng với quyết tâm cao, anh Sơn đã đầu tư ban đầu với diện tích trồng 4 mẫu.

Anh Sơn cho biết, kỹ thuật trồng đơn giản: Phay đất lên luống cao khoảng 25cm, luống rộng 1 – 1,2m. Hàng cách hàng 60cm, cây cách cây 50cm. Trồng chéo cây, đan xen theo hình zíc zắc. Cuốc hốc sâu khoảng 15cm, bỏ tro bếp, lân vào hố lấp qua một lượt đất mỏng, sau đặt củ nghệ vào lấp đất.

Hiện tại, diện tích ruộng nghệ đen của gia đình anh Sơn đạt năng suất 1,2 – 1,5 tấn/sào. Với giá nghệ tươi bán thời điểm đầu vụ là 11 nghìn đồng/kg, trừ hết các chi phí, đem về lợi nhuận ròng từ 8 – 10 triệu đồng/sào.

"Nghệ đen là một cây trồng rất kinh tế gấp nhiều lần trồng lúa và rau màu. Kỹ thuật trồng đơn giản, cây không quá kén đất, phù hợp với đất màu và đất bãi. Diện tích trồng nghệ đen trên địa bàn xã càng ngày càng tăng. Đến nay có khoảng 20 hộ tham gia trồng nghệ đen với diện tích 5ha", ông Trương Thế Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Giang Sơn.

Theo Nông nghiệp