Thanh niên khởi nghiệp từ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ áp dụng công nghệ cao

Với lợi thế xưởng mộc thủ công sẵn có của gia đình đang hoạt động, anh Tâm đã mạnh dạn mua 1 chiếc máy đục vi tính 4 đầu công nghệ cao đầu tiên…

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2015, không như nhiều thanh niên khác trong vùng thường “ly hương” để kiếm kế sinh nhai, anh Nguyễn Minh Tâm ở xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã quyết tâm lập nghiệp bằng con đường phát triển kinh tế trên quê mình.

09-57-04_imge

Anh Tâm bên một mẫu điêu khắc của mình

Hai năm vừa qua, bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao, anh Tâm đã bước đầu thành công với mô hình kinh tế đúng hướng của mình.

Sẵn có một chút máu làm kinh tế và sự nhanh nhạy của người tri thức trẻ, xác định được nhu cầu tiêu thụ rất lớn trên địa bàn, anh Tâm đã mạnh dạn chọn cho mình một hướng đi phù hợp, đó là xây dựng mô hình sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ áp dụng công nghệ cao trên diện tích 180m2 nhà xưởng.

Với lợi thế xưởng mộc thủ công sẵn có của gia đình đang hoạt động, anh Tâm đã mạnh dạn mua 1 chiếc máy đục vi tính 4 đầu công nghệ cao đầu tiên đưa về xưởng sản xuất với giá 150 triệu đồng.

Ban đầu trong quá trình sản xuất, anh còn gặp khó khăn trong quá trình thiết kế mẫu mã và vận hành máy. Nhưng nhờ sự năng động, sáng tạo và ham học hỏi, anh đã về làng nghề ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội để tìm hiểu về máy móc, học hỏi kinh nghiệm. Bằng sự đam mê và quyết tâm học hỏi, anh dần rút ra được những kinh nghiệm quý báu trong thiết kế và vận hành máy móc cho bản thân.

Sau 1 năm xưởng sản xuất đi vào vận hành, những sản phẩm của anh dần dần được người tiêu dùng và các xưởng mộc trong vùng ưa chuộng, số lượng đơn hàng đã dần tăng lên, anh nhập thêm 2 máy đục vi tính công nghệ cao với mức đầu tư 400 triệu đồng để đưa vào sản xuất.

"Ban đầu dựa trên đơn đặt hàng của khách, để thiết kế một sản phẩm, tôi mất rất nhiều thời gian nghiên cứu những bản vẽ trên máy tính, rồi mày mò đưa ra những ý tưởng mới, độc đáo và lạ mắt nhờ vậy mà sản phẩm của  làm ra được thị trường đón nhận. Đến nay tôi có hàng nghìn bản thiết kế từ đơn giản đến phức tạp. Hiện tại các mẫu thiết kế tại xưởng được khách hàng ưa chuộng là tranh gỗ 3D; hoa văn họa tiết; bàn thờ, bàn ghế, tủ, kệ…", anh Tâm chia sẻ.

Sau khi nhận được đơn hàng theo yêu cầu của khách, anh Tâm đã thiết kế mẫu trên phần mềm chuyên dụng JD paint, rồi đưa mẫu vào máy tính điều khiển trên máy đục công nghệ cao thông qua phần mềm NC studio, sau đó cho máy chạy, tùy thuộc vào kích thước và mẫu mã sau 2 – 6 ngày là hoàn thành sản phẩm.

Hiện tại, một số mẫu tranh 3D đang được ưa chuộng tại xưởng của anh là: Mã đáo thành công, vinh quy bái tổ, anh hùng tưởng ngộ, thuận buồm xuôi gió, lý ngư vọng nguyệt, cá chép hóa rồng… công đục từ 2 – 2,5 triệu đồng/m2. Tranh chữ: Phúc, lộc, thọ, tài, đức, tâm, trí, nhẫn… hay tranh bộ: Tùng – cúc – trúc – mai; long – ly – quy – phụng… tùy thuộc vào kích thước mà các bức tranh có giá từ 1,5 – 4 triệu đồng/bộ. Sản phẩm dành cho tủ thờ, bàn ghế như: Quốc đào, quốc voi, tần thủy hoàng, như ý, triện hộp… giá từ 3 – 5 triệu đồng/bộ tiền công đục.

09-57-04_imge_1

Một số mẫu gỗ điêu khắc công nghệ cao của anh Tâm

Nguồn nguyên liệu gỗ chủ yếu do khách hàng cung cấp, anh chỉ đục lấy công làm thu nhập là chính. Trung bình mỗi tháng anh có khoảng 15 – 20 đơn hàng lớn nhỏ. Lãi bình quân mỗi tháng sau khi trừ chi phí là 15 – 20 triệu đồng.

Mặc dù chỉ có 3 lao động chính, nhưng đưa máy đục công nghệ cao vào sản xuất đã giải quyết vấn đề lao động cho xưởng, sản phẩm làm ra đẹp, đúng tỷ lệ thiết kế, mẫu hỏng gần như không có, rủi ro rất thấp nên rất được khách hàng ưa chuộng.

Nhờ sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của kỹ sư trẻ sinh năm 1993, giờ đây xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của anh Nguyễn Minh Tâm, là địa chỉ tin cậy được nhiều hộ nông dân trong vùng đến đặt hàng, tham quan và học hỏi kinh nghiệm.

Bí quyết thành công của người có thâm niên 10 năm nuôi ếch Thái Lan

Người phụ nữ cần mẫn thu 70 triệu/tháng từ tre​

Theo Nông nghiệp