Giống nhãn Idol của ông Út Hiện

17 năm nay, một mình ông lặng lẽ mày mò, thuần dưỡng một giống cây ăn trái ngoại nhập. Để rồi sau đó khi nhắc đến thương hiệu nhãn Idol, người ta lại nhớ đến tên của ông.

Ông là Phạm Hữu Hiện, 60 tuổi. Người dân ở cù lao An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp thường gọi ông với cái tên thân mật là Út Hiện. Tháng 6-2016, UBND huyện Châu Thành, Đồng Tháp đã tổ chức lễ công bố chứng nhận giống nhãn Idol do ông Út Hiện nghiên cứu trở thành nhãn hiệu riêng của tỉnh nhà với cái tên “Nhãn Châu Thành – Đồng Tháp”.

 

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, người dân ở đây vẫn quen trồng giống nhãn tiêu da bò. Một thời gian dài sau đó, giống nhãn này bị nhiễm bệnh chổi rồng khiến người dân lao đao. Cùng thời điểm đó, ông Út Hiện biết được có giống nhãn Idol du nhập từ Thái Lan vào Việt Nam đã nhiều năm nhưng không ai dám thử nghiệm. Giống nhãn này có ưu điểm nổi trội là ít bị sâu bệnh, năng suất cao, tỉ lệ hao hụt thấp; trái có hạt nhỏ, cơm dày, thơm và ngọt lịm.

Từng bị mắng khùng điên

“Lúc đó tôi nghĩ tại sao mình không thử nghiệm giống mới này xem hiệu quả như thế nào, phải tìm cách để thay thế giống cũ đã hư, không thể ngồi yên như vậy” – ông nhớ lại.

Năm 1997, ông mua 10.000 cây nhãn giống Idol mang về cù lao An Hòa trồng thử. Nhưng ngặt nỗi giống Idol vốn không thể ra hoa trong điều kiện thời tiết nhiệt đới như ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên dù gieo thử nghiệm hàng trăm gốc, cây cũng không thể ra hoa… Ông lại gieo, lại mày mò tìm hiểu, đọc thêm nhiều tài liệu, tham khảo trên Internet, kiên trì để tìm cách khắc phục nhược điểm của giống cây này. Ông chưa bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ từ bỏ nhưng hết khó khăn này đến khó khăn khác cứ bủa vây. Người ta chỉ trích ông vì đem giống cây ngoại lai về trồng, chẳng mang lại lợi ích gì, thậm chí còn mắng rằng ông lừa gạt họ.

Giống nhãn Idol của ông Út Hiện - ảnh 1
Ông Út Hiện đang nói về giống nhãn Phát tài mà ông mới nghiên cứu được. Ảnh: Thanh Tuyền

“Có người thì nói tôi là thằng khùng, thằng điên, không ai đồng hành với tôi cả. Lúc đó tôi thấy mình cô đơn lắm, như lạc giữa biển mênh mông mà không có hướng đi nào cụ thể” – ông tâm sự.

Nhưng biết làm sao được, trái nhãn với ông đã ăn sâu vào máu thịt, là niềm đam mê của ông ngay từ nhỏ, khó bao nhiêu ông cũng tìm mọi cách để khắc phục. Ông cứ miệt mài vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tự mình dạy mình qua những lần thất bại. Ba năm sau, cây nhãn Idol mới chịu cho bông và bắt đầu ra trái.

Ông đem kỹ thuật của mình hướng dẫn cho bà con trong vùng, mọi người lúc đó mới bắt đầu tin ông làm được. Cho đến nay cả cù lao An Hòa không ai không biết đến ông Út Hiện với giống nhãn Idol.

Khai sinh giống nhãn Phát tài

Ông Út Hiện luôn quan niệm rằng muốn thành công hơn nữa thì phải ra biển mà bơi. Nông dân ở thời hiện đại phải thật nhanh nhạy, mạnh dạn thử sức mình. “Mình phải hiểu biết nhiều thứ hơn mới được chứ không phải chỉ biết trồng cây và chờ ngày nó ra trái. Nông dân hiện đại phải có tầm nhìn, hiểu biết nhiều hơn về thị trường, xu thế phát triển là gì. Phải tự nâng tầm mình lên để chạy đua cho kịp với những chuyển biến mà mình không lường trước được. Tập nhìn vào bức tranh tổng thể của tương lai đi rồi sẽ thấy mình cần phải thay đổi nhiều lắm, không thì bánh xe nó nghiền nát mình không chừng” – ông nói.

Dù giống nhãn Idol đã tồn tại được 17 năm nay nhưng chưa bao giờ ông Út Hiện nghĩ rằng nó sẽ sống mãi đến sau này. “Ai dám đảm bảo một ngày nào đó giống Idol sẽ sống mãi như vậy. Ai dám đảm bảo nhu cầu thị trường sẽ chỉ xoay quanh cái giống nhãn này. Tôi không cho phép mình cứ ngồi yên đó mà hài lòng với hiện tại” – ông xua tay nói chắc nịch.

nhan ngon

Ảnh minh họa

Vậy nên sau thành công của giống Idol, ông vẫn âm thầm tìm tòi để tạo ra giống mới mà không nói cho ai biết. Ông nhận thấy thân của giống Idol rất yếu, không thể chịu được gió bão nên phải tìm cách để tạo ra giống mới. Ít ai biết rằng ông đã có tám năm nghiên cứu và ấp ủ để đưa một giống nhãn mới vào trồng thử mà ông gọi với cái tên nhãn Phát tài.

“Một người không thể mặc mãi một bộ đồ được. Người tiêu dùng cũng vậy, ăn hoài một vị rồi cũng chán, càng ngày người ta càng muốn đưa vào miệng những khẩu vị mới. Mình phải theo kịp họ hay thậm chí là đi trước họ nữa kìa” – ông nói thêm về quan điểm của mình.

“Đừng biến nền nông nghiệp trở nên buồn bã…”

Từ tận sâu trong lòng mình, ông Út Hiện luôn đau đáu về những gì mà mình đang làm. Rằng nó có góp phần thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững hay chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn?

“Tôi thật không muốn nhìn thấy nền nông nghiệp trở nên buồn bã hơn nữa. Điều tôi đang làm là cố gắng để tạo ra một không khí nông nghiệp cởi mở hơn, mọi người cũng là nông dân như tôi đây sẽ tự tạo ra một thị trường sôi động mà không phải phụ thuộc vào ai cả. Đừng biến nền nông nghiệp trở nên buồn bã hơn…” – ông bày tỏ tâm tư.

Trong suốt 17 năm, giống nhãn Idol của ông Út Hiện trở thành giống cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con địa phương. Năm 2010, Tổ hợp tác tiêu thụ nhãn An Hòa ra đời. Trong vai trò là tổ trưởng, ông Út Hiện vừa là người hướng dẫn kỹ thuật, vừa chạy lo tìm đối tác thu mua cho bà con. Mỗi năm tổ hợp tác bán ra hơn 300 tấn cho thương lái đưa đi phân phối ở thị trường TP.HCM và Hà Nội. Giống nhãn này cũng đã xuất sang nước ngoài với giá cao gấp 2,5 lần so với các giống nhãn khác.

Theo PLO