Chuyện ông Bé Lượm trồng rau lơ lửng trong không khí

Thấy ông Lượm trồng rau theo cách cho ra rễ lơ lửng trong không khí nên bà con trong xóm ai cũng hiếu kỳ, có phần ngờ vực…

Cho rau “ăn” qua không khí

Ông Nguyễn Văn Bé Lượm ở xã Phú Tân (Châu Thành, Hậu Giang) vốn có truyền thống làm nông, với hơn 20 năm kinh nghiệm trồng hoa màu, nhưng canh tác theo phương pháp truyền thống (thổ canh). Chịu tác động của thời tiết, mảnh vườn, ruộng rau thường cho năng suất bấp bênh dẫn đến thua lỗ. Cùng hoàn cảnh với ông Lượm không ít người rời quê, bỏ ruộng.

“Nông dân chúng tôi, làm quần quật ngoài đồng, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, đến mùa thu hoạch, sâu ăn sạch ruộng rau, coi như mùa đó thất thu”, ông Lượm thổ lộ.

IMG_0479.00_21_34_13152.Still005

Nhờ thay đổi phương pháp canh tác mà giờ đây ông Lượm đã có của ăn, của để. Ảnh: Hồ Thảo.

Từ đó, ông Lượm luôn canh cánh suy nghĩ làm cách nào để sản xuất chủ động, không còn phải ngay ngáy lo rủi ro sâu bệnh, thời tiết… Ông đã đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều mô hình, tham khảo trên báo, đài, trong và ngoài nước.

“Tôi khá kỹ tính, không chỉ xem qua sách báo, đài địa phương, tôi còn đến tận nơi để gặp trực tiếp những mô hình làm ăn hiệu quả để học hỏi, nhưng chỉ có trồng rau khí canh mới thuyết phục được tôi”, ông Lượm cho biết.

Sau khi tìm hiểu cặn kẽ, năm 2018, ông quyết định vay ngân hàng 20 triệu đồng về làm vốn đầu tư nhà kính trồng rau khí canh đầu tiên tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Hàng xóm, xung quanh nhà ông Lượm hay được ai cũng xầm xì. “Sợ vợ lo, chồng tôi ở ngoài vườn tự mày mò làm 50 trụ rau khí canh. Đến gần xong tôi mới phát hiện. Hay được, bà con hàng xóm nói chồng tôi khùng, có bao nhiêu tiền đem đổ vào mấy cái trụ nhựa, nào giờ ở xóm có ai làm đâu”, bà Nguyễn Thị Loan, vợ ông Lượm kể.

Lúc đầu, bà Loan cũng lo lắng, sợ thất bại thâm hụt vốn. Nhưng khi nghe ông Lượm phân trần, bà Loan cũng bị xiêu lòng, ủng hộ chồng. Do chưa có kinh nghiệm thực tế nên 50 trụ rau khí canh đầu tiên của ông Lượm bị hao hụt gần hết. Không bỏ cuộc, ông đầu tư thêm 100 trụ nữa. Lần này, thấy những cây nào xấu, hai vợ chồng ông Lượm bắt sâu bằng tay, nên 150 trụ rau xà lách xanh tốt, lá to.

“Bà con trong xóm nói rau nhà tôi trồng đâu có thua ở Đà Lạt. Từ đó, trồng bao nhiêu là có người đặt trước, không đủ bán, nên tôi mở rộng lên 1.000 trụ với diện hơn tích 350m2 để đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Lượm cho hay.

Rau 2

Ông Lượm đang chuẩn bị mở rộng nhà kín để trồng rau khí canh với diện tích 1.200m2, tại ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Hồ Thảo.

Nói về trồng rau khí canh, ông Lượm cho biết, đây là phương pháp canh tác mới giúp việc nuôi trồng rau củ sạch và không cần sử dụng đất (thổ canh) và nước (thủy canh). Đây là công nghệ canh tác cây trồng trong môi trường không khí chứa các thể bụi dinh dưỡng. Với phương pháp này, rễ cây có thể hấp thụ dinh dưỡng từ các bụi thể để sinh trưởng và phát triển tốt.

Với công nghệ này, hệ thống nước tưới được thiết kế tuần hoàn, nước từ bể theo đường ống truyền đến rễ cây bằng hệ thống phun tự động, sau đó nước được lắng lại trả ngược xuống bể. Phương pháp trồng rau sạch bằng công nghệ khí canh giúp ông Lượm tiết kiệm tới 90% lượng nước trên cùng một diện tích so với thủy canh và các phương pháp trồng rau truyền thống khác.

