Chàng trai khiếm thị khởi nghiệp thành công từ ép trấu thành thanh củi

Phạm Nguyên Lượng (SN 1993) ở thôn Bảo Ngãi, xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng mặc dù bị khiếm thị nhưng đã vượt qua nhiều khó khăn, tốt nghiệp đại học và khởi nghiệp thành công với việc sản xuất thanh củi trấu.

08-54-40_img_0554

Phạm Nguyên Lượng (thứ 5 từ trái sang) được Thủ tướng Chính phủ trao tặng 50 triệu đồng tại Lễ phát động chương trình thanh niên khởi nghiệp do Trung ương Đoàn tổ chức tại Hà Nội năm 2016

Mô hình ép trấu thành củi đã khá phổ biến ở các tỉnh, thành phía Nam. Ở miền Bắc, đã có một số nơi sản xuất củi trấu hàng hóa như Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Bắc Ninh… Xưởng của Lượng bắt đầu xây dựng từ tháng 9/2016 và đi vào hoạt động từ đầu năm 2017, trở thành cơ sở sản xuất củi trấu đầu tiên tại Hải Phòng.

Để có được ngày hôm nay là cả một hành trình đầy nghị lực của Lượng. Anh bị hỏng mắt từ nhỏ, thị lực chỉ còn 1/10. Với lòng quyết tâm, ý chí vươn lên của mình cùng sự yêu thương, giúp đỡ của gia đình, nhà trường, những người xung quanh, anh đã hoàn thành chương trình học phổ thông và thi đỗ vào Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Hải Phòng. Ngành học này đã giúp Lượng mở rộng tầm hiểu biết.

Lượng chia sẻ: “Như một cái duyên, khi còn học đại học, tôi gặp mô hình sản xuất thanh củi trấu trên mạng internet và nhận thấy mô hình này rất hữu ích. Hiện nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt, đồng thời, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường, con người cần chuyển dần sang sử dụng các loại nhiên liệu khác. Bên cạnh đó, ở quê tôi, nguồn nguyên liệu trấu rất dồi dào. Từ năm thứ 3 đại học, tôi đã ấp ủ ý tưởng mở xưởng sản xuất thanh củi trấu cung cấp cho các cơ sở có nhu cầu”.

08-54-40_img_1288

Xưởng sản xuất thanh củi trấu tại xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo của Phạm Nguyên Lượng (ngoài cùng bên phải)

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2015, Lượng đi tham quan, học hỏi các cơ sở sản xuất thanh củi trấu ở một số tỉnh miền Bắc. Được sự giúp đỡ của gia đình, anh vay vốn xây dựng xưởng sản xuất củi trấu trên địa bàn xã nhà.

“Xưởng có công suất 90 tấn nguyên liệu/tháng, tổng vốn đầu tư khoảng 800 triệu đồng. Máy móc tôi đặt mua trong miền Nam, dây chuyền hoàn toàn tự động: người chỉ cần đổ trấu vào máy nghiền, trấu nghiền xong được đẩy ra, dưới tác dụng của nhiệt, trấu sinh ra chất kết dính như nhựa đường sẽ kết tinh lại.

Sau đó, máy sẽ ép nén nguyên liệu thành các thanh củi rồi được đóng vào bao. Mới đầu, máy nhiều lần hỏng, tôi phải cùng mọi người mày mò tìm hiểu, sửa chữa. Có những lúc, máy không đạt mức nhiệt cần thiết, rơ-le cứ nhảy liên tục, hay trục xoáy nghiền trấu bị mòn đầu, không nghiền được nữa…

Tôi bỏ nhiều thời gian, công sức mới tìm được loại que hàn chịu được nhiệt, lực và chống ăn mòn để hàn trục xoáy, nhưng vẫn chưa được như ý. Vào mùa đông, trấu ẩm, lại phải xử lý sao cho nguyên liệu nằm trong vòng nhiệt đủ thời gian để tiết chất kết dính, còn mùa hè thì khoảng thời gian này phải ngắn hơn để nguyên liệu không bị cháy…”, Lượng cho biết.

Củi trấu của Lượng làm ra đến đâu, bán sạch đến đấy.

Cơ sở thu gom trấu lẻ ở Hải Phòng, Thái Bình. Cứ 1.000g trấu được 700 – 800g củi trấu. Củi trấu dễ bén lửa và có ưu điểm là giá thành rẻ, cùng sinh ra một lượng nhiệt như nhau, dùng củi trấu rẻ hơn đến một nửa so với dùng các nhiên liệu khác. Vì thế, nhu cầu thị trường đối với củi trấu ngày càng cao. Củi trấu có thể thay thế than, dầu DO, FO để đốt lò hơi công nghiệp trong các lò sấy, lò nhuộm vải, giấy, may mặc, chế biến nông sản…

Không chỉ có thể sử dụng phổ biến trong công nghiệp, củi trấu còn có thể phục vụ sản xuất dân sinh như nấu rượu, nấu bếp ở các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể… Sản phẩm củi trấu của Lượng làm ra đến đâu, bán sạch đến đấy.

Chủ cơ sở mong muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng gặp khó khăn về vốn. Lượng cho biết, vay ngân hàng được rất ít, thủ tục lại nhiêu khê, anh phải vay ngoài với lãi suất gấp gần 3 lần lãi suất ngân hàng. Bên cạnh đó là thiếu thông tin về thị trường, các nguồn hỗ trợ… Anh phải tự mò mẫm, liên hệ, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Hơn nữa, đôi khi anh cảm thấy cô độc khi đây là lĩnh vực sản xuất quá mới ở địa phương, không có người hiểu rõ về lĩnh vực này để có thể hỗ trợ anh trong quản lý, sản xuất. Anh lại là người khiếm thị nên mọi việc trở nên khó khăn gấp bội. Anh đã tìm cách khắc phục nhờ công nghệ thông tin, các thiết bị điện thoại di động, máy tính của anh đều được anh cài đặt phần mềm nói hỗ trợ.

Với ý chí, nghị lực hiếm có, Lượng là một trong những trường hợp nổi bật trong cộng đồng khởi nghiệp tại Hải Phòng. Cuối năm 2016, anh vinh dự là một trong 10 gương mặt sinh viên, thanh niên tiêu biểu toàn quốc được Thủ tướng trao tặng 50 triệu đồng cho dự án khởi nghiệp “Sản xuất thanh củi trấu Fire Blue” tại lễ phát động thanh niên khởi nghiệp do Trung ương Đoàn tổ chức tại Hà Nội.

Thanh niên vừa chơi vừa nuôi dế đẻ, kiếm vài triệu đồng mỗi tuần

Người Huế kỳ công đẽo gỗ tìm trầm hương​

Theo Nông nghiệp