Người phụ nữ biến vùng trũng hóa “đồng vàng”

Qua quá nửa đời người với nhiều thăng trầm bể dâu, bà Vũ Thị Quynh, người được ví như cây xương rồng trên cát, bằng bản lĩnh, nghị lực kiên cường cùng sự nhạy bén trong phát triển kinh tế, đã biến đồng trũng thành “đồng vàng”, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ mô hình VAC khoa học, khép kín.

Số phận éo le

Đến thăm trang trại của bà Vũ Thị Quynh (thôn Vòng xã Tiên Tiến, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) vào một buổi chiều cuối năm. Nhìn cơ ngơi rộng hàng chục nghìn mét vuông với cách bố trí khoa học, ít ai nghĩ đó là nhờ một tay người phụ nữa nhỏ bé này gây dựng.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ gọn gàng, sạch sẽ, tay pha trà, từng chi tiết trong cuộc đời bà được tái hiện như thước phim quay chậm qua giọng kể trầm ngâm.

Bà Quynh nhớ lại, ngày ấy, khi đến tuổi lấy chồng, bà xây dựng gia đình với người cùng thôn, vợ chồng bà chỉ có với nhau một người con trai duy nhất. Cuộc sống với vô vàn khó khăn, vì sức khỏe yếu nên chồng bà ở nhà bán quán, mỗi tháng được vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Vì vậy, gánh nặng kinh tế đổ hết lên vai người đàn bà nhỏ bé ấy trong khi tất cả thu nhập chỉ dựa vào vào 4 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) ruộng cấy lúa.

Tháng 6/2002, một biến cố lớn ập đến khi chồng bà mắc bệnh ung thư xương. Bao nhiêu vốn liếng dành dụm chạy chữa thuốc thang cho chồng cũng không đủ. Bà Quynh vay mượn khắp nơi, nhưng dù cố gắng chạy chữa, căn bệnh quái ác ấy vẫn khiến chồng bà ra đi mãi mãi. Người chồng mất đi để lại cho bà những mất mát vô cùng to lớn, những nỗi lo khi con trai còn nhỏ và khoản nợ 40 triệu đồng chưa biết xoay xở làm sao.

Bao đêm trăn trở với suy nghĩ làm thế nào để trả hết nợ, làm thế nào để thoát nghèo, có điều kiện lo cho con học hành đến nơi đến chốn, bằng bạn bàng bè. Ý nghĩ làm giàu từ chính đồng đất quê hương được nhen nhóm và cứ thế lớn dần trong tâm trí bà Quynh.

Năm 2003, được UBND xã Tiên Tiến tạo điều kiện, bà Quynh nhận thầu lại 3 mẫu ruộng trũng của nhân dân trong thôn để cấy giống lúa nếp mỡ. Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm tinh mơ đến khi tối mịt, người dân địa phương vẫn thấy bà Quynh cặm cụi trên cánh đồng.

Mặc dù thời tiết không thuận lợi, trong khi nhiều địa phương khác trong huyện và thành phố đều bị mất mùa nhưng nhờ chịu thương, chịu khó, giống lúa nếp mỡ của gia đình bà vẫn cho năng suất cao, lại bán được giá. Sau 3 năm miệt mài bám đồng ruộng, bà đã trang trải hết nợ nần và có chút vốn liếng dành dụm cho những kế hoạch làm giàu tiếp theo.

Không thể chỉ trông chờ vào cây lúa bởi sản xuất lúa phụ thuộc nhiều yếu tố như thiên tai, dịch bệnh, khiến lúa cho năng suất thấp, nhiều vụ không có lãi, thậm chí thua lỗ do mất mùa hoặc rớt giá. Từ thực tế đó, bà Quynh đã tìm tòi, học hỏi nhiều mô hình trồng màu dưới ruộng.