Ông Lượm cho hay, trụ trồng rau được làm bằng ống nhựa PVC, mỗi trụ dài 2m, với thiết kế 45 rọ rau, nằm so le nhau. Để thu hoạch 1 tấn rau, nếu trồng thổ canh phải mất 1.000m2 đất, trong khi đó trồng theo khí canh chỉ tốn 350m2.

“Nửa tháng, tôi thu hoạch cải xanh một lần, bình quân một trụ cho 50kg cải xanh, bán với giá 10 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí tôi còn lời 20 nghìn đồng/trụ. Vào vụ, cao điểm tôi thu nhập 500 nghìn đồng/ngày”, ông Lượm tiết lộ.

Ông Lượm cũng chia sẻ, để đạt năng suất, người trồng phải sử dụng phân chuyên dụng đúng liều lượng theo từng loại rau, cách 10 ngày tưới 1 lần. Bênh cạnh đó, người trồng rau khí canh cực nhất là sau khi thu hoạch phải thay rọ cây giống mới. Dù có cực ông Lượm vẫn vui, quan trọng hơn hết là cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho bà con.

Hiện nay, vườn rau của ông Lượm không đủ cung cấp cho bạn hàng tại Hậu Giang, Cần Thơ… và cả chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM… với các loại rau như xà lách, cải xanh, húng lủi, dền…

rau 1

Theo ông Lượm, trồng rau khí canh tuy cực mà vui, vui vì cung cấp thực phẩm an toàn cho bà con. Ảnh: Hồ Thảo.

Hiếu kỳ cách cho rau ra rễ lơ lửng trên không

Ông Trần Minh Hùng, hàng xóm ông Lượm cho biết, lúc đầu nhìn thấy mô hình của ông Lượm trông khá lạ mắt, trồng rau ra rễ lơ lửng trong không khí nên bà con trong xóm ai cũng hiếu kỳ, có phần ngờ vực. Nhưng khi tìm hiểu, nhận thấy mô hình đạt hiệu quả nên ông Hùng cũng học hỏi tập tành làm theo.

“Tôi thấy trồng rau khí canh vừa đỡ tốn không gian, lại nhẹ công chăm sóc, ít tốn phân, hạn chế các loại bệnh, sâu hại, không phụ thuộc nhiều vào đất, phân và thời tiết. Quan trọng hơn hết là nhu cầu sử dụng rau sạch ngày càng tăng, bà con quan tâm nhiều hơn, sử dụng thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe. Vì thế tôi đã quyết định đầu tư 100 trụ để trồng thử nghiệm, nếu đạt sẽ mở rộng thêm”, ông Hùng chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Văn Khai, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Tân, đa phần người dân tại địa phương chủ yếu trồng cây theo phương thức thổ canh, chủ yếu là cây ăn trái và hoa màu… Mô hình trồng rau của ông Lượm như một làn gió mới, xuất phát từ sự tìm tòi do đam mê. Tuy mô hình này có chí phi đầu tư cao, nhưng tạo ra sản phẩm rau sạch cho người tiêu dùng, với nhu cầu tiêu thụ cao như hiện nay, đây được coi là mô hình có hiệu quả tại địa phương.

cải

Thấy mô hình trồng rau nhà ông Lượm khá mới, đạt hiệu quả nên hàng xóm cũng làm theo. Ảnh: Hồ Thảo.

“Chúng tôi cũng thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật cho bà con trong Tổ hợp tác rau sạch. Đồng thời, hướng đến mở rộng thành lập hợp tác xã để xin giấy phép với mong muốn cung cấp rau sạch cho thị trường trong và ngoài nước”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Tân nói.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, mô hình trồng rau bằng phương pháp khí canh hiện nay chưa phổ biến tại địa phương. Tuy nhiên, đây là mô hình có tiềm năng phát triển bền vững do đáp ứng được xu thế sản xuất an toàn, tiêu dùng thực phẩm an toàn của người dân. Do vậy, ngành chuyên môn tỉnh đang làm đầu mối phối hợp với cơ quan chuyên môn để giúp mô hình xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho rau và quảng bá, giới thiệu công nghệ sản xuất giúp nông dân có nhu cầu tiếp cận và nhân rộng.

Cũng theo Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, khi sản phẩm rau sạch từ công nghệ khí canh của gia đình ông Bé Lượm có được thương hiệu, sẽ giúp nâng giá trị sản phẩm, tạo đầu ra ổn định. Thành công của mô hình này cũng sẽ tạo động lực để nông dân mạnh dạn thay đổi phương pháp sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ…