Lão nông nuôi nghìn con ‘cá lạ’ thu vài tỷ đồng mỗi năm

Mỗi năm bán khoảng 200 tấn cá chép giòn – loại cá còn khá mới, ít người nuôi ở miền Tây, một người đàn ông thu về vài tỷ đồng, trở thành “tỷ phú cá chép giòn”.

Ông Lê Văn Dũng (60 tuổi, ngụ ấp 3, xã An Phong, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) được xem là người nuôi cá chép giòn thành công nhất nhì ở miền Tây. Ông được mệnh danh là “tỷ phú cá chép giòn” ở Đồng Tháp.

Ông Dũng kể, mình có hàng chục năm gắn bó với nghề nuôi cá trên sông Tiền. Trước đây, gia đình ông nuôi cá tra ở xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự. Từ nhỏ, ông đã theo cha và ông nội đi vớt cá giống trên sông về đem bán. Nghề nuôi cá đã ăn vào máu thịt của ông.

“Từ khi con cá tra được sinh sản nhân tạo, người nuôi ào ạt khiến giá cả trên thị trường không ổn định. Trải qua nhiều năm nuôi cá tra thua lỗ, tôi quyết định tìm hiểu và chuyển qua nuôi các loại cá khác như: bống tượng, điêu hồng… ”, ông Dũng kể.

Khoảng cuối năm 1990, ông Năm Dũng đóng bè rồi nuôi thử nghiệm cá bống tượng. Thiếu kinh nghiệm nên cá giống thả bị chết hao hụt rất nhiều. Khi đó, nhiều người bảo ông bị “điên”.

Tuy nhiên, đợt cá bống tượng đầu tiên, ông Dũng thu về được 1 tấn cá thương phẩm, với giá bán khá cao nên vẫn có lãi. Những năm sau đó, ông Dũng tiếp tục nuôi cá bống tượng, đồng thời mày mò tìm những giống cá mới thả nuôi. Trong đó, ông Dũng từng “thắng lớn” khi nuôi cá điêu hồng.

Lão nông nuôi nghìn con ‘cá lạ’, thu vài tỷ đồng mỗi năm

Ông Lê Văn Dũng – “tỉ phú cá chép giòn” ở Đồng Tháp.

Lão nông nuôi nghìn con ‘cá lạ’, thu vài tỷ đồng mỗi năm

Cá chép giòn ông Dũng nuôi trên sông Tiền.

Lão nông nuôi nghìn con ‘cá lạ’, thu vài tỷ đồng mỗi năm

Những tháng đầu, cá được cho ăn thức ăn công nghiệp.

“Tôi có duyên nuôi và thành công với các loại cá đặc sản như bống tượng, điêu hồng. Khi mọi người ùn ùn nuôi các loại cá đó khiến thị trường bão hòa, điệp khúc ‘được mùa mất giá’ xảy ra liên tục. Muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó, tôi cố tìm tòi loài cá mới, lạ để nuôi”, ông chia sẻ.

Trong một lần ra Bắc, ông Dũng tình cờ được người bạn ở tỉnh Hải Dương giới thiệu mô hình nuôi cá chép giòn được thị trường ưa chuộng, giá bán cao.

“Năm 2011, sau khi tìm hiểu, nhận thấy ở Đồng Tháp có thể nuôi được cá chép giòn nên tôi quyết định mua 6.000 con giống về nuôi thử trên bè. Sau đó, tôi thấy kết quả rất tốt nên quyết định mở rộng diện tích nuôi loài cá này”, ông Dũng cho hay.

Đến năm 2014, nhận thấy nguồn nước ở khu vực sông Cái Vừng (huyện Hồng Ngự) không còn phù hợp nên ông quyết định di dời bè cá chép giòn ra sông Tiền, đoạn chảy qua xã An Phong, huyện Thanh Bình để nuôi cho đến nay.

Ông Dũng kể rằng, thời kỳ đầu, chép giòn là loại cá rất lạ với người dân miền Tây, vì vậy việc tìm thị trường tiêu thụ gặp khó khăn.

“Tôi phải chạy xe máy, chở hai giỏ cá chép giòn rong rủi khắp các nhà hàng, quán ăn ở Đồng Tháp, An Giang để giới thiệu. Tôi phải tặng vài con cá chép giòn để họ ăn thử. Thậm chí, tôi còn vào bếp để chế biến các món ăn từ cá chép giòn giới thiệu cho khách”, ông Dũng kể lại.

Lão nông nuôi nghìn con ‘cá lạ’, thu vài tỷ đồng mỗi năm

Cá được trọng lượng khoảng 1,5kg sẽ được cho ăn đậu tằm.

Nhờ thịt cá dai dai, sừn sựt, thơm ngon nên con cá chép giòn của ông Dũng được thị trường chấp nhận. Sau đó, nhiều thương lái đến tận bè cá của ông để mua. Thời điểm cá chép giòn hút hàng, giá cao chót vót từ 200.000-220.000 đồng/kg.

Theo ông Dũng, cá chép giòn thực chất là loại cá chép thông thường. “Cá chép giống chỉ nhỏ bằng đầu chân nhang, mình mua về ươm trên ao. Đến khi đạt đúng kích cỡ thì thả nuôi trong bè. Giai đoạn từ 4-6 tháng, cá được cho ăn thức ăn công nghiệp, khi đạt trọng lượng khoảng 1,5 kg/con thì chuyển sang bè khác và cho ăn đậu tằm đến lúc thu hoạch.

Đậu tằm là loại giàu chất đạm, giàu tinh bột và ít chất béo nên sẽ giúp thịt cá dai và có độ giòn, ăn rất ngon”, ông Dũng nói.

Trước khi tiến hành cho cá ăn, đậu tằm phải được ngâm ủ khoảng 24h, những hạt to phải cắt ra làm đôi. “Trước đây, tôi mua đậu tằm của Trung Quốc với giá khoảng 25.000 đồng/kg, gần đây thì chuyển sang mua đậu tằm xuất xứ từ Úc với giá rẻ hơn nhiều, dưới 15.000 đồng/kg. Đậu tằm được cho vào thùng, nhấn chìm dưới nước để cá tự ăn.

“Cái sướng của cá chép giòn là dễ nuôi, ít dịch bệnh hơn và đặc biệt sức tăng trưởng nhanh, hiệu quả tốt, giá thành cao và chưa bao giờ bị ế ẩm”, ông tâm sự.

Hiện mỗi năm ông Dũng bán ra thị trường khoảng 200 tấn cá chép giòn. Với giá từ 80.000 -100.000 đồng/kg, ông thu về vài tỷ đồng.

“Thị trường tiêu thụ cá chép giòn của tôi ở khắp nơi, từ ĐBSCL đến TP.HCM, thậm chí ra tận miền Trung”, ông Dũng nói và cho biết đang muốn liên kết với các doanh nghiệp để đưa con cá chép giòn Đồng Tháp ra thị trường nước ngoài.

Lão nông nuôi nghìn con ‘cá lạ’, thu vài tỷ đồng mỗi năm

Cá chép giòn không vảy hay còn gọi cá chuỗi ngọc.

Lão nông nuôi nghìn con ‘cá lạ’, thu vài tỷ đồng mỗi năm

Cá chép giòn của ông Dũng được bán ở miền Tây, TP.HCM, miền Trung.

Lão nông nuôi nghìn con ‘cá lạ’, thu vài tỷ đồng mỗi năm

Ông Dũng đang muốn xuất khẩu con cá chép giòn ra nước ngoài.