Triệu chứng và biện pháp khắc phục cây hồ tiêu bị bệnh chết chậm

Hỏi: Khoảng 3 tháng nay vườn tiêu nhà tôi bị vàng lá, các lá non có màu trắng nhạt, lá nhỏ và đốt tiêu thì rất ngắn, không phát triển được. Xin cho biết nguyên nhân và cách giải quyết.

vuon_tieu

Trả lời

Theo miêu tả trên thì khả năng tiêu nhà bạn đang bị bệnh chết chậm. Tuyến trùng Meloidogyne incognita đã tấn công hồ tiêu. Để biết chính xác hơn, bạn có thể đào 1 gốc cây đang bị bệnh, kiểm tra xem rễ của cây có những nốt u sần, sưng lên. Nếu rễ bị sưng thì chắc chắn cây tiêu nhà bạn đang bị tuyến trùng gây hại. Để bạn hiểu rõ hơn về bệnh này, chúng tôi sẽ nêu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng trừ bệnh.

Triệu chứng

Ban đầu cây sinh  trưởng, phát triển chậm, lá vàng. Các lá già thường bị vàng trước, sau đó héo và rụng, tiếp theo là các đốt bị rụng. Những cây bị bệnh thường có bộ tán lá thưa thớt, ra hoa và đậu quả kém dẫn đến năng suất và chất lượng giảm. Trên đồng ruộng hiện tượng vàng lá, sinh trưởng kém thường xuất hiện thành từng vùng cục bộ, lúc đầu chỉ có một vài cây, sau đó lan rộng ra hoặc phát triển thành nhiều vùng. Triệu chứng vàng và rụng  lá, rụng đốt thường phát triển chậm và kéo dài, có khi vài ba năm sau khi xuất hiện triệu chứng cây mới chết.

Hệ thống rễ của cây tiêu bị bệnh phát triển kém. Rễ có nhiều nốt sần, những nốt sần này có thể xuất hiện riêng lẻ hay tạo thành từng chuỗi. Khi cây bị bệnh nặng, các rễ chính và phụ đều bị thối.

Ở tiêu con (tiêu tơ mới trồng được 1-2 năm) các triệu chứng vàng lá do tuyến trùng thường dễ bị nhầm với thiếu dinh dưỡng, để nhận biết bà con nên quan sát nếu thấy lá non teo nhỏ, bạc màu, vàng đồng loạt trên toàn trụ, bứt lá thấy khá dai. thì nên kiểm tra ngay phần rễ, nếu xuất hiện nốt sần thì khả năng cao là tuyến trùng đã vào làm tổ, cây có thể sinh trưởng chậm nhưng chưa chết ngay, vào giai đoạn kinh doanh sẽ phát bệnh do bắt đầu nhiễm nấm

Nguyên nhân

Bệnh vàng lá chết chậm do tuyến trùng kết hợp với nấm bệnh gây nên. Tuyến trùng gây hại chính là  Meloidogyne spp., Radopholus similis,… nấm gây hại chính là Fusarium solani, Phytophthora spp., Pythium spp.,… Tuyến trùng tấn công trước, tạo ra những vết thương và nốt sưng trên rễ sau đó nấm xâm nhập làm thối rễ dẫn đến triệu chứng cây sinh trưởng chậm, vàng lá, tháo đốt và chết. Đôi khi không có sự hiện diện của tuyến trùng, các loài nấm Phytophthora spp., Pythium spp…. cũng có thể tấn công vào các đầu rễ, vết thương  gây triệu chứng thối rễ làm cây không hấp thu được dinh dưỡng, nước  dẫn đến cây sinh trưởng chậm, vàng lá, tháo đốt và chết.

Cách phòng trừ

Đối với bệnh vàng lá chết chậm nên áp dụng các biện pháp tổng hợp để phòng bệnh là chính, vì khi cây tiêu đã biểu hiện vàng lá, rụng đốt sinh trưởng kém thì toàn bộ rễ có thể đã bị gây hại nghiêm trọng, khả năng phục hồi kém.

Các biện pháp phòng trừ tổng hợp bao gồm

– Sử dụng giống ít bị nhiễm tuyến trùng và nấm để trồng mới, trồng dặm.

– Không nên trồng tiêu trên các vườn cà phê hoặc vườn tiêu đã nhổ bỏ do bị tuyến trùng gây hại mà chưa qua thời gian luân canh, cải tạo đất.

– Trước khi trồng mới cần vệ sinh đồng ruộng để loại bỏ các tàn dư thực vật, cày phơi đất trong mùa khô để diệt nguồn tuyến trùng, nấm trong đất.

– Thường xuyên theo dõi và kiểm tra vườn cây để phát hiện bệnh và xử lý sớm.

– Bón phân cân đối và hợp lý: bón phân hữu cơ đã qua ủ hoai với Trichoderma, phân hữu cơ chức năng humic để bổ sung dinh dưỡng, cải tạo đất, kích thích phát triển bộ rễ, và bổ sung hệ vi sinh vật đối kháng với tuyến trùng. Tăng cường sử dụng phân bón lá chuyên dùng cho hồ tiêu để cung cấp kịp thời dinh dưỡng qua lá. Việc sử dụng phân khoáng nên chia nhỏ ra thành nhiều lần để bón.

– Có thể sử dụng cây cúc vạn thọ, dã quỳ để tủ gốc hoặc ép xanh xung quanh vùng mép tán của cây tiêu để diệt tuyến trùng.

– Hạn chế xới xáo và tưới tràn trong vườn tiêu bị bệnh.

Khi bệnh chết chậm xuất hiện sử dụng các loại thuốc trừ tuyến trùng kết hợp với thuốc trừ nấm bệnh để phòng trừ. Không pha hỗn hợp thuốc trừ tuyến trùng với thuốc trừ nấm bệnh nếu như trên bao bì không khuyến cáo.  Nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì

Trừ tuyến trùng: Dùng các thuốc trừ tuyến trùng vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa, nên kết hợp sử dụng thuốc hóa học và chế phẩm sinh học hợp lý, tùy thuộc vào mức độ nhiễm bệnh của vườn cây.

Trừ nấm đất: Sử dụng thuốc có hoạt chất  Metalaxyl, Mancozeb, … xử lý 1 hoặc 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa bằng phương pháp tưới hoặc sục gốc. Khi sử dụng thuốc BVTV phải đảm bảo thời gian cách ly/ hướng dẫn theo khuyến cáo trên bao bì.

– Những vườn đã bị nặng cần nhổ bỏ và luân canh 2 – 3 năm với cây trồng khác trước khi trồng lại tiêu.

Chi tiết Gọi Tổng đài Khuyến nông 9195 (VinaPhone) hoặc 19001595 (Các mạng khác: MobiFone, Viettel…) để được Hỗ trợ kỹ thuật  trồng và phòng trị sâu bệnh hại tiêu từ các Chuyên gia hàng đầu.

TS. Đặng Bá Đàn – Trung tâm khuyến Nông Quốc Gia