Những điều cần biết khi trồng cây dẻ Trùng Khánh

Nhà nông Xanh – Hạt dẻ Trùng Khánh hay còn gọi là dẻ ván là loại cây quý, vừa cho hạt vừa cho gỗ, sản lượng hạt nhiều, cây lâu năm nên có thể thu hạt trong thời gian dài. Dưới đây là những điều bạn cần biết khi trồng loại hạt này.

trong cay de

Ảnh minh họa

Cây dẻ ván sống lâu, được đưa vào trồng ở Trùng Khánh từ lâu, quen gọi là dẻ Trùng Khánh. Cây có thể sống 70-80 năm, thu hoạch quả 50-60 năm, là cây có thể trồng để tăng thu nhập, thu hoạch lâu dài. Tài liệu nước ngoài còn cho biết vỏ quả, lá, chùm hoa đực, vỏ cây và rễ có thể làm thuốc bổ thận ích khí, cầm máu, giảm đau và các vết ngoại thương. Gỗ cứng, bền, chịu ẩm, chống mục tốt, gỗ có thể đóng thuyền, làm cầu, làm xe và đóng đồ gia dụng.

Hạt dẻ Trùng Khánh to, 1kg có khoảng trên dưới 100 hạt (khoảng 8-10g/hạt). Hạt chứa nhiều dinh dưỡng. Có thể ăn trực tiếp (luộc, rang) hoặc qua chế biến để làm bánh.

Loại đất, khí hậu cho cây dẻ Trùng Khánh

Cây hạt dẻ Trùng Khánh có phạm vi phân bố rộng và hình thành rất nhiều chủng khác nhau, chịu được nơi có nhiệt độ bình quân từ 8-22 độ C, lượng mưa bình quân năm 1000-2000mm. Dẻ ván là cây ưa sáng, yêu cầu 1700-1900 giờ nắng 1 năm.

Cây hạt dẻ Trùng Khánh có thể mọc trên nhiều loại đất: Đất đồi, sườn đồi, sườn núi, đất nương rẫy cũ…, chỉ cần có tầng dày, tơi xốp, thoát nước tốt. Đất có độ pH từ hơi chua đến trung tính (pH 5,5-7,0). Đất kiềm, đất chứa muối trên 0,2% thì cây sinh trưởng không tốt.

Dẻ ván được đưa vào trồng ở Trùng Khánh, Cao Bằng từ lâu, tỏ ra thích nghi với khí hậu ở đó, cây mọc khỏe mạnh, cho thu hoạch quả, hạt tốt. Các tỉnh miền núi phía Bắc có thể căn cứ vào khí hậu đất đai từng vùng mà phát triển gây trồng loại cây này sẽ đưa lại nhiều lợi ích.

Giống và ươm giống cây

Chọn những cây khỏe mạnh, sai quả đã được trồng và thích nghi với khí hậu để lấy giống.

Hạt chín vào tháng 9-10. Khi chín vỏ quả có màu xám, màu vàng xám, vỏ có thể có khía nứt để lộ hạt ra ngoài, vỏ hạt có màu nâu.

Hạt lấy xong có thể gieo ngay hoặc cất trữ để đến mùa Xuân đem gieo. Nên để đến mùa Xuân vì nếu gieo ngay tỷ lệ nảy mầm không cao.

Hạt ủ ẩm, một lớp hạt một lớp cát ẩm, hàng tuần nên kiểm tra, đảo hạt, loại bỏ hạt thối và phun nước giữ ẩm.

Làm đất vườn ươm cây giống: Đất vườn ươm cần cày kỹ, bón lót bằng phân chuồng ủ hoai 30kg/10m2.

Vì Hạt dẻ Trùng Khánh to nên có thể gieo theo hàng. Làm luống cao 30cm, trên luống làm rạch rồi gieo hạt. Rạch hàng cách nhau 25-30cm, gieo hạt cách nhau 15-20cm, lấp hạt sâu 2-3cm.

Chú ý làm cỏ, xới đất, bón thúc vào mùa sinh trưởng (tháng 6-7).Nếu cây con nuôi ở vườn 2 năm thì sau năm đầu cần cấy cây cho khoảng cách rộng ra 40x40cm.

Ngoài ra, có thể lựa chọn phương pháp dùng cách ghép để cho cây sớm ra quả, sản lư­ợng cao, phẩm chất tốt. Sau khi gieo hạt để có cây con làm gốc ghép thì chọn cây mẹ sai quả, phẩm chất hạt tốt để lấy cành ghép, mắt ghép rồi đem ghép vào cây con ở vườn ươm. Thường ghép vào mùa Xuân, ghép xong làm giàn che, có thể ghép mắt hoặc ghép nêm.

