Cảm phục “siêu” nông dân Hải Dương buôn rau quả xuyên 7 quốc gia

Với việc tiêu thụ hơn 15.000 tấn rau trong nước và xuất khẩu 7.000 tấn rau củ quả sang 7 nước trên thế giới, anh Trường được mệnh danh là “người buôn rau xuyên quốc gia”.

Sau 3 năm được tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2014”, anh Tăng Xuân Trường – Giám đốc Công ty TNHH MTV Hưng Việt đang vận hành chuỗi nhà máy sơ chế, bảo quản và đóng gói rau, củ, quả khép kín và hiện đại nhất tỉnh Hải Dương. 

Sau 3 năm được tôn vinh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, đến nay anh có gì mới trong cuộc sống cũng như sản xuất làm ăn?

– Năm 2014, tôi rất vinh dự, tự hào khi được trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm xúc dâng lên mạnh mẽ khi được xướng tên lên nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014”. Một buổi lễ tôn vinh đã diễn ra hoành tráng, trang trọng, khắc họa rõ nét hình ảnh và những đóng góp của giai cấp nông dân Việt Nam đối với lịch sử hào hùng của dân tộc; lịch sử cách mạng cũng như trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước thời kỳ hội nhập.

“sieu” nong dan hai duong ban hoa qua sang 7 nuoc hinh anh 1

 Anh Tăng Xuân Trường (thứ 3 từ trái) trao đổi với lãnh đạo T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương về hoạt động sản xuất của công ty.  Ảnh: T.L

Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chúng tôi – những người nông dân xuất sắc đã bền gan vượt khó, năng động làm giàu và tự tin hội nhập với thế giới. Sau lễ tôn vinh, tôi được nhiều người biết đến hơn. Người thân quen chúc mừng và bảo tôi lên tivi trông đẹp, ra dáng giám đốc. Nói vậy chứ tôi vẫn là hội viên Hội ND thôi.

Sau lễ tôn vinh, tôi tiếp tục được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của các cấp, ban, ngành, nhất là phía Hội ND tỉnh Hải Dương đã hướng dẫn và hỗ trợ tôi rất nhiều về các thủ tục hành chính xây dựng nhà máy. Nhờ đó, tôi đã tiến hành nhanh và khá thuận lợi trong việc xây dựng chuỗi hệ thống sơ chế, bảo quản và đóng gói rau, củ, quả. Với diện tích trên 11.200m2, nhà máy có chuỗi cung ứng nguyên liệu rộng lớn, cùng với hệ thống các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại.

Nhà máy có hệ thống kho lạnh cao cấp với 12 kho, tổng công suất chứa 2.000 tấn nông sản. Hiện, hệ thống kho lạnh này đã được áp dụng công nghệ mới nhất với tính năng làm lạnh nhanh, thời gian bảo quản lâu dài, chất lượng sản phẩm cao. Bên cạnh đó, nhà máy còn được đầu tư dây chuyền rửa, phân loại thành phẩm nông sản… nhằm đảm bảo cung cấp những đơn hàng chất lượng ra thị trường.

Điểm mới thứ 2 rất đáng mừng là, thị trường tiêu thụ không chỉ mở rộng trong nước mà còn vươn xa xuất khẩu ra nước ngoài. Ngoài thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Hưng Việt do tôi điều hành còn xuất khẩu nông sản sang 7 nước khác. Đáng chú ý công ty đã chinh phục được thị trường các nước vốn khó tính, yêu cầu cao và nghiêm ngặt về chất lượng nông sản như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp…

“sieu” nong dan hai duong ban hoa qua sang 7 nuoc hinh anh 2

Anh Tăng Xuân Trường (thứ 2, phải) giới thiệu dây chuyền sơ chế cà rốt.  Ảnh:  Nguyễn Công.

Một trong những khó khăn nhất của người nông dân hiện nay là tìm đầu ra cho sản phẩm. Anh có thể chia sẻ bí quyết làm thị trường, nhất là việc chinh phục được thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp..?

– Là doanh nghiệp chuyên thu mua rau của nông dân, tôi thấy nếu bà con thay vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì hãy liên kết với nhau tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Có như vậy các doanh nghiệp dễ dàng liên kết bao tiêu sản phẩm. Một điểm nữa, bà con cần ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bởi để xuất khẩu đi nước ngoài, nông sản an toàn vẫn chưa đủ, mà còn phải đồng đều và có mẫu mã đẹp. Tôi thấy một trong những hạn chế lớn nhất của nông dân Việt Nam hiện nay là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và chưa biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Để giải bài toán này không chỉ cần sự năng động, nỗ lực của riêng người nông dân mà còn cần cả sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban ngành liên quan.

