Nguyên nhân cà phê ra hoa sớm tại Tây Nguyên

nguyen nhan ca phe ra it hoa

1. Giới thiệu về đặc điểm ra hoa của cây cà phê

Hiện tượng nở hoa cà phê nói chung và cà phê vối nói riêng được chia làm 2 giai đoạn; đó là giai đoạn phân hóa mầm hoa và giai đoạn mầm hoa tăng trưởng, phát triển đến khi hoa nở.

– Giai đoạn phân hóa mầm hoa

Mầm hoa được hình thành từ các chồi bất định trên các nách lá của cành ngang phát triển thành các chồi hoa (nụ hoa). Việc phân hóa mầm hoa phù hợp trong điều kiện ngày ngắn có thời gian chiếu sáng từ 8 – 13 giờ.

Khô hạn, đặc biệt là tình trạng thiếu nước của cây đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình phân hóa mầm hoa của cây cà phê. Thông thường đối với cây cà phê vào lúc sau thu hoạch, cây cần trải qua một giai đoạn nghỉ ngơi và trong giai đoạn này nếu có thời gian khô hạn từ 2 – 3 tháng sẽ thúc đẩy tốt cho quá trình phân hóa mầm hoa.

Ở các nơi có thời gian khô hạn kéo dài thì khả năng phân hóa mầm hoa càng nhiều và càng tập trung. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến khả năng cho năng suất cao của cây. Ngược lại, những nơi có mùa khô hạn ngắn hoặc không rõ ràng thì mầm hoa phân hóa ít hoặc rất ít, không tập trung nên khả năng cho năng suất không cao.

Sự thay đổi về tỷ lệ C/N trong cây do điều chỉnh thời điểm, tỷ lệ phân bón, xén bớt rễ, tạo hình tỉa cành… tuy không phải là yếu tố quyết định, song cũng ảnh hưởng thúc đẩy sự phân hóa mầm hoa của cây cà phê.

– Giai đoạn tăng trưởng của mầm hoa, hình thành nụ và nở hoa

Các chồi hoa tiếp tục phát triển trong khoảng thời gian từ 15 ngày đến hơn 1 tháng tùy điều kiện khô hạn, đạt kích thước trung bình 3 – 5 mm và chuyển sang giai đoạn ngủ nghỉ. Lúc này trên chồi hoa được bao bọc bởi một lớp màng sáp mỏng màu nâu giống như hình mỏ chim sẻ nên thường gọi là giai đoạn “mỏ sẻ”.

Tính ngủ nghỉ của hoa bị phá vở khi có sự khủng hoảng về nước (điều kiện bắt buộc) để chồi hoa phát triển bình thường đạt đến giai đoạn mỏ sẻ già. Lúc này hoa cà phê đã đạt được chiều dài từ 1 – 1,2 cm và chờ điều kiện thuận lợi để kích thích nở hoa.

Thường chỉ cần lượng mưa từ 3 – 10 mm là đủ để kích thích hoa cà phê nở. Lượng mưa tối thiểu này được gọi là “ngưỡng mưa hoa nở”.

Hoa nở và tung phấn: tùy giống cà phê, trung bình từ 6 – 10 ngày kể từ khi nhận được sự kích thích (mưa, tưới nước) thì hoa nở. Cùng với hoa nở là hạt phấn được tung ra để thụ tinh. Hoa cà phê nở về khuya và hoàn thành vào lúc sáng sớm.

Lượng mưa hoặc lượng nước tưới ảnh hưởng rất lớn đến số lượng hoa nở cũng như sự thụ phấn, thụ tinh của cà phê. Để cho hoa nở và quá trình thụ phấn, thụ tinh xảy ra một cách bình thường phải cần một lượng mưa tối thiểu từ 25 – 30 mm. Vì vậy, nếu lượng mưa < 25 mm thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của hoa khi nở, hạt phất có sức sống yếu, hoặc hoa chuyển thành hoa chanh do không đủ lực căng để hoa nở. Trường hợp này cần phải được tưới đuổi để đảm bảo lượng nước theo nhu cầu để thuận lợi cho quá trình nở  hoa, đậu quả

Ngoài ra, hoa cà phê vối thường chỉ hình thành và phát triển trên những cành dự trữ. Thông thường, nếu việc tạo hình, cắt cành không tốt, cây cà phê vối thường có 3 đoạn cành khác nhau: đoạn cành đã cho quả ở năm trước nằm gần trục đã bị trụi lá; đoạn cành đang mang quả và đoạn cành dự trữ chưa cho quả và sẽ phân hóa mầm hoa khi gặp điều kiện thuận lợi.

