Các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, hiện nay một số diện tích ngô, lúa xuân hè trên ở các tỉnh miền núi phía Bắc đang chịu ảnh hưởng của sâu bệnh, đặc biệt là sâu keo mùa thu.

ngo.jpg

Cán bộ xã Mường Kim (huyện Than Uyên) kiểm tra diện tích ngô bị sâu keo mùa thu gây hại để có biện pháp phòng trừ. Ảnh: Báo Lai Châu.

Gặp anh Cứ A Vư, bản Noong Thăng, xã Phúc Than đang đi thăm, kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây ngô. Anh Vư chia sẻ: “Vụ xuân hè năm nay, gia đình tôi trồng trên 7.000m2 ngô với giống NK66, hiện nay ngô đã lên và bước vào giai đoạn 5 – 7 lá. Hai tuần nay tôi thấy ngô bị bệnh sâu keo mùa thu nên mua thuốc bảo vệ thực vật về diệt trừ và phòng bệnh sâu hại; đồng thời làm cỏ, bón phân, vun gốc để cây ngô sinh trưởng phát triển tốt”.

Vụ ngô xuân hè năm nay, gia đình chị Lò Thị Hoa, bản Là 2, xã Mường Kim trồng hơn 4.000m2 ngô với giống CP989 trên đất đồi thoải. Chị Hoa cho biết do thời tiết mưa nắng thất thường nên diện tích ngô của gia đình đang bị đối tượng sâu xám, sâu keo mùa thu gây hại. Sau khi được cán bộ xã, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn mua thuốc, cách phòng trừ, chị Hoa đã thực hiện phun toàn bộ diện tích, nhờ đó kịp thời kìm chế sâu hại và lây lan.

Vụ xuân hè, xã Mường Kim gieo trồng trên 35ha ngô tập trung đất đồi thoải và diện tích đất chân ruộng một vụ. Anh Lê Thái Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Kim chia sẻ: “Toàn bộ diện tích ngô trồng trên địa bàn đang phát triển tốt, tuy nhiên đã xuất hiện sâu keo ở một số diện tích. UBND xã chỉ đạo các thôn bản, cán bộ xã hướng dẫn bà con phun thuốc phòng trừ dịch bệnh. Phổ biến quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo hại ngô nhằm giảm tổn thất, góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất an toàn, bền vững, mang lại thu nhập cho người dân”.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại gây ra, UBND huyện Than Uyên chỉ đạo cơ quan chuyên môn trong Khối Nông nghiệp, các địa phương tăng cường kiểm tra diện tích trồng ngô. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo quy trình phòng trừ dịch hại và hướng dẫn bà con các biện pháp phun thuốc kịp thời để ngô không bị sâu bệnh…

Anh Trần Đăng Trường – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên cho biết: “Đối với diện tích ngô xuân hè hiện đã triển khai trồng xong đạt 100% kế hoạch; cây ngô đang trong giai đoạn 5 – 7 lá, nếu không phòng trừ tốt sâu sẽ gây hại nặng làm giảm mật độ cây ngô trên diện tích làm ảnh hưởng đến năng suất ngô sau này.

Do đó, Trung tâm phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương hướng dẫn bà con mua thuốc điều trị đúng loại sâu, cách sử dụng, pha chế phun nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Người dân cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam theo nguyên tắc “4 đúng” và luân phiên sử dụng các hoạt chất khác nhau để tránh sâu kháng thuốc. Đặc biệt, phun ướt đều lá và phun vào nõn cây ngô”.

Lào Cai: Trên 66ha ngô xuân bị sâu keo mùa thu gây hại

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện có 66,7 ha ngô vụ xuân đang bị sâu keo mùa thu gây hại. Tập trung chủ yếu ở các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bát Xát.

ngo-lao-cai.jpg

Toàn tỉnh đã trồng trên 26.000 ha ngô, trà chính vụ giai đoạn từ 3-9 lá. Theo kết quả điều tra của cơ quan chuyên môn, sâu keo mùa thu đang gây hại từ nhẹ đến trung bình, mật độ 2-4 con/m2, cục bộ 8-10 con/m2. Diện tích ngô bị sâu keo mùa thu gây hại, có thể bị suy giảm năng suất từ 20 -30%, thậm chí 50% nếu không được phòng trừ kịp thời.

Sâu keo mùa thu là loại mới, sức phá hại mạnh, khả năng đẻ trứng lớn (mỗi con cái có thể đẻ từ 1.000 – 2.000 quả trứng), khả năng phát tán, lây lan ra diện rộng nhanh.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ diện tích nhiễm sâu, chủ động hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng trừ như: Làm sạch cỏ xung quanh vườn trồng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu, xới xáo, làm cỏ, bón phân để giết nhộng sâu trong đất, ngắt tiêu hủy ổ trứng, bắt diệt sâu non khi mật độ thấp; khi mật độ cao cần đồng loạt sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun phòng trừ.

Để phòng trừ sâu keo mùa thu, người dân nên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu như: Indoxacarb, Lufenuron… phun trực tiếp ở bề mặt lá, nõn cây ngô, thực hiện phun đẫm và phun kép 2 lần để đạt hiệu quả cao nhất.

