Lão nông làm giàu trên mảnh đất quê hương

Nhờ đam mê khoa học, lão nông ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã thành công xây dựng mô hình kinh tế từ sản vật của địa phương, từng bước xóa nghèo bền vững.

Bám đất, trồng cây đặc sản
D4

Mô hình nông nghiệp kết hợp chăn nuôi và trồng trọt mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình ông Dũng. Ảnh: Nguyễn Thành

Ông nông dân Hoàng Trọng Dũng là người dân tộc Nùng Phàn Slình ở xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Khác với nhiều bà con dân tộc Nùng nơi đây còn e dè khi tiếp xúc với người lạ, với ông Dũng, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về người nông dân này là sự chân chất nhưng rất hồ hởi và phóng khoáng.

Chia sẻ với chúng tôi về quá trình phát triển kinh tế của gia đình, ông cho biết trước đây, cả thôn Sơn Hồng chủ yếu dựa vào thời tiết để canh tác nên năm được năm mất. Thời điểm đấy, nhiều gia đình đã bỏ ruộng vườn đi làm công nhân, thậm chí nhiều người sang cả Trung Quốc để chặt mía thuê. “Tôi suy nghĩ nhiều lắm khi thấy đất vườn thì bỏ trống, tại sao mình không tận dụng điều kiện sẵn có để làm kinh tế, phải bám đất, bám làng, rồi tìm cách làm ăn”, ông Dũng bộc bạch.

Sau nhiều đêm trăn trở, năm 1998 ông đã cải tạo lại đất vườn, trồng thử nghiệm 120 cây hồng không hạt Bảo Lâm – một loại quả đặc sản của xứ Lạng.

Để cây hồng phát triển tốt, ông đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây. Từ việc lựa chọn phân bón phù hợp, tỉa cành tạp, phun thuốc trị bệnh cho cây. Do vậy, năng suất và chất lượng quả hồng đã tăng gấp 2 đến 3 lần.

Nhận thấy cây hồng phù hợp với vùng đất này, năm 2017, 2018, ông đã mở rộng diện tích trồng hồng lên gần 3 ha. Đến nay, ông có 700 gốc hồng đang sinh trưởng và phát triển. Trong đó, có 200 gốc đang cho thu hoạch, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 60 – 90kg/cây. Với giá bán từ 30.000 – 40.000/kg, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, gia đình ông thu lợi khoảng 400 – 500 triệu đồng.

Không chỉ cải tạo giống hồng Bảo Lâm, vài năm trở lại đây, ông Dũng còn tập trung nghiên cứu, cải tạo gần 700 gốc hồi của gia đình được trồng cách đây hơn 20 năm. Để cây hồi cho năng suất cao, ông đã nghiên cứu và áp dụng thực hành kỹ thuật chăm bón cây hồi như bón phân hữu cơ, diệt sâu, bọ trong giai đoạn hồi ra hoa. Nhờ đó, năng suất hoa hồi đã tăng lên rõ rệt, có những cây cho thu hoạch tới 2 tạ quả tươi.

Lấy ngắn nuôi dài, tận dụng đất vườn rộng trên 4ha, ông trồng mận cơm, trồng măng tây, cây dược liệu, đào ao thả cá và nuôi giống gà 6 cựa cho giá trị thương phẩm cao. Nhờ tích cực trồng trọt, chăn nuôi, kinh tế gia đình ông ngày càng khá giả. Ông Dũng khẳng định: “Tôi nghiên cứu thấy những hộ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương rất là ổn định. Sau khi tôi áp dụng mô hình kinh tế này, gia đình cũng cải thiện và nâng cao đời sống. Bởi vậy, tôi mong muốn con cháu mình bám đất mà sống không cần phải đi làm xa”.

Lan tỏa phong trào nông dân giúp nhau làm kinh tế

Với mong muốn giúp nhiều người dân trong xã có điều kiện phát triển sản xuất, đồng thời tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung để nâng cao giá trị nông sản. Năm 2018, ông đã thành lập Hội sở thích trồng hồng.

D2

Ông Dũng hiện đang sở hữu 3ha trồng hồng không hạt Bảo Lâm. Ảnh: Nguyễn Thành

Ngoài cung cấp cây giống miễn phí cho một số gia đình, ông còn phối hợp với ngành chức mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản hồng không hạt Bảo Lâm cho hơn 300 lượt người. Nhờ vậy, sản lượng các vườn hồng trong Hội đã tăng đáng kể, thu hoạch bình quân đạt 8 – 10 tấn/ha. Đến nay, Hội đã thành lập được Tổ hợp tác với 25 hội viên cùng nhau trồng và chăm sóc hồng. Sản phẩm của Tổ hợp tác đã được cấp mã vạch và chỉ dẫn địa lý rõ ràng.

Với những thành công đã đạt được, vừa qua, ông Hoàng Trọng Dũng vinh dự là 1 trong 2 đại diện của tỉnh Lạng Sơn được Trung ương hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022. Nhưng với người nông dân này, phần thưởng lớn nhất chính là sự tín nhiệm của bà con giành cho mình, cùng nhau học hỏi kinh nghiệm để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Theo ông Hoàng Văn Ngôn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn, những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi như mô hình ông Hoàng Trọng Dũng đã góp phần chuyển đổi tư duy của người nông dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, những mô hình này đã thay đổi tư duy của người nông dân không còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vươn lên làm giàu chính đáng.