2. Một số nguyên nhân làm cho cây cà phê ra hoa sớm ở Tây Nguyên

2.1. Tác động của biến đổi khí hậu

a. Sự thay đổi nhiệt độ không khí theo chiều hướng tăng dần làm cho cây cà phê dễ ra hoa sớm

So với khoảng 10 năm về trước thì hiện nay thời tiết, khí hậu có nhiều thay đổi theo chiều hướng bất thuận đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cà phê nói riêng. Nhiệt độ tăng trung bình từ  0,7 – 1oC làm tăng quá trình tích lũy hydrat cacbon, do vậy làm tăng tỷ lệ C/N của cây cà phê, vì thế cây rất mẫn cảm với việc phân hóa mầm hoa khi gặp thời tiết nắng nóng và không mưa trong khoảng thời gian ngắn.

Như vậy, trong điều kiện hiện nay, vào mùa mưa, đặc biệt vào các tháng 7, 8, 9 chỉ cần có khoảng thời gian từ 7 – 15 ngày trời không có mưa và nhiệt độ cao khoảng 30 – 35oC thì cây cà phê có thể tiến hành phân hóa mầm hoa, tăng trưởng mầm hoa và hình thành nụ hoa và khi gặp những cơn mưa trở lại (khoảng từ 3 mm trở lên) thì hoa cà phê sẽ nở. Tuy nhiên, trừ trường hợp đặc biệt thì tỷ lệ hoa nở vào những thời điểm này là không cao, chỉ từ 2 – 8 % tổng số hoa của cây cà phê để cho vụ thu hoạch tới.

b. Quy luật phân bố mưa trong mùa mưa thay đổi làm ảnh hưởng đến ra hoa sớm của cây cà phê

Có sự thay đổi về lượng mưa và tần suất mưa trong mùa mưa ở Tây Nguyên thời gian gần đây. Tần suất mưa có xu hướng giảm và thay vào đó là lượng mưa của những cơn mưa lại có xu hướng tăng cao làm tăng nguy cơ xói mòn đất, giảm hệ số sử dụng phân bón, do vậy làm tăng khả năng tích lũy hydrat cacbon nên cây cà phê rất dễ phân hóa mầm hoa khi gặp nắng nóng, khô hạn nhất thời.

Hiện tượng khô hạn trong mùa mưa với thời gian từ 10 – 30 ngày đã từng xảy ra làm cho cây cà phê phân hóa mầm hoa sớm và hoa sẽ nở khi gặp mưa. Trong mùa mưa nếu gặp 2 đợt hạn (không mưa) thì cây cà phê cũng có khả năng phân hóa mầm hoa, nở hoa và đậu quả 2 lần gây khó khăn cho công tác quản lý kỹ thuật cũng như quản lý thu hoạch sản phẩm sau này. Ngoài ra, khi hoa nở với tỷ lệ cao vào cuối mùa mưa thì cần phải tưới đuổi để đảm bảo năng suất không bị sụt giảm.

Hoặc bắt đầu mùa khô lại có những cơn mưa nhỏ cũng làm cho hiện tượng ra hoa không đồng loạt xảy ra. Đối với các đoạn cành đã phân hóa mầm hoa, hình thành chồi hoa thì hoa sẽ nở; ngoài ra còn có một tỷ lệ cành cà phê chưa kịp phân hóa mầm hoa và hình thành chồi hoa nên sẽ tiếp tục phát triển nếu có điều kiện khô hạn tiếp tục xảy ra. Điều kiện thời tiết năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 là những ví dụ điển hình của sự thay đổi về phân bố mưa ở Tây Nguyên.

2.2. Tuổi cà phê có ảnh hưởng đến khả năng ra hoa sớm của cây

Tuổi cà phê càng già thì quá trình tích lũy C/N càng cao và do vậy cây rất dễ phân hóa mầm hoa trong điều kiện nhiệt độ cao và có thời gian khô hạn ngắn so với cà phê trẻ đang sung sức.

Như vậy trong điều kiện thời tiết khí hậu như hiện nay, các vườn cà phê già cỗi dễ xảy ra tình trạng ra hoa sớm hơn so với các vườn cà phê đầu thời kỳ kinh doanh.

2.3. Ảnh hưởng của quá trình canh tác có liên quan đến tình trạng ra hoa sớm của cây cà phê

a. Trồng cà phê không có cây che bóng có ảnh hưởng đến hiện tượng ra hoa sớm

Trồng cà phê không có cây che bóng đã làm tăng cường độ chiếu sáng, quá trình chuyển hóa hydrat cacbon diễn ra mạnh mẽ (C/N cao) nên cây rất dễ phân hóa mầm hoa khi gặp thời tiết khô hạn trong mùa mưa và nở hoa khi gặp cơn mưa với lượng mưa từ trên 3 mm. Trường hợp lượng mưa thấp (< 20 mm) thì cần phải tưới đuổi để đảm bảo duy trì năng suất thu hoạch. Do trồng trần nên thường tỷ lệ ra hoa sớm cũng thường khá cao, có khi lên đến 30% tổng lượng hoa cà phê. Điều này làm ảnh hưởng đến công tác quản lý kỹ thuật cũng như quản lý thu hoạch sản phẩm.

