Lãi 1 triệu 1 ngày nhờ trồng đậu bắp bán cho Nhật

"Nhà tôi trồng hơn 1ha đậu bắp bán cho Nhật, thuê 10 lao động miệt mài hái trái. Mỗi ngày nhà tôi hái được từ 300-400kg trái đậu bắp, bán giá tại rẫy là 4.000 đồng/kg cân xô, còn đậu lựa là 7.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí trả công hái trái, tôi còn lời hơn 1 triệu đồng/ngày…", anh Trần Trung Quốc, ở ấp 9, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) chia sẻ.

Như gia đình anh Trần Trung Quốc, nhiều hộ dân ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ trồng đậu bắp cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Theo chân cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ, chúng tôi tìm đến nhà anh Trần Trung Quốc, ở ấp 9, xã Lương Tâm. Dưới cái nắng giữa trưa, nhưng trên diện tích hơn 1ha trồng đậu bắp của anh, có gần 10 nam, nữ đang miệt mài hái trái. Anh Quốc cho biết với diện tích này, mỗi ngày anh hái được từ 300-400kg trái, bán giá tại rẫy là 4.000 đồng/kg cân xô, còn đậu lựa là 7.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí trả công hái trái, anh còn lợi nhuận hơn 1 triệu đồng/ngày.

Nhiều người dân ở đây cho rằng từ trước đến giờ chưa từng trồng đậu bắp với diện tích nhiều, có chăng cũng chỉ là số ít để ăn và bán lẻ. Sau khi được cán bộ khuyến nông, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng, Công ty Thủy sản Bạc Liêu cung cấp hạt giống, hợp đồng bao tiêu, thu mua trái xuất khẩu sang Nhật nên bước đầu nông dân chỉ trồng thử nghiệm vài chục hộ, với diện tích hơn 12ha, nhưng không ngờ cây đậu bắp cho năng suất rất cao, lợi nhuận nhiều hơn gấp mấy lần cây màu khác.

Anh Trần Quốc (áo xanh, thứ 2 bên trái sang) cùng cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ kiểm tra sâu, bệnh trên cây đậu bắp.

Anh Trần Quốc (áo xanh, thứ 2 bên trái sang) cùng cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ kiểm tra sâu, bệnh trên cây đậu bắp.

Ông Trần Hoài Nhân, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ, cho biết: Đậu bắp là cây rau, thuộc họ bông nên rất dễ trồng và bố trí thời vụ cũng không khắt khe. Năng suất trung bình từ 18 đến hơn 20 tấn trái/ha/vụ và khả năng thu hoạch kéo dài từ 2-3 tháng/vụ. Với giá bán từ 4.000-7.200 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí, người trồng có thể mang về lợi nhuận khoảng 95-100 triệu đồng/ha/vụ trồng.

Theo ông Nhân, nếu bà con nông dân xuống giống đậu bắp đúng theo lịch thời vụ Đông xuân thì sau 1,5 tháng sẽ cho lứa trái đầu tiên. Sau khi thu hoạch trái, nếu cây lên cao có thể đốn bớt ngọn để cây đâm nhánh nhiều hơn và sẽ cho trái tiếp tục. Bởi cây đậu bắp cho thu hoạch thường xuyên và liên tục, theo đà phát triển của cây mà người trồng có thể thu hoạch từ 300-400kg/ha/ngày.

Không ít hộ dân trồng đậu bắp ở ấp 9, xã Lương Tâm đều có chung một ý nghĩ là cho dù hiện tại nhiều người trồng đậu bắp bán đổ cho thương lái với giá thấp hơn nhiều so với bán lẻ, nhưng họ vẫn muốn mở rộng diện tích, bởi đây là cây dễ trồng. Anh Quốc từng là người có nhiều năm trồng dưa lê thừa nhận địa phương anh có truyền thống phát triển 2 loại cây màu là dưa lê và dưa hấu. Dưa lê cho thu nhập cao, nhưng mất rất nhiều công chăm sóc, sâu bệnh gây hại.

Tuy mới trồng thử nghiệm, nhưng anh Quốc nhận thấy cây đậu bắp rất dễ trồng, thời tiết càng nắng cây càng lớn nhanh và cho năng suất cao, trung bình trong tháng bón phân, phòng trừ sâu bệnh 1-2 lần mà cây vẫn phát triển và cũng không kén đất. Đặc biệt cây đậu bắp rất hiếm khi bị sâu bệnh gây hại, có chăng chỉ là sâu xanh thời kỳ đầu vụ và rệp gây hại ở giữa vụ. Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho 1 công đậu bắp cũng chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng, gồm cả giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Nguyễn Văn Đầy, nhân viên thu mua của Công ty Thủy sản Bạc Liêu cho biết công ty anh trực tiếp đầu tư hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kết hợp với Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, sau đó bao tiêu sản phẩm. Việc thu mua được tiến hành hàng ngày, nông dân hái trái đến đâu anh thu mua hết đến đó nên họ không bị ế hàng…

Một cán bộ địa phương cũng cho biết, hiệu quả từ mô hình trồng cây đậu bắp Nhật, không chỉ mở ra hướng sản xuất mới, mà còn thể hiện sự nhạy bén của nông dân trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tế ở địa phương. Nếu như nắm bắt được nhu cầu của thị trường tiêu thụ và tạo ra sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thì mô hình này sẽ được địa phương tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới, chứ không dừng lại ở con số hơn 12ha trong toàn xã như hiện nay.

Theo Báo Hậu Giang