Cách phòng trị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa

Hỏi: Xin hỏi chuyên gia, biểu hiện và cách phòng trị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại lúa?

1(175)

Trả lời:

1. Bệnh vàng lùn

Tác nhân: Bệnh vàng lùn là một dạng triệu chứng khác do vi rút gây bệnh lúa cỏ có tên RGSV (Rice Grassy Stunt Virus) gây ra.

Triệu chứng bệnh trên cây lúa biểu hiện như sau

Màu sắc của cây lúa bệnh: Lá lúa từ xanh nhạt đến Vàng nhạt, Vàng cam, Vàng khô; 

Vị trí lá bị vàng: lá dưới bị vàng trước, lần lượt đến các lá bên trên; 

Vết vàng trên lá: từ chóp lá vàng lần vào bẹ; 

Đặc điểm của lá lúa bệnh: lá có khuynh hướng xòe ngang; 

Bệnh làm giảm chiều cao và số dảnh trong bụi lúa ; 

Ruộng lúa bệnh ngả màu vàng, chiều cao cây không đồng đều

Cách lan truyền bệnh

Rầy nâu là môi giới truyền vi rút gây bệnh cho cây lúa và truyền vi rút cho đến khi chết. 

Cây lúa bị bệnh mang vi rút cho đến khi gặt, lúa chét cũng có thể nhiễm bệnh. Khi bị bệnh ở giai đọan lúa non, lúa sẽ không trổ bông, năng suất  giảm nghiêm trọng hoặc mất trắng. 

Rầy nâu chích hút cây lúa bệnh sau 5-10 phút là mang mầm bệnh trong cơ thể; và khỏang 10 ngày sau là có thể lan truyền vi rút gây bệnh sang cây lúa khỏe khác. 

Vi rút gây bệnh không truyền qua trứng rầy, đất, nước, không khí. 

Rầy nâu cánh dài mang vi rút phát tán đi rất xa nên phạm vi lây lan của bệnh rộng, rầy cánh ngắn mang vi rút lây lan bệnh trong phạm vi hẹp vì không thể di chuyển xa. 

2. Bệnh lùn xoắn lá 

Tác nhân: Bệnh lùn xoắn lá do vi rút có tên RRSV (Rice Ragged Stunt Virus) gây ra. 

Triệu chứng bệnh trên cây lúa biểu hiện như sau: 

Cây bị lùn, màu lá xanh đậm

Mép lá bị rách và gợn sóng, dọc theo gân lá có u bướu

Chóp lá bị biến dạng, xoăn tít lại

Lúa không trổ được, bị nghẹn đòng, hạt lép. 

Cách lan truyền bệnh 

Cách lan truyền bệnh lùn xoăn lá giống như bệnh vàng lùn 

Lưu ý: có trường hợp trên một cây lúa đồng thời xuất hiện cả hai triệu chứng bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.

Phòng trừ bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá

Bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá (cũng như bệnh lúa cỏ) gây hại cây lúa cho đến nay là chưa có thuốc đặc trị; vì vậy biện pháp đầu tiên là phòng bệnh, bao gồm: 

Thực hiện triệt để các biện pháp phòng trừ rầy nâu.

Áp dụng các biện pháp canh tác đồng bộ để tạo cây lúa khỏe nhất là giai đoạn trước trỗ để gia tăng sức đề kháng của cây. 

Tiêu hủy nguồn bệnh trên đồng ruộng 

– Giai đọan lúa còn non: nếu ruộng lúa bị nhiễm bệnh nặng (trên 10% số khóm bị bệnh) thì phải tiêu hủy ngay bằng cách cày, bừa cả ruộng để diệt mầm bệnh; trước khi cày vùi phải phun thuốc trừ rầy nâu để tránh phát tán truyền bệnh sang ruộng khác; nếu bị nhiễm nhẹ (rải rác, dưới 10% số khóm bị bệnh) thì phải nhổ bỏ cây bệnh và vùi xuống ruộng, không bỏ tràn lan trên bờ.

– Giai đọan lúa sau sạ 40-50 ngày trở đi: thường xuyên thăm đồng khi phát hiện cần nhổ, vùi bỏ bụi lúa bệnh; đồng thời nếu phát hiện rầy cám có mật số trên 3 con/dảnh thì phải phun thuốc trừ rầy nâu. Nếu ruộng lúa bị nhiễm bệnh quá nặng thì tiêu hủy bằng cách cày, bừa cả ruộng; trước khi cày, bừa phải phun thuốc trừ rầy nâu nếu có rầy trên lúa để tránh phát tán truyền bệnh sang ruộng khác.

(Tổng hợp)