Giàu lên nhờ trồng hoa – cây kiểng

 

Không chiếm nhiều diện tích nhưng mang lại giá trị kinh tế rất cao, những năm gần đây nghề trồng hoa lan, cây kiểng đang trở thành mô hình kinh tế hấp dẫn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp TPHCM, đặc biệt là ở các quận – huyện ven.

Làm giàu với hoa - cây kiểng

Nhiều người dân tại đây đã thật sự tìm được cơ hội đổi đời từ những mô hình này, trong đó có Nguyễn Hoàng Sang (Sang “râu”, 36 tuổi, ngụ số 15/2 ấp 3, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn). 

Anh Sang (ảnh) chia sẻ: “Tôi thích nghề trồng hoa, cây kiểng từ hồi học cấp 2. Khi học xong cấp 3, tôi thi hành nghĩa vụ quân sự, đến năm 2003 tôi xuất ngũ, trở về gia đình và chính thức bắt tay vô làm nghề mình yêu thích. Đầu tiên tôi làm ở quận 12 vì nhà tôi ở đó, với khoảng 200m2 trồng vài trăm cây mai, đây là nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình. Tuy nhiên, do thấy nguồn nước bị ô nhiễm nên từ năm 2008, tôi chuyển về xã Nhị Bình mướn đất để sản xuất”. 

Đến vườn của anh Sang, không ai không thán phục trước sự cần cù, chăm chỉ và tay nghề cao của chủ nhân. Vườn được thiết kế ngăn nắp, sạch sẽ, những cây mai tươi tốt được tạo dáng, cắt uốn tỉa gọn gàng. Các cây lan khỏe, hoa khoe sắc thắm. Hiện vườn anh có khoảng 2.000 gốc mai lớn nhỏ, mỗi năm đem lại lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Theo anh, cái khó của người trồng mai là phụ thuộc vào thời tiết, làm mai một năm ăn có một mùa, nếu thời tiết bất lợi mai không nở hay mai nở sớm đều coi như mất trắng.

Nói thì vậy nhưng đến nay đã 14 năm trồng mai, chưa năm nào thời tiết làm khó được anh Sang. Anh nói tùy vào điều kiện thời tiết mà có cách xử lý khác nhau, khó khăn nào cũng có biện pháp để giải quyết. Không dừng lại đó, khi thấy nhiều hộ trồng hoa lan ở địa phương “thắng lớn”, anh Sang cũng trồng thử, ai dè khi làm lại đam mê luôn. Với chỉ 200m2 đất, trồng khoảng 4.000 cây lan, giá thành một chậu lan khoảng 12.000 đồng, giá bán 25.000 – 28.000 đồng/chậu, lợi nhuận đạt 12.000 – 15.000 đồng/chậu, sau khoảng 7 tháng trồng thì lợi nhuận mang lại khoảng 50 – 60 triệu đồng. “Hiện tôi đang thử nghiệm trồng 100 cây lan dendrobium nhập từ Singapore, giá cây giống 50.000 đồng/cây, qua theo dõi thấy phát triển rất tốt, giống này có thể cao 1,5m – 3m, sau 2-3 năm sẽ bán được vài triệu đồng/cây. 

Anh Sang chia sẻ, nghề trồng hoa cây kiểng phải đặt sự đam mê lên hàng đầu, chăm chỉ và nắm vững kỹ thuật. Để trồng lan đạt hiệu quả thì trước tiên phải hiểu về nó, khi hiểu rồi thì chăm sóc rất đơn giản. Khi mua lan giống về, không nên trồng liền mà phải cắt hết rễ, chỉ chừa lại cục sơ dừa, để trong mát 5 – 7 ngày, phun thuốc phòng ngừa nấm bệnh, sau đó mới đem trồng. Tháng đầu tiên phải chăm sao cho cây lan ra rễ, ra giả hành được thì mới tốt, không để cho lan còi, vì đây là giai đoạn quyết định. Chăm sóc thì phải cần cù, tùy vào độ tuổi của cây, chịu khó chia nhỏ phân bón để cho cây ăn liên tục, thì cây sẽ khỏe và phát triển nhanh. 

Ngoài ra, anh Sang còn nhận tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, chăm sóc, uốn tỉa, ghép, tạo dáng bonsai, mai, cây kiểng cho các vườn ở địa phương và các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre…,  mỗi tháng cũng thu được 10 – 15 triệu đồng.

“Do quỹ đất dành cho nông nghiệp ngày càng ít, người nông dân TPHCM muốn tăng lợi nhuận trong sản xuất thì phải biết áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến (như công nghệ tưới phun, tưới tiết kiệm nước, hệ thống nhà màng bán kiên cố, nhà lưới…) để giảm chi phí và công lao động, cũng như tăng năng suất, chất lượng cho sản phẩm”, anh Sang nói.

Theo SGGP