Những lưu ý khi sử dụng thuốc phòng bệnh đạo ôn hại lúa

Hỏi: Tại sao việc phòng trừ bệnh đạo ôn phải tiến hành sớm, những lưu ý khi sử dụng thuốc phòng bệnh đạo ôn hại lúa?

dich-benh-hai-lua648cb56-1469173081840

Trả lời:

1. Việc phòng trừ bệnh đạo ôn cần thực  hiện sớm vì:

– Nấm Pyricularia oryzae gây bệnh đạo ôn ngoài ký chủ chính là cây lúa bệnh có thể ký sinh trên các ký chủ phụ: cỏ lồng vực, cỏ gừng, lúa ma, lúa chét…(nguồn bệnh luôn tồn tại trên đồng);

– Bào tử nấm bám được vào ký chủ và nảy nầm trong điều kiện độ ẩm không khí cao trên 90% (có giọt sương) và nhiệt độ 20-280C (thời tiết ấm, ẩm độ cao, ánh sáng yếu, mưa phùn kéo dài) chỉ sau 2h ký sinh bào tử đã hình thành đĩa bám tạo sợi nấm chui vào khí khổng;

– Thời kỳ tiềm dục: từ bào tử ban đầu kí sinh đến hình thành vết bệnh cấp tính là 3-5 ngày (điều kiện thời tiết phù hợp thời gian phát bệnh càng nhanh);

– Một vết bệnh 1 ngày cho 1200 bào tử/m3 không khí, thời gian cho bào tử của vết bệnh là 20 ngày (số lượng bào tử rất lớn);

– Bào tử bay cao 20km xa hàng ngàn cây, nhưng bào tử thực sự có khả năng gây bệnh trong bán kính 246m, như vậy từ 1 vết bệnh ban đầu nó lan theo các hướng với bán kính 246m và cứ 3 ngày sau lại lan tiếp do đó bệnh lan tràn trên diện rộng rất nhanh chóng;
Như vậy nguồn bệnh đạo ôn luôn tồn tại trên đồng ruộng nếu giống nhiễm chiếm cơ cấu cao chỉ cần gặp điều kiện thời tiết và giai đoạn sinh trưởng cây trồng phù hợp bệnh sẽ lây lan rất nhanh chính vì vậy đối với bệnh đạo ôn biện pháp phun phòng là chính:

– Đối với bệnh đạo ôn lá: chỉ cần phát hiện ra bệnh trên giống hay vùng chỉ thị phải phun phòng cho toàn bộ giống nhiễm đặc biệt là các giống nhiễm nặng để tiêu diệt, khoanh vùng, ngăn chặn nguồn bệnh (tiêu diệt bệnh tại chỗ và ngăn chặn lây mới);

– Đối với bệnh đạo ôn cổ bông cũng vậy nếu để nhìn thấy vết bệnh đã quá muộn cho nên đối với bệnh đạo ôn cổ bông phải phun phòng khi: giống nhiễm, đã bị đạo ôn lá trỗ 3-5 % gặp mưa nhiều ngày, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch cao, thậm chí phải phun kép nếu hội tụ đầy đủ các điều kiện phát bệnh.

2. Khi phun phòng bệnh đạo ôn cần lưu ý những điểm sau:

– Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng xác định thời điểm xuất hiện bệnh (tập trung theo dõi giống nhiễm: BC15, Lưỡng quảng, Q5, Nếp…) phun phòng khi bệnh xuất hiện đồng thời phải ngừng bón đạm, kali, hoặc phun phân bón qua lá và giữ nước ruộng hạn chế tác hại của bệnh;

– Khi sử dụng thuốc phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng:

+ Đúng thuốc: Beam 75WP, Bem Super 750WP, Kabim 30WP, Filia 525SE, Bemero super 750WP, Vista 72,5WP, Bump 650WP…

+ Nồng độ, liều lượng: đủ lượng nước và lượng thuốc (theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn) phải phun phủ kín thân, lá.

+ Đúng lúc: đúng khi bệnh chớm xuất hiện đối với bệnh đạo ôn lá và với giống nhiễm, đã bị đạo ôn lá, khi lúa trỗ 3-5 % gặp mưa nhiều ngày, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch cao đối bệnh đạo ôn cổ bông.

+ Đúng cách: phun phủ đều khắp thân, lá

Lưu ý:

– Gạt sương hoặc nước trước khi phun thuốc;

– Trong thời gian 4 giờ sau phun gặp mưa phải phun lại;

– Sau 5-7 ngày phun kiểm tra lại nếu vết bệnh lên lá mới phải phun lại ngay. 

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định