Hỏi đáp cách hạn chế bệnh đốm trắng thanh long

Hỏi: Đề nghị chuyên gia cho biết làm cách nào hạn chế bệnh đốm trắng thanh long?

benh dom trang hai thanh long

Ảnh minh họa

Phạm Thị Sao, thị trấn Bần, Hưng Yên

Trả lời: 

Đốm trắng (còn gọi là bệnh đốm nâu, bệnh tắc kè…) là một bệnh mới xuất hiện cách nay khoảng chục năm, nhưng đã lây lan rất nhanh ở vùng chuyên canh cây thanh long của các tỉnh phía Nam. Bệnh do nấm Neoscytalidium dimiditatum gây ra. Nếu không phòng trị kịp thời bệnh có thể gây thất thu rất lớn cho nhà vườn.

Để hạn chế tác hại của bệnh, các bạn phải áp dụng kết hợp một cách đồng bộ và hợp lý những biện pháp trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp. Sau đây là một số biện pháp chính:

– Những vùng đất trũng cần lên liếp cao, đắp mô trồng và có hệ thống thoát nước tốt trong mùa mưa để vườn luôn khô ráo.

– Không lấy hom ở những vườn đã bị bệnh để làm giống cho vườn khác.

– Bón phân đầy đủ và cân đối giữa đạm, lân và kali, không bón quá nhiều đạm, không lạm dụng chất kích thích sinh trưởng. Tăng cường bón phân giàu K, Ca, Mg, Si… để tăng sức kháng bệnh cho cây. Nếu có điều kiện nên sử dụng phân chuồng hoai mục có trộn chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma hoặc phân hữu cơ vi sinh. Trong thời gian cây bị bệnh, hạn chế sử dụng phân hóa học có hàm lượng đạm cao, không sử dụng phân chuồng tươi (phân gà, heo, bò…) chưa được ủ hoai mục.

– Vệ sinh vườn sạch sẽ, thường xuyên thu gom những bộ phận bị bệnh nặng (cành, trái…) đem ra khỏi vườn tiêu hủy để tránh lây lan.

– Kiểm tra vườn cây thường xuyên, để phát hiện sớm và phun thuốc phòng trị bệnh kịp thời.

Về thuốc, có thể sử dụng những loại thuốc có chứa các hoạt chất như Propiconazole, Difenoconazole, Mancozeb… Khi phun, nhớ bảo đảm thời gian cách ly của thuốc.

Theo kinh nghiệm của một số bà con nhà vườn ở huyện Châu Thành (Long An) thì hỗn hợp hai loại thuốc Kacie 250EC và Linacin 40SL sẽ cho hiệu quả khá cao.

Những điều cần biết về bệnh thối, chết cành thanh long

Phát hiện bệnh hại mới trên cây thanh long​

Theo Nông nghiệp