Lưu ý làm đất cho cây hạt dẻ Trùng Khánh

– Chọn nơi đất tốt, tầng đất dày, nhiều mùn, độ pH dưới 7.

– Đào hố 40x40x40cm(chiều dài-chiều rộng-chiều sâu)

– Bón phân lót mỗi hố 40kg phân chuồng.

cay de van

Ảnh minh họa

Thời kỳ và mật độ trồng cây

Thời kỳ trồng dẻ trong tháng 11-12 hoặc tháng 2-3 là thích hợp nhất. Trồng sớm có lợi cho bộ rễ hồi phục, nhưng trồng vào thời tiết rét sẽ làm cây phát triển chậm.

Mật độ trồng 400-500 cây hạt dẻ Trùng Khánh/ha.

Để tiết kiệm đất  trồng, khi cây còn nhỏ, giữa các hàng dẻ có thể trồng xen khoai, đỗ, lạc… Về sau có thể trồng gừng.

Chăm sóc cây hạt dẻ Trùng Khánh

Cây dẻ có thể chịu hạn tốt và cũng chịu được điều kiện thời tiết ẩm ướt mưa nhiều. Song trong thực tế, cây dẻ sinh trưởng và phát triển tốt khi có đủ nước tưới.

Sau khi trồng, nếu thời tiết nắng hạn thì mỗi ngày tưới một lần cho đến khi cây phục hồi sinh trưởng, đến khi cây ra quả căn cứ vào tập tính sinh trưởng và phát dục của cây để tưới.

Thông thường tưới nước cho cây sau mỗi đợt bón thúc phân cho cây hạt dẻ. Cụ thể:

Tưới lần một vào trung tuần tháng 4 là thời kỳ ngọn mới phát triển và nụ hoa cái liên tục phân hóa.

Lần 2 vào trung tuần tháng 6 khi thể tích trái non đang phòng to.

Lần 3 có thể vào tháng 8.

Làm cỏ giữa vụ có tác dụng giảm bớt bốc hơi nước, chất dinh dưỡng trong đất và phòng ngừa sâu bệnh. Mỗi năm làm cỏ 1 – 2 lần.

Cây dẻ có hiện tượng cách năm ra quả nên sản lượng không cao, những năm ra nhiều quả, quả nhỏ thường nhỏ ảnh hưởng đên chất lượng hạt. Vì vậy cần được cắt tỉa ngay từ cây còn nhỏ (kể cả cây trưởng thành) để khống chế sự phân bố các cành chủ yếu, tạo hình dạng cây thông thoáng để các cành có đủ ánh sáng, đủ chất dinh dưỡng, tăng khả năng đậu quả.

Tỉa cây non: Muốn tạo được dáng cây cho sản lượng cao, cần phải chỉnh hình tỉa cắt ngay từ khi cây còn non, lựa chọn để lại những cành cốt cán, xử lý tốt mối quan hệ phụ thuộc giữa các cấp cành, tránh được sau khi cây lớn lại phải chặt phá ảnh hưởng xấu đến cây.

Bón phân

Trong 3 năm đầu tiến hành bón phân lần 2 lần/năm vào tháng 5 – 6 và tháng 10- 11 bón phân chủ yếu bằng phân lân và đạm rắc theo vòng tán cây thẳng đứng, lấp đất phủ kín phân đã bón. Lượng phân 0,5 kg Lân + 0,05 kg đạm/lần/cây. Trong năm thứ 4 trở đi khi dẻ bắt đầu cho quả: Căn cứ vào đặc tính sinh trưởng và ra hoa kết quả của cây dẻ cần bón phân vào 4 thời kỳ chính chủ yếu: Tháng 4 (là thời kỳ ngọn mới); Tháng 6 (sau khi hoa đực nở); Tháng 7 và 8 (hạt dẻ tích lũy chất khô trong thịt). Sau khi thu hoạch kết hợp cày đất, bón các loại phân hữu cơ như: phân chuồng, phân xanh ủ, mỗi cây 20-50 kg để khôi phục sức khỏe, thúc đẩy nụ hoa phân hóa, tăng sản lượng năm sau.

Phòng trừ sâu bệnh

Rừng dẻ sau khi trồng dễ bị sâu đục thân, sâu ăn ngọn lá non nên phải thường xuyên kiểm tra theo dõi phát hiện sâu hại, tiến hành các biện pháp phòng trừ phù hợp.

Nguyên nhân, triệu chứng của bệnh vàng lá thối rễ gây hại cà phê

Cách trồng su su từ hạt cho ra quả sai trĩu​

Sao Mai (tổng hợp)