Hòa Bình: Trên 1.184 ha lúa nhiễm sâu bệnh hại

Sở NN&PTNT vừa kiểm tra tình hình sản xuất lúa chiêm xuân năm 2020 tại các huyện, thành phố. Toàn tỉnh có trên 1.184ha lúa bị nhiễm bệnh. Cụ thể, đối tượng chuột gây hại xuất hiện nhiều nhất với tổng diện tích gây hại trên 342 ha; tiếp đến là bệnh khô vằn (diện tích nhiễm khoảng 493 ha), bệnh đạo ôn lá (gần 100ha). Ngoài ra còn có bệnh bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, bọ xít đen…

Theo Chi cục TT&BVTV cho biết: Hiện nay, chuột gây hại trên lúa tỷ lệ phổ biến 1- 3 % số dảnh, cao 8 – 10 % số dảnh, cục bộ 30 – 40 % số dảnh; tập trung ở các khu vực huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, TP Hòa Bình, Mai Châu, Lạc Sơn… Bệnh đạo ôn gây hại ở 10/10 huyện, thành phố với tỷ lệ phổ biến 1 – 3% số lá, cao 10 – 15 % số lá, cục bộ >20% số lá; bệnh cấp 1 – 5. Dự báo trong thời gian tới, chuột tiếp tục gây hại những ruộng gần gò đồi, ven làng; bệnh đạo ôn lá tiếp tục gia tăng tỷ lệ và diện phân bố trong thời gian tới nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời hiệu quả…

Trước tình hình diễn biến của sâu bệnh hại, Sở NN&PTNT lưu ý tới các địa phương cần quyết liệt triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại để kịp thời bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ thiệt hại do các đối tượng gây ra. Tích cực, triển khai thực hiện tốt thời kỳ cao điểm chỉ đạo phòng trừ dịch hại bảo vệ lúa xuân năm 2020 theo các công văn chỉ đạo của cơ quan chuyên môn.

Bắc Kạn: Chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn trên cây lúa

lua-bac-kan.jpg

Nông dân xã Hà Hiệu (Ba Bể) bón phân cho lúa. Ảnh Báo Bắc Kạn

Vụ xuân năm 2020, tỉnh Bắc Kạn gieo cấy hơn 8.500ha lúa xuân. Trên các trà lúa hiện đang xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại rải rác. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh đạo ôn gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng trừ.

Vụ lúa xuân năm nay, gia đình anh Chu Văn Thủy ở thôn Cốc Lót, xã Hà Hiệu (Ba Bể) trồng hơn 1.500m2 giống lúa ĐV108 và Hà Phát 3. Anh Thủy cho biết: “Cách đây gần chục ngày, ruộng lúa đang xanh tốt bỗng nhiên bị cháy lá khá nhiều, là biểu hiện của bệnh đạo ôn lá. Những ruộng lúa sát cạnh cũng có dấu hiệu nhiễm bệnh đạo ôn, vừa rồi cán bộ xã đã hướng dẫn phun thuốc phòng trừ để tiêu diệt mầm bệnh, bảo vệ lúa”.

Theo ghi nhận của Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật, hiện nay bệnh đạo ôn đã bắt đầu xuất hiện trên diện tích lúa xuân ở các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Ba Bể và một số địa phương trong tỉnh, gây hại trên các giống Sán ưu 63 (Tạp giao 1), Japonica J02, BC15, Kinh Bắc, Đài thơm, Thiên ưu, Nhị ưu, khang dân, Nếp, BC 15, TBR 225… Tỷ lệ hại phổ biến 3-5% lá, cao 20% lá, cá biệt 70% lá. Tổng diện tích nhiễm hơn 56ha, trong đó nhiễm nặng 4,6ha. Bà con nông dân các địa phương đã tiến hành phun phòng trừ được 71ha.

Đến thời điểm này, diện tích lúa xuân gieo cấy trên toàn tỉnh là 8.512ha, đạt 103% kế hoạch, đang giai đoạn cuối đẻ nhánh, đứng cái – làm đòng. Điều kiện trời âm u, ít nắng, thời tiết mát, ẩm độ cao như hiện nay là điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn tiếp tục phát triển mạnh, lây lan và gây hại trên diện rộng. Đáng lo ngại, đây đang là giai đoạn cây lúa mẫn cảm với bệnh. Nếu không phòng trừ kịp thời và hiệu quả, bệnh đạo ôn cổ bông sẽ gây hại mạnh trên bông, có thể gây hại cao nhất tới 80% năng suất lúa, gây hại nặng từng chòm hay cả ruộng lúa.

Để chủ động trong công tác phòng, trừ và hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh đạo ôn gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã ban hành văn bản, tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường bám sát địa bàn, hướng dẫn nông dân chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn gây hại trên cây lúa.

Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế thành phố, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã, phường, thị trấn, cán bộ nông lâm xã và người dân tăng cường kiểm tra, giám sát đồng ruộng, phát hiện sớm bệnh đạo ôn gây hại và phòng trừ kịp thời, không để bệnh lây lan ra diện rộng; đặc biệt lưu ý trên các giống lúa nhiễm bệnh đạo ôn như: J02, QJ4, Thiên ưu 8, BC15, Sán ưu 63, lúa nếp…