Làm việc với các đối tác nước ngoài, họ yêu cầu rất cao về khối lượng cũng như chất lượng nông sản. Mỗi nước có một quy cách riêng về đóng gói và mẫu mã nông sản, mình phải tìm hiểu và nghiêm túc, tự giác tuân theo. Ngoài ra, việc xuất khẩu nông sản sang nước ngoài tốn nhiều thời gian, vì vậy việc bảo quản nông sản là khâu then chốt. Ví dụ như rau ăn lá cần bảo quản ở nhiệt độ 1 – 2 độ C, loại củ như cà rốt bảo quản ở nhiệt độ 0 độ C…

Từng nghèo khó, vậy cơ duyên nào khiến anh gắn bó và thành công với nghề “buôn rau xuyên quốc gia”?

– Sinh năm 1972, học xong lớp 10 phổ thông tôi đi bộ đội liền 4 năm. Rời bộ đội, tôi về quê ở thôn Phúc Tân, xã Gia Tân (Gia Lộc, Hải Dương) trồng rau. Thực sự khi “xắn tay” làm anh nông dân trồng rau, mình mới thấy hết nỗi khổ của bà con. Nhọc nhằn, vất vả vô cùng mới làm ra được cây rau, nhưng lắm khi trúng mùa thì rớt giá. Có vụ bắp cải, su hào, súp lơ, cà rốt chất đầy ngoài bờ ruộng, thương lái chả thấy bóng dáng đâu đành bỏ thối, tiếc đứt ruột.

Rồi tôi một mình khăn gói, lúc đi tàu, khi bắt xe khách lặn lội đi khắp miền Trung, rồi ngược vào Nam tìm và đặt mối tiêu thụ rau xanh. Tôi sang tận Trung Quốc tìm hiểu thị trường và chọn đối tác buôn rau qua cửa khẩu. Bức tranh thị trường tiêu thụ ngày một rõ, tôi quay sang vận động, thuyết phục bà con trong xã cho thuê đất để trồng rau.

Khi các mối đặt hàng nhiều hơn, tôi lại đứng ra tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp cây giống và ký hợp đồng thu mua sản phẩm với hàng ngàn hộ trồng rau trong và ngoài huyện. Ngành nông nghiệp, Hội ND tỉnh những năm qua tổ chức rất nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP giúp tôi thu mua được nông sản chất lượng. Có được chút lời lãi, cộng với vay mượn thêm tôi lại dùng để mua sắm xe vận tải, xây kho lạnh, xưởng sơ chế… rồi tiến tới mở Công ty TNHH MTV Hưng Việt.

Tuy vậy, để có thành công như ngày hôm nay tôi đã phải trải qua biết bao “pha” thất bại, mất mát. Đối với tôi kiên trì, bền bỉ và chữ tín là quan trọng nhất – đây chính là bí quyết giúp tôi phát triển vững mạnh như bây giờ.

Hầu như ai khởi nghiệp cũng khó khăn về vốn, vậy anh tháo gỡ bằng cách nào?

– Đúng vậy, việc thiếu vốn là vấn đề chung của tất cả các chủ trang trại. Bản thân tôi trong quá trình khởi nghiệp cũng thiếu vốn rất nhiều. Như đã nói ở trên, trong quá trình khởi nghiệp tôi đi lên từng bước một, phương châm là “lấy ngắn nuôi dài”. Để đầu xây dựng nhà máy, tôi phải đi vay vốn ngân hàng rất nhiều. Thế nhưng, tôi thấy thủ tục vay vốn vẫn khá rườm rà và điều kiện vay nhiều khi “làm khó” nông dân. Cơ chế, chính sách có rồi, nhưng để triển khai xuống nông thôn, để nông dân, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực là cả một quá trình không thể nói là nhanh và suôn sẻ.

Vì vậy, tôi đề nghị Nhà nước nên có nhiều cơ chế, chính sách, nhất là về chính sách tín dụng nông nghiệp hỗ trợ những nông dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như chúng tôi. Bản thân tôi hiện nay cũng đang có rất nhiều dự định, phát triển thêm nhưng rào cản lớn nhất hiện nay chính là vốn. Không có vốn thì không thể làm gì được.

Theo Dân Việt