Khoai tây là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Những năm gần đây cây khoai tây đã trở thành cây trồng chính ở vụ đông. Mặc dù khá dễ trồng nhưng để khoai tây cho năng suất cao, chất lượng tốt và ít sâu bệnh bà con cần lưu ý một số biện pháp.
Thời gian sinh trưởng của khoai tây chỉ từ 85 – 90 ngày đã cho thu hoạch. Năng suất khoai tây rất cao, bình quân đạt từ 18 – 22 tấn củ/ha. Trồng khoai tây trong vụ đông đem lại giá trị thu nhập cao gấp 2 – 3 lần so với tất cả các loại rau củ khác. Khoai tây là loại cây rất dễ trồng, yêu cầu thâm canh không cao, tuy nhiên, để có được năng suất cao cần áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật sau:
Giống và mật độ trồng:
– Một số loại giống khoai tây phổ biến hiện nay: Atlatic, Diamont, Marabel, Solana… nhưng tốt nhất nên trồng 2 giống Solara và giống Marabel của cộng hòa dân chủ Đức. Bởi 2 giống khoai tây này có thời gian sinh trưởng không quá 90 ngày, năng suất cao (có thể đạt trên 22 – 25 tấn/ha), chất lượng củ ăn ngon, thơm, dẻo…
– Lượng giống: Khoảng 40 – 45 kg giống/1 sào Bắc bộ, tương đương 4 – 5 hốc/m2. Với các hộ trồng khoai có kinh nghiệm, khi củ giống to có thể bổ củ giống để đảm bảo lượng giống, mật độ. Bổ củ theo 2 phương pháp bổ dính hoặc bổ chấm xi măng.
– Lên luống: Luống đôi: Rộng 1,4 m, mặt luống rộng 0,9m – 1,0 m, chiều cao luống 25 – 30cm. Luống đơn: Rộng 65 – 70cm, mặt luống rộng khoảng 50 – 55cm.
Phân bón và cách trồng:
– Cách trồng: nếu củ nhỏ 20 – 30 gam thì để nguyên củ để trồng. Trường hợp củ giống to, nặng trên 40 gam thì nên bổ củ khoai ra thành nhiều miếng như bà con nông dân bửa cau ăn trầu để tiết kiệm giống và khi bổ cần lưu ý đảm bảo miếng nào cũng có mầm và phải bổ dọc củ khoai. Khi bổ nhớ phải sát trùng dao bằng nước vôi hoặc cồn, rượu cao độ, xà phòng… có thể bổ tách rời từng miếng hoặc để dính tạm thời cũng được. Nếu bổ củ tách rời từng miếng thì bổ xong chấm tro bếp hoặc bột xi măng và để vậy, sau 3 – 4 ngày đem trồng. Nếu khi bổ để dính các miếng với nhau thì sau đó 7 – 10 ngày phải tách rời từng miếng ra để đem đi trồng.
Khi trồng củ giống đã bổ thành mảnh cần lưu ý: Đặt nghiêng mặt cắt, không úp mặt cắt xuống dưới đất, đặt củ nổi trên mặt luống. Khi tưới nước chỉ tưới vừa đủ ẩm, không tưới thừa nước dễ gây thối củ.
– Lượng phân bón lót: Sử dụng phân chuồng với lượng từ 4 – 5 tạ/sào hoặc có thể thay thế bằng phân vi sinh với lượng từ 25 – 30kg/sào kết hợp 3 – 4 kg đạm ure, 15 – 20 kg lân supe hoặc sử dụng phân NPK loại 5:10:3 với lượng 25kg/sào.
Bón toàn bộ lượng phân lót trước khi trồng. Có thể bón theo rạch hoặc xung quanh hốc sau đó lấp đât, đảm bảo không đặt củ giống trực tiếp lên phân bón. Tận dụng nguồn rơm rạ, bèo bồng để phủ mặt luống giúp giữ ẩm và hạn chế cỏ dại cho luống khoai.
Lưu ý: Tuyệt đối không sử dụng phân chuồng tươi; nếu đất ướt không bón lót phân đạm, sau khi cây đã mọc lên khỏi mặt đất dùng lượng đạm này hòa loãng để tưới cho cây.
Một số sâu bệnh hại chính và biện pháp phòng trừ:
+ Phòng trừ sâu hại như rệp, nhện và bọ trĩ:
Vệ sinh đồng ruộng, hạn chế trồng cây ký chủ phụ cùng họ (đậu, bí đỏ, rau cải,…) xung quanh ruộng; sử dụng bẫy vàng để thu bắt; cắt bỏ lá bị hại nặng. Phun thuốc khi phát hiện có sâu, rệp, nhện, bọ trĩ. Nên phun luân phiên thay đổi các loại thuốc. Sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
+ Phòng trữ mốc sương và đốm lá:
Sử dụng củ giống sạch bệnh, trồng xa khu vực có khoai tây hoặc ký chủ khác đã nhiễm bệnh.
Chú ý giữ vệ sinh đồng ruộng, loại bỏ cây ký chủ phụ và các tàn dư ký chủ của vụ trước; không đổ củ thối, nhiễm bệnh trong hoặc xung quanh ruộng trồng khoai tây.
Phun phòng trừ bệnh: Thực hiện phun phòng trừ bệnh mốc sương trước khi cây khoai tây khép tán (dùng thuốc có tác dụng tiếp xúc như: Mancozeb, Zineb, Daconil…). Chú ý quan sát thời tiết, khi có mưa hoặc sương mù nhiều liên tục 2 – 3 ngày liền trong điều kiện nhiệt độ không khí dưới 26°C cần phun thuốc phòng bệnh.
Khi bắt đầu xuất hiện những triệu chứng bệnh đầu tiên, cần phun ngay thuốc nội hấp, lưu dẫn như: Cruzate M8-72WP, Aliete 80WP, Acrobat hoặc Melody Duo… theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Sau đó nên thay đổi luân phiên các loại thuốc.
+ Phòng trừ héo rũ do vi khuẩn:
Luân canh với lúa nước: Đối với ruộng đã nhiễm khuẩn, không trồng lại khoai tây trên cùng ruộng sau ít nhất từ 2 – 3 năm, luân canh với cà rốt hoặc hành tây 2 – 3 vụ. Dùng củ giống sạch bệnh.
Thu hoạch và bảo quản:
Khi 50% lá chuyển vàng là có thể thu hoạch. Thu hoạch vào ngày nắng ráo, đất không quá ẩm. Rỡ củ và hong khô vỏ ngay trên ruộng. Phân loại củ sơ bộ tại ruộng, loại bỏ củ bị bệnh. Vận chuyển nhẹ nhàng, tránh làm xây xát vỏ.
Trong trường hợp chưa thể tiêu thụ ngay, cần bảo quản khoai trong điều kiện thoáng mát và tối để tránh lục hóa và thối củ. Nếu bảo quản lâu, tốt nhất là bảo quản khoai thương phẩm trong kho lạnh ở nhiệt độ 12- 14°C, ẩm độ không khí 90%. Bảo quản khoai giống trong kho lạnh ở nhiệt độ 40°C.