Có đất trong tay, cùng với nguồn vốn ít ỏi, năm 2007, bà Quynh tiến hành thuê máy xúc đào 1 mẫu ao để thả các loại cá nước ngọt, trên bờ hút cát để trồng dưa hấu và khoai tây trên diện tích 1.000m2. Bằng sự ham học hỏi, vụ sản xuất đầu tiên thắng lợi, chất lượng quả to, thơm ngon, ngọt và được thị trường đón nhận, giúp gia đình bà có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Thành công từ chăn nuôi quy mô lớn

Hơn 40 mươi năm làm nông nghiệp là chừng ấy thời gian bà Quynh thấu hiểu sự cơ cực của cái nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. 40 năm kiên trì gắn bó với công việc đồng áng và lúa gạo nhưng vẫn chưa thể làm giàu.

Năm 2009, khi địa phương có chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế hộ nông nghiệp, bà Quynh mạnh dạn chuyển đổi đất trồng cây màu sang làm trang trại chăn nuôi. Cùng với chút vốn ít ỏi, bà vay thêm 500 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiên Lãng để phát triển mô hình chăn nuôi.

Ngày đó, khu đất nằm cách xa khu dân cư, không có đường để xe chở nguyên vật liệu vào, vì thế, bà Quynh quyết tâm làm tuyến đường dài trên 500m, mặt đường rộng 5m. Sau 6 tháng huy động nhân lực, vật lực…, từ những thửa đất lầy, trũng cũng hình thành nên con đường trải dài trước sự ngỡ ngàng của người dân địa phương. Nhờ đó, việc xây dựng trang trại gà quy mô 1.000m2 của gia đình bà được thuận tiện hơn.

Đứng trước thực trạng dịch bệnh và giá cả bấp bênh, bà Quynh đã chọn cách liên kết nuôi 7.000 con gà gia công cho Công ty Jappha. Cách làm này vừa mang lại lợi nhuận, vừa đảm bảo an toàn, được bao tiêu sản phẩm. Những ngày đầu vất vả, cán bộ công ty ăn ở tại gia đình để úm gà, chăm sóc làm sao đảm bảo nhiệt độ thích hợp, khâu cho ăn lúc này chỉ là thủ công.

Nhờ đầu tư chuồng trại sạch sẽ, áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, đàn gà lúc nào cũng khỏe mạnh, nhanh lớn. Mỗi năm nuôi 6 lứa, trừ chi phí, lợi nhuận thu được gần 500 triệu đồng/năm.

Cùng với lợi thế về diện tích đất sẵn có, kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi, năm 2016, bà Quynh tiếp tục nhận thầu 1,6 mẫu ruộng để mở rộng quy mô trang trại. Bà dành 1.400m2 xây dựng thêm 1 trang trại gà với hệ thống khép kín tự động đảm bảo các yêu cầu về kĩ thuật. Tại trang trại này, mỗi lứa bà nuôi 10.000 con, mỗi năm quay vòng 6 lứa, lợi nhuận thu được hơn 1 tỷ đồng.

Đối với lượng cám dư thừa sau mỗi ngày cho gà ăn, bà Quynh mở rộng 1 mẫu ao, làm thức ăn cho các cá nước ngọt như chim trắng, trắm, rô phi, mè…, mỗi năm cho thu hoạch hàng chục tấn cá. Trên bờ, bà trồng 300 gốc bưởi, gần 200 gốc mít, 400 gốc chuối. Đến mùa thu hoạch, thương lái đến tận nhà thu mua, ước tính mỗi năm từ vườn cây, ao cá và 2 trang trại gà cho thu nhập trên 1,5 tỷ đồng.

Ghi nhận những nỗ lực của bà Vũ Thị Quynh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND TP. Hải Phòng và UBND huyện Tiên Lãng đã tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen động viên, khuyến khích bà tiếp tục vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương.

Mảnh đất chiêm trũng năm xưa giờ đã được thay thế bằng những vườn cây đơm hoa, kết trái bù đắp cho bà Vũ Thị Quynh từ những buổi đầu còn đầy khó khăn nhọc nhằn.

Hỏi bà có vất vả không, bà chỉ cười và nói nghề nông không có giờ giấc cụ thể, mệt thì nghỉ, xong việc thì về. Quá nửa đời người gắn bó với công việc đồng áng, chân lấm, tay bùn, nhưng trên gương mặt bà lúc nào cũng rạng rỡ khi kể về thời gian nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Nghị lực ấy của bà khiến người dân trong địa phương ai cũng cảm phục và noi theo.

Theo: Kinhtenongthon.vn