Những điều cần biết về bệnh đốm nâu hại ngô

Trong những năm gần đây bệnh đốm nâu ngô thường phát sinh và phát triển ở các vùng trồng ngô tại khu vực Bắc miền Trung. Đặc biệt ở các vùng trồng ngô nhiều vụ liên tiếp nhau như các vùng đất bãi ven sông, đất chân đồi.

10-34-13_nh_1

Triệu chứng bệnh đốm nâu trên bẹ lá tại Cẩm Châu, Cẩm Thủy, Thanh Hóa (vụ xuân 2017)

Tuy nhiên do biểu hiện của bệnh thường ít rõ bên ngoài, nên nông dân khó nhận biết, ngoài ra từ trước đến nay ở Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến đối tượng bệnh hại này. Bệnh phổ biến trong vụ xuân 2017 ở hầu hết các giống ngô lai, tại các vùng trồng ngô như các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc của Thanh Hóa; Anh Sơn, Đô Lương, Tân Kỳ của Nghệ An…

Quan sát cây nhiễm bệnh, trên bẹ lá xuất hiện các vết sọc màu nâu, trên phiến lá chủ yếu là các đốm nâu dọc theo gân chính. Khi bóc bẹ lá ra quan sát chúng ta mới thấy mức độ ảnh hưởng của bệnh, vết bệnh phía trong lan ra rộng hơn rất nhiều so với nhìn từ phía ngoài.

Hình thức gây hại này sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển nước, các chất dinh dưỡng lên lá cũng như quá trình vận chuyển năng lượng tổng hợp từ lá phát triển cây và kết hạt. Bộ lá nhanh tàn, năng suất và chất lượng sẽ giảm đáng kể. Nhiều vết bệnh liên kết với nhau có thể gây cháy lá, gãy ngang cổ lá, thối thân và đổ cây.

10-34-13_nh_2

Triệu chứng bệnh đốm nâu trên bẹ lá khi quan sát từ bên ngoài

Khi được hỏi về quản lý bệnh đốm nâu trên ngô, nông dân Bùi Thị Phượng ở thôn Trung Chính, xã Cẩm Châu, Cẩm Thủy, Thanh Hóa chia sẻ: “Tôi trồng ngô theo kinh nghiêm thôi, không biết bệnh này là bệnh gì, có những vụ bệnh gây hại nặng thấy thối bẹ. Ở đây miền núi, chúng tôi ít được tập huấn, nên chúng tôi mong được cán bộ hướng dẫn để chúng tôi làm theo”.

Cũng tương tự, nông dân Lê Văn Minh ở xóm Lê Xá 1, xã Yên Thái, Yên Định, Thanh Hóa khi được hỏi về sâu bệnh và kỹ thuật trồng ngô chia sẻ: “Ở đây tôi chỉ biết bệnh gỉ (gỉ sắt) còn bệnh này chúng tôi thấy nhiều vụ, nhưng không biết bệnh gì cũng không phòng trừ, chỉ thấy cây ngô thâm nâu”.

Bệnh đốm nâu trên ngô do nấm Physoderma maydis gây ra, loài này gây hại hầu hết trên các loài cây trồng, tuy nhiên phổ biến là bệnh đốm nâu trên ngô. Nấm thuộc chi Physoderma (được mô tả từ 1833), bào tử thường ngủ nghỉ vào mùa đông, mùa xuân và mùa hè thường phát sinh phát triển trong điều kiện ẩm độ và nhiệt độ cao.

10-34-13_nh_3

Triệu chứng bệnh đốm nâu trên bẹ lá khi tách bẹ quan sát từ bên trong

Thông thường bệnh xuất hiện ở những vùng, vụ có nhiều mưa và nhiệt độ cao. Bệnh gây hại trên lá, bẹ lá, thân và có thể có trên lá bi. Trên lá có thể thấy màu bất thường từ các đốm vàng nhỏ sắp xếp luân phiên giữa mô bệnh và mô khỏe, bệnh nặng lá có thể bị khô rụi.

Trên bẹ lá vết bệnh thường có màu nâu (như màu sô cô la), các vết bệnh có thể liên kết lại không định hình cụ thể, bệnh nặng các mô bị phân hủy, gây gãy ngang cổ, bẹ lá. Bệnh tấn công cả thân, gây gãy thân khi gặp gió. Nếu bệnh gây hại sớm, toàn bộ cây có thể sẽ lùn và không phát triển được.

Biện pháp phòng trừ: Hiện chưa có giống kháng cụ thể nào được công bố. Nên để phòng trừ hiệu quả bệnh đốm nâu trên ngô, cần thực hiện tốt các công tác sau:

– Vệ sinh ruộng, dọn sạch cỏ dại và tàn dư từ vụ trước mang ra khỏi ruộng tiêu hủy để giảm nguồn bệnh tích lũy.

– Nếu vùng có áp lực bệnh nặng các vụ, nên trồng hàng cách hàng thưa hơn, để giảm nhanh ẩm độ sau các đợt mưa, sương ẩm. Thông thường kiểu canh tác không theo hàng (chọc lỗ bỏ hạt) trên đất dốc chân đồi, bệnh thường phát triển mạnh.

– Tiến hành phòng trừ khi vết bệnh chớm xuất hiện, có thể sử dụng các thuốc có chứa Metalaxyl, Azoxystrobin, Difenoconazole, Propineb, Fosetyl-aluminium…

10-34-13_nh_4

Một số biểu hiện trên bẹ và áo bắp (lá bi)

10-34-13_nh_510-34-13_nh_6

Triệu chứng bệnh đốm nâu tại xã Vĩnh Quang, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Theo Nông nghiệp