Biểu hiện thiếu dinh dưỡng trên cây cà phê và cách phòng trị

Thiếu một trong những chất dinh dưỡng thiết yếu như đạm, lân, kali, lưu huỳnh, magiê, canxi, kẽm,…cũng đều làm cây cà phê vàng lá, rụng lá, rụng trái.

cham ca phe 2

Đặc biệt, với vùng đất Tây nguyên, nơi chuyên canh cà phê lớn nhất của nước ta, do đặc điểm quá trình hình thành đất đỏ bazan nên các chất trung, vi lượng thiếu khá nhiều. Vì thế muốn tăng năng suất và chất lượng của cà phê thì bà con cần phải chú ý để bón bổ sung cho cây.

1. Các nguyên tố đa lượng

Thiếu đạm (N)

Thiếu đạm cây sinh trưởng kém, mất cân đối. Cà phê không có cây che bóng thì toàn cây lá có màu vàng, kích thước lá và chồi bị nhỏ hơn bình thường. Cây cà phê có cây che bóng chỉ có lá già bị vàng. Trường hợp thiếu đạm trầm trọng thì toàn cây bị vàng.

ca phe thieu chat 1

Cà phê thiếu đạm (N)

Phòng trị:

Bón đầy đủ, cân đối đạm theo nhu cầu của cây tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển.

Chữa trị nhanh có thể dùng dung dịch urê 0,3 – 0,4% hoặc dung dịch phân đạm sun phát amôn (SA) với nồng độ 0,4 – 0,5% phun 2 lần cách nhau 20 – 25 ngày.

Thiếu lân (P)

Thiếu lân xuất hiện ở lá già và ở các cành sai quả. Lúc đầu lá có màu vàng sáng, sau đó chuyển sang đỏ thẩm hoặc nâu đỏ pha tím, đôi khi có màu huyết dụ. Đầu tiên lá biến màu ở một phần (thường ở ngọn lá), cuối cùng cả lá biến màu và rụng.

ca phe thieu chat 2

Cà phê thiếu Lân (P)

Phòng trị:

Bón lân đầy đủ cho cà phê thời kỳ kiến thiết cơ bản và kinh doanh. Nhất thiết khi trồng mới phải bón lượng lân thương phẩm từ 500 – 700 g/cây.      

Trường hợp bị thiếu trầm trọng có thể dùng hợp chất phốt phát kali (KH2PO4 hoặc K2HPO4) với nồng độ 0,3 – 0,4% để phun cho cà phê 2 lần, cách nhau 20 – 30 ngày.

Thiếu kali (K)

Thiếu kali thường thể hiện ở các lá già, trên cành mang nhiều quả. Các vệt màu nâu thường xuất hiện ở rìa mép lá, rồi lan dần vào giữa phiến lá, cuối cùng thì lá rụng. Thời kỳ cây cà phê mang quả nếu thiếu thì quả rụng nhiều, vỏ quả có màu xám nâu, khi chín quả có màu vàng đỏ nâu, khô và không mọng nước, màu không tươi, nhân nhỏ hơn bình thường.

ca phe thieu chat 3

Cà phê thiếu (K)

Phòng trị:

Bón đầy đủ lượng kali theo nhu cầu của cây dựa trên đặc tính đất đai của từng vùng và năng suất thu hoạch. Có thể dùng KH2PO4 hoặc K2HPO4 với nồng độ 0,3 –  0,4%  để phun cho cà phê 2 lần, cách nhau 20 – 30 ngày.

2. Các nguyên tố trung lượng

Thiếu lưu huỳnh (S)

Thiếu lưu huỳnh thường thể hiện ở các lá non trên ngọn. Lá có màu vàng hoặc trắng, bị nặng lá có thể hơi nhỏ so với bình thường. Hiện tượng thiếu lưu huỳnh thường hay xuất hiện ở vườn cà phê kiến thiết cơ bản vào thời kỳ cuối mùa khô đầu mùa mưa.

ca phe thieu chat 4

Cà phê thiếu lưu huỳnh (S)

Phòng trị:

            – Hàng năm bón một lượng phân có chứa gốc lưu huỳnh như SA.

            – Dùng dung dịch SA nồng độ từ 0,4 – 0,5% phun 2 lần cách nhau 15 – 20ngày để chữa bệnh thiếu lưu huỳnh cho cà phê. Cũng có thể dùng các loại phân bón lá có chứa S để phun cho cà phê.

Thiếu Magiê (Mg)

Triệu chứng thiếu magiê được phát hiện trên cây cà phê ở lá già, màu vàng bắt đầu từ gân chính, sau lan rộng dần ra rìa lá. Dọc theo gân chính và gân phụ còn lại những vệt xanh thẩm tạo nên dạng hình xương cá có màu xanh trên nền vàng. Sau đó lá chuyển sang màu vàng xẫm hoặc nâu rồi rụng.

ca phe thieu chat 5

Cà phê thiếu Magiê (Mg)

Phòng trị: Bón lân nung chảy là hình thức cung cấp magiê cho cây cà phê. Thiếu magiê cách chữa nhanh nhất là phun magiê nitrat (Mg(NO3)2) hoặc manhê sunphat  (MgSO4) nồng độ 0,2 – 0,4% từ 2 – 3 lần cách nhau 15 – 20 ngày.

3. Các nguyên tố vi lượng

Thiếu kẽm (Zn)

Thiếu kẽm thường xuất hiện ở lá non, các lá phía đầu cành. Lá có dạng hình mũi mác, đốt ngắn lại gọi là “bệnh rụt cổ”; cây cà phê không phân hóa được mầm hoa, hạn chế khả năng thụ phấn của hoa, tỷ lệ rụng quả rất cao, có khi lên đến 70 – 90%. Tỷ lệ cành bị khô cao. Bệnh nặng có thể cây bị chết.

ca phe thieu chat 6

Cà phê thiếu kẽm (Zn)

Phòng trị:

Cần bổ sung các loại phân có chứa kẽm định kỳ để đáp ứng cho nhu cầu của cây. Khi thiếu kẽm cần phun dung dịch sunphát kẽm (ZnSO4.7H2O) với nồng độ 0,4 – 0,5% vào tháng 6,7 hai lần cách nhau 20 – 25 ngày.  Lâu dài cần bón vào đất với lượng từ 15 – 25kg ZnSO4.7H2O/ha, 2 – 3 năm bón lại 1 lần. Phun phân NUCAFE có tác dụng chữa thiếu kẽm cho cà phê.

Thiếu bo (B)

Khi bị thiếu B lá cà phê bị nhỏ lại và ngắn hơn, rìa lá không bình thường, các chồi ngọn hay bị khô, các cành ngang hay bị chết. Hiện tượng cành thứ cấp mọc thành chùm có dạng hình rẽ quạt. Lá có màu xanh ô liu hay xanh vàng nhạt ở nửa cuối lá.

ca phe thieu chat 7

Cà phê thiếu Bo (B)

Phòng trị:

Cần bổ sung các loại phân có chứa bo định kỳ để đáp ứng cho nhu cầu của cây. Khi thiếu bo cần phun dung dịch H3BO3 hoặc Borax  với nồng độ 0,4 – 0,5% vào tháng 6,7 hai lần cách nhau 20 – 25 ngày. Lâu dài bón vào đất với lượng từ 10 – 15kg Borax/ha, khoảng 2 – 3 năm bón lại 1 lần.

Nguyễn Mỵ (tổng hợp)