Chàng trai trẻ khởi nghiệp thành công từ sen hồng Đồng Tháp

Nhân ngày Hội sen tỉnh Đồng Tháp tại Văn Thánh Miếu, thành phố Cao Lãnh, tôi đã tìm đến những gian hàng triển lãm của anh Ngô Chí Công để tận mắt chiêm ngưỡng những sản phẩm được nâng lên một giá trị mới từ bông sen và lá sen.

Anh Công năm nay 28 tuổi, quê Đồng Tháp. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Công nghệ hóa, anh quyết đình trở về quê lập nghiệp. Với tuổi trẻ năng động và đầy nhiệt huyết, anh đã bắt tay ngay vào việc kinh doanh bánh ngọt, tiếp theo là gốm giả đá quý nhưng cả hai lần khởi nghiệp đều thất bại.

14-47-16_1_tc_phm_sen_hong_dong_thp_do_bn_ty_ti_ho_cu_thc_si_ngo_chi_cong_thuc_hien

Tác phẩm “Sen hồng Đồng Tháp” do bàn tay tài hoa của thạc sĩ Ngô Chí Công thực hiện

Không chán nản, lúc nào anh cũng ôm ấp một hoài bão sẽ thành đạt trên quê hương Đồng Tháp. Từ khát vọng đó, anh nhất quyết đi tìm một hướng đi mới mẻ trên đường lập nghiệp phù hợp với kiến thức học được và niềm say mê của mình.

Anh kể lại: Một lần đi Đà Lạt (Lâm Đồng) chơi nhìn thấy nhiều nơi bày bán sản phẩm hoa tươi bất tử, anh liền liên tưởng đến bông sen, một loài hoa đẹp, màu sắc dịu dàng, biểu trưng cho sự tinh khiết mà anh đã say mê từ lúc còn ngồi ở ghế nhà trường, nhưng đáng tiếc chỉ chưng được một ngày là hoa bắt đầu héo úa. Ngay lúc đó, trong đầu anh hiện ra một ý tưởng “mình phải làm sao cho bông sen trở thành một loài hoa bất tử, một sản phẩm độc đáo, mang tính đặc trưng mà không nơi nào có được”.

Thế là khi quay về Đồng Tháp, anh tìm đến các cánh đồng sen để khảo sát và lên kế hoạch khởi nghiệp. Việc đầu tiên là anh huy động vốn liếng để xây dựng kho bảo quản nguyên liệu, phòng thí nghiệm và lò sấy sen. Sau một thời gian mày mò, nghiên cứu, thử nghiệm, những sản phẩm đầu tiên đã ra đời nhưng lúc đó chưa hoàn hảo lắm. Ước mơ của anh là làm sao giữ cho màu sắc hoa tồn tại từ 3 – 12 tháng.

14-47-16_2_nh_ngo_chi_cong_dng_xu_ly_mot_bong_sen_tuoi_vu_moi_ct

Anh Lê Chí Công đang xử lý một bông sen tươi vừa mới cắt

Tháng 8/2015, anh đã tổ chức giới thiệu sản phẩm hoa sen ướp tươi tại Cao Lãnh được chính quyền và khách hàng đánh giá cao. Tiếp theo, anh tiến hành thành lập Cty TNHH Sản xuất – thương mại – dịch vụ Khởi Minh Thành Công tại phường 4, TP Cao Lãnh, đồng thời mở văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh và một gian trưng bày sản phẩm tại Pháp để giới thiệu sản phẩm có một không hai ở quê mình.

Sản phẩm làm từ sen hồng của anh ngày được nhiều người biết đến, nhiều đơn vị và khách hàng đã bắt đầu đặt hàng khiến anh vô cùng phấn khởi. Có thể nói đây là niềm khích lệ lớn lao và là niềm cổ vũ giúp anh vươn tới thành tựu sau này.

Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục nghiên cứu đưa hình ảnh lá sen vào các sản phẩm, đặc biệt là tranh lá sen, một loại hình nghệ thuật mới lạ được nhiều người ưa thích.

Anh Công chia sẻ: Quá trình thực hiện những sản phẩm từ hoa sen ướp tươi và tranh lá sen rất nhiêu khê, đòi hỏi người làm phải khéo léo, tinh tế và chính xác. Công đoạn khó khăn nhất là kỹ thuật sấy theo công nghệ hiện đại, sau cùng mới ép vào các sản phẩm.

Để có được những sản phẩm chất lượng cao anh và đồng nghiệp phải nghiên cứu thêm về lĩnh vực hội họa, mỹ thuật, đặc biệt là màu sắc, độ sáng tối. Sau 2 năm khởi nghiệp, từng bước anh đã hoàn thiện được các sản phẩm từ bông, lá sen sấy khô ép trên áo dài, nón, túi xách, đồ trang trí nội thất và quà lưu niệm.

14-47-16_3_sen_uop_tuoi_vn_giu_nguyen_mu_sc

Sen ướp tươi vẫn giữ nguyên màu sắc

Hiện anh rất tâm đắc với bức tranh “Sếu đầu đỏ”, đặc trưng của quê hương Đồng Tháp mà anh vừa hoàn thiện. Anh cho biết hướng tới, những sản phẩm làm từ lá sen sẽ là mặt hàng chiến lược của công ty nên anh đã đầu tư nhiều công sức vào loại hình nghệ thuật này.

Niềm vui lớn nhất là hiện nay có một công ty ở Nhật đang hợp đồng thực hiện các quy trình bảo quản hoa sen tươi cắt cành với công ty của anh.

Hiện trung bình mỗi ngày công ty có thể sản xuất 2.000 hoa sen thành phẩm để cung cấp cho các khu du lịch và các nơi tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh, đồng thời đang hướng tới thị trường nước ngoài. Anh đang có dự án tạo việc làm cho người lao động và đang phối hợp với Trung tâm Khuyết tật tỉnh Đồng Tháp để dạy nghề giúp cho người khuyết tật có công ăn việc làm ổn định.

14-47-16_4_nhung_chiec_o_di_tui_xch_v_qu_luu_niem_duoc_trng_tri_bng_bong_sen_v_l_sen

Những chiếc áo dài, túi xách và quà lưu niệm được trang trí bằng bông sen và lá sen

14-47-16_5_nhung_sn_phm_duoc_to_diem_bng_bong_sen_v_l_sen

Những sản phẩm được tô điểm bằng bông và lá sen

Anh Công cho biết đang đầu tư công nghệ để hoàn thiện các sản phẩm nên lợi nhuận còn khiêm tốn. Chủ trương của công ty là đa dạng hóa các sản phẩm với nhiều mẫu mã mới, lạ để tiến tới thị trường rộng rãi trong và ngoài nước. Chính vì thế mà toàn thể anh em trong công ty đều dốc hết sức mình vào việc xây dựng cho thương hiệu “Đồng Tháp – Đất sen hồng”, nâng cao giá trị kinh tế của sen như lời phát biểu của lãnh đạo Đồng Tháp “Sen là niềm tự hào của người dân Đồng Tháp”.

Trồng 15ha sen cho lãi 100 triệu đồng mỗi tháng

Thu 20 triệu đồng mỗi tháng nhờ trồng hoa trên đất dự án “treo”​

Theo Nông nghiệp