Hướng đi mới, thoát nghèo từ mô hình trồng sen

Cách trung tâm Hà Nội hơn 50km, đầm sen thôn Đức Dương (xã An Phú, huyện Mỹ Đức) nở hoa rực rỡ vào mùa, thu hút nhiều khách đến đây tham quan, chụp ảnh. Nơi đây không chỉ nổi bật với đầm sen đẹp bao quanh bởi núi đá vôi mà còn là câu chuyện thoát nghèo của bà con trong vùng.

Trước đây người dân trong thôn chủ yếu trồng cây lúa nhưng qua nhiều năm canh tác cây lúa không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt xã An Phú là xã miền núi của huyện Mỹ Đức do địa hình nên việc sản xuất nông nghiệp của người dân gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên bị mất mùa do úng ngập.

huong di moi thoat ngheo tu mo hinh trong sen
Cánh đồng sen ở thôn Đức Dương trải dài bạt ngàn, đem lại hiệu quả kinh tế thu nhập cho người dân nơi đây (Ảnh: Vinh Hiển) 

Chia sẻ rõ hơn về những khó khăn đó, bà Nguyễn Thị Vui, thôn Đức Dương, xã An Phú cho biết, bà con ở đây chủ yếu là làm nông, nhiều đời gắn bó với đồng ruộng. Tuy nhiên, do địa hình đặc thù của thôn nên sản xuất nông nghiệp không thuận lợi, thường xuyên bị mất mùa. Trước đây, một năm người dân chỉ cấy được một vụ lúa, đến tháng 7 nước ngập trắng đồng nên không cấy được vụ mùa. Trồng lúa đem lại năng suất kém, mỗi sào chỉ cho thu hoạch được hơn một tạ thóc. Dù diện tích đất nông nghiệp lớn, cánh đồng rộng mấy chục mẫu nhưng cuộc sống của người dân trong thôn vẫn khó khăn, vất vả.

Từ những khó khăn đó, người dân nơi đây trăn trở tìm ra hướng đi mới, tận dụng lợi thế đồng trũng, họ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Là một trong những hộ chuyển đổi cây trồng từ lúa sang sen, bà Nguyễn Thị Vui cho biết trồng sen không cần đầu tư lớn, công sức chăm sóc cũng đỡ vất vả hơn so với trồng lúa. Đến mùa thu hoạch, thời gian thu sen lâu hơn thu lúa, một mẫu sen có thời gian thu hoạch kéo dài hơn một tháng.

Ngoài hoa sen, người trồng thu hoạch lá sen, hạt sen để cung ứng cho thị trường. Phần củ thì làm giống cho mùa năm sau hoặc bán giống. Trước đây, một sào lúa trên vùng chiêm trũng chỉ cho thu nhập nhiều nhất là hơn một triệu đồng thì trồng sen có thể đem lại thu nhập gấp 2-3 lần, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, từ đó mà bà con trong vùng phấn khởi, cùng nhau chuyển đổi, nhân rộng mô hình.

huong di moi thoat ngheo tu mo hinh trong sen 1
Từ trồng sen, người dân nơi đây hướng đến kết hợp đẩy mạnh khai thác du lịch ở địa phương (Ảnh: Vinh Hiển) 

“Ban đầu chỉ một vài hộ trồng sen, đến nay diện tích trồng sen của khu vực là 180 ha với hơn 90 gia đình cùng trồng, vào đúng mùa thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh bên hoa sen. Nhờ đó mà người dân nơi đây có thêm thu nhập, trồng sen đã mang đến cơ hội cho xã An Phú phát triển kinh tế du lịch xanh. Với 180ha sen mênh mông, bạt ngàn, cứ đến mùa hoa sen nở thì xã An Phú trở thành “thiên đường” chụp ảnh của nhiều du khách”, anh Nguyễn Văn Hiển, người dân thôn Đức Dương chia sẻ.

Mặc dù đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt tuy nhiên hiện nay người dân bán sen phụ thuộc vào giá thương lái đưa ra nên chưa cao, đầu ra cho các sản phẩm từ cây sen rất tốt nhưng việc tiêu thụ sản phẩm của bà con gặp nhiều khó khăn do thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm, đầu tư, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn nhiều hạn chế. Người dân trong thôn mong muốn được chính quyền các cấp quan tâm tổ chức mời các chuyên gia nông nghiệp về hướng dẫn kỹ thuật canh tác sao cho hiệu quả, hướng tới trồng sen theo các mô hình đạt tiêu chuẩn Vietgap, tìm đầu ra cho thị trường không chỉ trong nước mà có thể xuất khẩu sang nước ngoài để người dân mở rộng diện tích sản xuất.