Nguy cơ ‘cháy’ vacxin lở mồm long móng

Một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và cung ứng vacxin lở mồm long móng (LMLM) gia súc lớn ở Việt Nam cho biết: Khoảng vài tuần trở lại đây, các địa phương đặt hàng vacxin rất nhiều, nhưng doanh nghiệp không thể đáp ứng nổi vì vướng mắc nhiều thủ tục theo quy định.

Nhu cầu cực lớn

Ông D, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và cung ứng vacxin thú y lớn của Việt Nam cho biết, theo số liệu mà nhân viên thị trường ở các địa phương báo về, dịch LMLM xảy ra ở nhiều địa phương. Số lượng ổ dịch LMLM trên thực tế chắc chắn là lớn hơn rất nhiều so với số liệu cập nhật của Cục Thú y trên website Cucthuy.gov.vn (thời điểm ngày 25/12, cả nước chỉ có 5 ổ dịch ở huyện Ba Vì, Hà Nội và 1 ổ dịch ở phường Vân Dương, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).

15-14-15_vcxin-2
Do vướng thủ tục kiểm định chất lượng, sản phẩm vacxin nhập khẩu và sản xuất trong nước đều phải chờ thời gian khá lâu mới có thể thông quan/xuất ra thị trường

Mặc dù các địa phương gọi điện về công ty để đặt hàng số lượng rất lớn vacxin, nhưng công ty rất khó cung ứng được bởi vướng mắc các thủ tục pháp lý. Vị lãnh đạo này cho biết, đối với vacxin LMLM nhập khẩu, để thông quan một lô hàng thì bắt buộc phải có phiếu kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc thú y Trung ương (Cục Thú y). Bình thường, quy trình lấy mẫu và kiểm nghiệm vacxin trên lợn phải mất 2 tháng, vì phải tiêm 2 mũi (tương đương 56 ngày). Khi kiểm nghiệm xong, phải tiếp tục chờ thêm khoảng 1 tháng để xử lý số liệu sau đó mới có kết quả chính thức. Trường hợp doanh nghiệp nào đó được thông quan một lô vacxin LMLM trong 60 – 70 ngày là rất hiếm. