Bệnh xì mủ nứt thân do nấm Phytophthora sp. gây hại trên cây bơ và biện pháp phòng trừ

1. Triệu chứng và tác hại

Bệnh xì mủ nứt thân do nấm Phytophthora sp. là loại bệnh hại khá phổ biến và gây tác hại cho hầu hết các giống bơ hiện nay tại Tây Nguyên. Nấm gây hại thường tấn công ở vùng cổ rễ, gốc thân, cành già. Bệnh phát triển và lây lan thông qua các vết thương trên thân.

Triệu chứng bệnh xì mủ nứt thân biểu hiện ban đầu là một vết thối nhỏ màu nâu sẫm chảy nhựa xuất hiện trên thân hoặc cành. Vết bệnh thường xuất hiện ở phần thân sát gốc. Ban đầu vết bệnh làm cho vỏ của thân cây bị úng nước, thối nâu thành những vùng bất dạng, sau đó khô, nứt dọc và chảy mủ, vỏ cây bong ra, phần gỗ thân cây bị thối nâu.

Triệu chứng bệnh xì mủ  nứt thân bơ

Vết bệnh gây loét và ăn sâu vào trong mạch dẫn, khi cạo bỏ phần vỏ vết bệnh sẽ thấy phần mạch dẫn có màu cam hoặc biến nâu. Cây bệnh bị yếu sức, ngọn cây ít phát triển, tán lá suy giảm. Cây bị bệnh nặng có thể lây lan làm vết nứt thân kéo dài dẫn đến cây kiệt quệ, sinh trưởng kém.

Bệnh thường xuất hiện ở những vườn bơ rậm rạp, trồng mật độ dày, thoát nước kém. Vào mùa mưa, ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi cho nấm gây hại phát triển.

Số liệu điều tra của Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho thấy trong tất cả các loại bệnh hại trên cây bơ thì bệnh xì mủ nứt thân là phổ biến nhất. Các vườn trồng bơ của 5 tỉnh Tây Nguyên đều xuất hiện bệnh xì mủ nứt thân với mức độ phổ biến (+++)

Bảng 1. Thành phần bệnh hại cây bơ tại Tây Nguyên (Nguồn: WASI, 2018)

TT Loại bệnh hại Tác nhân gây hại Bộ phận gây hại Mức độ phổ biến
1 Thối rễ Nấm Phytophthora sp. Rễ +
2 Xì mủ nứt thân Nấm Phytophthora sp. Thân, cành +++
3 Thán thư Nấm Colletotrichum sp. Lá, cành ++
4 Đốm lá Nấm Cercospora sp. ++
5 Ghẻ vỏ quả Nấm Sphaceloma sp. Quả +++
6 Héo rũ chết ngọn Nấm Verticillium sp. Ngọn, Cành +

Ghi chú: +: Rất ít phổ biến; ++: Ít phổ biến; +++: Phổ biến;++++: Rất phổ biến

2. Phòng trừ bệnh

Vệ sinh đồng ruộng là khâu chủ yếu để hạn chế nguồn nấm bệnh gây hại trên vườn bơ. Không nên trồng bơ trên những vùng bị nhiễm bệnh nặng, vùng đất hay ngập úng. Thường xuyên thu gom quả rụng, cành khô, các bộ phận bị bệnh, cắt bỏ những cành nằm sát mặt đất mang ra khỏi vườn tránh nơi ký chủ của nấm bệnh.

Trồng bơ với mật độ hợp lý, không nên trồng quá dày. Rong tỉa tạo hình vườn cây thông thoáng. Tăngcường bón phân hữu cơ hoai mục và kết hợp bón cân đối các loại phân đạm, lân, ka li tạo cho cây sinh trưởng và phát triển khỏe.

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm cây bơ bị bệnh để phòng trừ kịp thời.

Hiện nay trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam chưa có sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật nào đăng ký sử dụng trên cây bơ, có thể tham khảo sử dụng một trong các loại chế phẩm sinh học hoặc thuốc hóa học đăng ký trên cây sầu riêng.

– Chế phẩm sinh học: Trichoderma virens J.Miller, Giddens & Foster 80% (8 x 10 bào tử/g) + Trichoderma hamatum (Bon.) Bainer 20% (2 x 10 bào tử/g); Trichoderma viride…

– Thuốc hóa học: Fosetyl-aluminium; Phosphorus acid… phun vào thân cây bơ theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì. Đối với những cây bơ bị bệnh nặng, vết bệnh nứt và xì mủ, cần lấy dao cạo lớp vỏ ngoài của thân cây, sau đó quét một trong các loại thuốc hóa học nêu trên với nồng độ đậm đặc lên vết bệnh, sau đó pha thuốc với nồng độ theo khuyến cáo để phun xịt lên thân cây và tưới xuống gốc nhằm hạn chế nấm bệnh lây
lan.