Nghệ An: Ma trận thị trường giống cây có múi

Nghệ An có tiềm năng phát triển cây ăn quả có múi, nhất là cây cam. Trong những năm qua, diện tích cam tăng đột biến nhưng nhiều diện tích đã bị thoái hóa sớm, ngay từ thời kỳ kiến thiết cơ bản và kinh doanh sung sức nhất.

Đó có phải là hệ lụy của việc quản lý giống lỏng lẻo?  

Lạc giữa “ma trận” cây giống

Trong vai người cần mua giống cây ăn quả có múi số lượng lớn, chúng tôi tìm đến một số điểm bán giống cây ăn quả dọc QL48, ngay trước cổng Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ (phường Quang Tiến, TX Thái Hòa).

Chủ các điểm bày bán cây giống đều trưng biển trung tâm giống cây trồng ra để "lòe" người mua. Họ khẳng định, đây là những giống cây đạt tiêu chuẩn, sạch bệnh, lấy mắt ghép từ những cây đầu dòng…

09-40-56_chu_vuon_uom_tu_nhn_khng_dinh_giong_cm_dt_cht_luong

Chủ vườn ươm tư nhân khẳng định giống cam đạt chất lượng

Khi chúng tôi phân vân muốn vào Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp (CĂQ, CCN) Phủ Quỳ để mua giống tốt thì chủ vườn ươm Xuân La, giải thích: “Chúng tôi cũng mua mắt ghép từ trung tâm ra mà, đảm bảo sạch bệnh. Tôi cam đoan chỉ bán cây giống sạch bệnh. Còn nếu anh cần hóa đơn thì chúng tôi sẽ có cách. Có những mối hàng lớn, trung tâm còn phải lấy giống của chúng tôi cấp ra chứ trong đó ươm sao đủ(?)”.

Về giá cả, hầu hết các giống cây giá cào bằng từ 15 – 18 nghìn đồng/bầu giống với kích thước bầu 18x28cm. Theo quan sát của PV, các bầu giống đều có đường kính gốc ghép từ 0,3 – 0,5cm, cao trên 20cm. Thế nhưng, việc xuất giống khi mắt ghép đã đạt kích thước hay chưa thì còn phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng.

“Đáng lẽ phải đến khi mắt ghép dài 20 – 25cm, đã ra lớp lá thứ hai mới xuất bán nhưng khách cần quá, khan hàng thì cũng phải xuất thôi chú. Thực ra, về trồng nếu chăm bón tốt thì cây vẫn phát triển bình thường mà”, chủ Trung tâm Giống cây trồng Lê N giải thích.

Chúng tôi đem câu chuyện trên kể với những người chuyên nghiên cứu, nhân giống cây ăn quả có múi, thì bà Võ Thị Tuyết, GĐ Trung tâm Nghiên cứu CĂQ, CCN Phủ Quỳ khẳng định không có chuyện các hộ vào mua mắt ghép sạch bệnh của trung tâm đem về ghép. Thay vào đó, những hộ này thường vào các vườn cam mua mắt ghép về tự ghép lấy. Vì lợi ích trước mắt họ lấy cả mắt ghép không đạt chất lượng như chồi vượt, chồi già…

Thực tế, mắt ghép lấy từ những chồi vượt có thể giúp cây giống phát triển nhanh, nhưng năng suất quả thấp. Chưa kể, mắt ghép chưa được diệt trừ các bệnh trên cây trồng nên khi trồng một thời gian mới phát hiện bệnh, thì đã muộn. Đa phần các hộ dân đều có vườn ươm nhỏ, tự làm cây giống để trồng vườn nhà mình hoặc bán cho những hộ có nhu cầu.

09-40-56_mot_vuon_cm_ti_quy_hop_phi_cht_bo_do_giong_kem_cht_luong

Một vườn cam tại Quỳ Hợp phải chặt bỏ do giống kém chất lượng

“Hiện nay, chúng tôi chưa có cây được công nhận là cây đầu dòng, chưa có vườn ươm trong nhà lưới, đó cũng là tình trạng chung tại Nghệ An. Nhưng chúng tôi có vườn cây ưu tú được chọn lựa kỹ càng, trước mùa ghép sẽ lấy mẫu gửi ra Viện Rau quả xét nghiệm. Nếu mẫu sạch bệnh thì mới ghép. Đó là lý do cây giống trung tâm đắt hơn bên ngoài”, bà Tuyết cho biết.

