Khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương của chàng thanh niên trẻ

Tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải vào năm 2014 nhưng với niềm yêu thích trong lĩnh vực nông nghiệp cùng sức trẻ, tinh thần xung kích dám nghĩ, dám làm, anh Trần Văn Trường (thôn Hữu Ái, xã Giang Sơn, huyện Gia Bình) đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình trang trại tổng hợp tại quê nhà và bước đầu gặt hái được nhiều thành quả.

Lần đầu gặp mặt, chàng thanh niên với đôi mắt sáng cùng sự năng động, nhanh nhẹn ấy đã làm tôi rất ấn tượng. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp, anh Trường quyết định ở lại thủ đô làm việc, vừa để thử sức bản thân vừa tích lũy kinh nghiệm và vốn sống. Tuy nhiên sau một khoảng thời gian làm việc, với mong muốn được về quê cống hiến và làm giàu trên chính mảnh đất chôn rau cắt rốn đã thôi thúc anh trở về. Vốn có trang trại rộng hơn 2 ha của gia đình, anh quyết định vay mượn thêm vốn của bạn bè và người thân mở rộng diện tích trang trại thêm 4 ha để trồng chuối và cam. Thời gian đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức nên mô hình của anh Trường không đem lại hiệu quả như mong muốn. Song với sự năng động, sáng tạo, lại có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn thông tin từ sách báo và mạng internet, anh quyết tâm nhất định phải thành công với mô hình này.

Một góc trang trại của anh Trường

Năm 2019, anh đã tiếp cận và vay vốn thành công 1 tỷ đồng từ nguồn vốn của Đề án “Hỗ trợ thanh niên Bắc Ninh khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” của Tỉnh Đoàn. Vừa học, vừa làm, lại được sự hỗ trợ từ các tổ chức đoàn thể, anh ngày càng đầu tư mở rộng mô hình hơn. Đến nay, mô hình của anh đã có hơn 7 nghìn cây ăn quả (cam, chuối,…), gần 2 nghìn con gia cầm (gà, vịt…) và 7 mẫu ao nuôi các loại cá: cá chim, cá chép, cá trắm, cá mè… Mỗi tháng, anh thu hoạch được 5 tấn chuối, giá bán 5.000 – 6.000 đồng/kg đạt doanh thu hơn 25 triệu đồng/tháng. Hàng năm, sản lượng thu được từ nuôi trồng thủy sản của gia đình anh Trường vào khoảng 20 tấn. Cùng với gà và chăn nuôi vịt đẻ trứng giúp anh thu về hơn 400 triệu đồng/năm sau khi đã trừ đi các chi phí.

Từ kinh nghiệm của bản thân, anh mong muốn các bạn đoàn viên thanh niên phát huy sức trẻ và trí tuệ của mình để góp phần xây dựng và phát triển kinh tế tại quê hương.

Anh Trường chia sẻ: “Khởi đầu bất cứ con đường nào cũng đầy khó khăn và thử thách, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, đòi hỏi các bạn trẻ phải có đam mê đủ lớn, có sự đầu tư nghiên cứu và thận trọng trong từng bước đi. Tuy nhiên không có gì là không thể nếu chúng ta có một quyết tâm đủ lớn và một trái tim ít sợ điều gì”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Trường còn là một cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình trong công tác Đoàn, Hội và phong trào thanh thiếu niên. Giờ đây tuy đã là Chủ tịch Hội Nông dân xã Giang Sơn nhưng anh vẫn rất quan tâm đến các bạn trẻ, nhất là những bạn có niềm đam mê với nông nghiệp. Anh vẫn thường xuyên chia sẻ và khuyến khích các bạn đoàn viên, thanh niên tích cực dấn thân phát triển kinh tế và làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Qua những thành tích đạt được, anh Trần Văn Trường được các cấp và chính quyền địa phương tặng nhiều giấy khen. Và điều quan trọng hơn là mô hình phát triển kinh tế của anh đã và đang là điểm đến của nhiều đoàn viên, thanh niên trong và ngoài xã học tập và làm theo.