Các kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng vườn cà phê có trồng cây che bóng với mật độ thích hợp có tác dụng điều hòa tiểu khí hậu trong vườn, đồng thời cũng hạn chế quá trình chuyển hóa hydrat cacbon nên tỷ lệ C/N không cao giúp cây cà phê tăng cường sức đề kháng đối với quá trình sốc nhiệt tạm thời (nắng nóng và không mưa trong thời gian ngắn). Vì vậy cây cà phê không thể phân hóa mầm hoa sớm trong mùa mưa. Từ đó giúp cho cà phê ra hoa tập trung hơn khi có điều kiện thời tiết, khí hậu thích hợp (nắng nóng và không mưa kéo dài từ 1 – 2 tháng).

b. Bón phân mất cân đối có ảnh hưởng đến hiện tượng ra hoa sớm

Bón phân mất cân đối làm cho cây cà phê sinh trưởng và phát triển bị hạn chế cũng làm tỷ tỷ lệ C/N trong cây và do vậy cây dễ mẫn cảm với tình trạng sốc nhiệt và không mưa mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn, cây cà phê phân hóa mầm hoa và nở hoa khi có mưa trở lại trong mùa mưa. Thực tế trong sản xuất rất dễ nhận thấy rằng các vườn cà phê sinh trưởng kém, cây còi cọc thường hay ra hoa sớm trong mùa mưa so với các vườn cà phê được bón phân hợp lý, cân đối cây sinh trưởng khỏe, xanh tốt.

c. Cắt cành không kịp thời và không đúng kỹ thuật cũng làm cho cây cà phê ra hoa sớm

Thực tế hiện nay do việc cắt cành cà phê chưa đúng kỹ thuật, rất nhiều cành có 3 đoạn cành với các giai đoạn sinh trưởng phát triển khác nhau, đó là đoạn cành đã thu hoạch (già cỗi), đoạn cành đang mang quả và đoạn cành sẽ cho quả vào vụ tới. Những đoạn cành này có tỷ lệ C/N rất cao; đặc biệt là trên các cành có đoạn cành mang quả nhiều, nên thường dễ phân hóa mầm hoa khi gặp cường độ chiếu sáng cao và không mưa chỉ một thời gian ngắn. Trong cùng một điều kiện nhiệt độ, thời gian chiếu sáng và thời gian không mưa như nhau thì các cành có 2 đoạn cành hay chỉ là cành dự trữ khỏe mạnh thì các loại cành này thường có thời gian phân hóa mầm hoa muộn hơn và đòi hỏi thời gian chiếu sáng dài hơn, thời gian khô hạn dài hơn.

Việc cắt cành cà phê muộn cũng làm cho cây cà phê tích lũy C/N với lượng cao, do vậy rất dễ phân hóa mầm hoa, ra hoa sớm khi có thời gian sốc nhiệt xảy ra, mặc dù chỉ khoảng 7 – 15 ngày.

Như vậy việc tỉa cành đúng kỹ thuật, đúng thời điểm cây cà phê sinh trưởng khỏe hơn có khả năng vượt qua các cơ sốc nhiệt xảy ra trong thời gian ngắn và chỉ phân hóa mầm hoa khi điều kiện khô hạn kéo dài thưởng xảy ra sau khi thu hoạch.

d. Các nguyên nhân khác

Vườn cà phê bị sâu bệnh hại tấn công không phòng trừ kịp thời (bệnh vàng lá thối rễ, nứt thân, rệp sáp…), cây cà phê cong rễ thường có tỷ lệ C/N cao nên dễ bị phân hóa mầm hoa khi xảy ra sốc nhiệt do nắng và không mưa.

Tưới sớm khi cây cà phê phân hóa mầm hoa chưa đầy đủ, chồi hoa ít làm cho cây cà phê nở hoa rải rác (thực tế trên những đoạn cành có tỷ lệ C/N cao khi gặp khô hạn trong thời gian ngắn đã phân hóa mầm hoa và phát triển thành chồi hoa nếu không tưới thì các chồi hoa này vẫn ở dạng ngủ nghỉ và khi tưới thì số hoa này sẽ được nở; trong khi đó các đoạn cành khác sinh trưởng khỏe thì thời gian khô hạn ngắn nên chưa đủ điều kiện để phân hóa mầm hoa).

Việc xác định thời điểm tưới đúng cho cà phê là hết sức cần thiết để đảm bảo cho cây ra hoa tập trung, nở hoa đồng đều, tỷ lệ đậu quả cao và đạt được năng suất cao. Thông thường, thời gian khô hạn cần để cây cà phê phân hóa mầm hoa, hình thành chồi hoa từ 1 – 2 tháng tùy điều kiện thời tiết, khí hậu.

Ngoài ra, các tác động cơ giới như xén rễ, tạo vết thương ở thân chính cũng làm cho cây hình thành tỷ lệ C/N cao nên cũng rất dễ ra hoa, đậu quả sớm trong mùa mưa nếu như có đợt hạn tức thời và cường độ chiếu sáng cao.

Theo Wasi.org.vn