Cũng theo bà Tuyết, nếu mắt ghép không được xét nghiệm rất dễ nhiễm bệnh Greening. Bệnh do vi khuẩn Liberobacter asiaticum gây ra, truyền lan qua ghép vô tính, gốc ghép, mắt ghép, truyền qua côn trùng môi giới chích hút (rầy chổng cánh Diaphorina citri), gây xáo trộn sinh lý, làm tắc nghẽn quá trình vận chuyển dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây, giảm năng suất, phẩm chất trái.

Bệnh thường biểu hiện rõ khi giống đã trồng một thời gian, thậm chí khi đã bước vào thời kỳ kinh doanh.  

Lỏng lẻo!

Theo Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có 3 giống cam chính là cam Xã Đoài với 2.226ha (48,44%), cam Vân Du 1.006,4ha (21,90%), cam Valencia 715ha (15,56%). Còn lại là các giống cam BH (170ha), cam Sông Con (64ha) cam Bù (18ha)… Năng suất bình quân đạt 15,5 tấn quả/ha, là mức thấp so với tiềm năng đất đai tại Nghệ An.

Điều đáng nói, diện tích cam thoái hóa trên địa bàn Nghệ An đang tăng. Không chỉ cam hết chu kỳ kinh doanh mà cả những vườn cam đang thời kỳ kinh doanh hoặc kiến thiết cơ bản cũng thoái hóa. Riêng Cty TNHH MTV Xuân Thành và Cty TNHH MTV Nông – Công nghiệp 3/2, có trên 1.000ha cam thoái hóa, trong đó hơn nửa là diện tích cam kiến thiết cơ bản và kinh doanh.

Đại diện Chi cục cho biết, việc SX giống cây cam ở Nghệ An chủ yếu là do các tổ chức, cá nhân hộ gia đình đảm nhận. Chỉ một số tổ chức, cá nhân tại vùng Phủ Quỳ có đăng ký SX, kinh doanh giống cây ăn quả… Thực trạng đáng lo ngại là, việc lựa chọn cây mẹ SX giống chủ yếu lấy từ các cây chưa được công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng. Nhiều hộ còn sử dụng giống đưa từ ngoại tỉnh về mà chưa kiểm soát được nguồn gốc cũng như chất lượng.

09-40-56_b_hong_thi_linh_tiec_nuoi_vi_mu_giong_cm_troi_noi_kem_cht_luong

Bà Hoàng Thị Lĩnh tại xóm Minh Hòa, xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) tiếc nuối vì mua giống cam trôi nổi

Chi cục thừa nhận, hầu hết giống cam bán ra không được dán nhãn truy xuất. Việc trà trộn giống kém chất lượng vào giống tốt cũng rất khó phân biệt. Công tác kiểm tra, thanh tra chất lượng giống cam còn gặp khó khăn do chưa lấy mẫu để giám định mẫu sản phẩm cây giống.

Đặc biệt, việc diệt trừ các nguồn bệnh từ giống cam rất khó, nhất là bệnh Greening. Hiện nay việc SX cây giống đang được lấy từ các cây mẹ trồng không được cách ly trong nhà kính, nhà lưới nên không kiểm soát được dịch bệnh nhất là bệnh Greening, Tristeza. Cây giống bán ra không có mã hiệu nguồn giống, lô giống, tên, địa chỉ cơ sở SX…

09-40-56_nguoi_mu_lc_vo_m_trn_giong_cy_n_qu_co_mui

Người mua lạc vào “ma trận” giống cây ăn quả có múi

Các tổ chức, cá nhân SX và cung ứng giống cam trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện các quy định của nhà nước về SX cây giống theo quy chuẩn quốc gia TCVN 9032:2013, chưa được cấp giấy chứng nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng của Sở NN- PTNT. Nghệ An cũng chưa tổ chức bình tuyển, đánh giá và tuyển chọn cây cam có năng suất, chất lượng tốt để cấp chứng nhận cây đầu dòng.

Theo Nongnhiep.vn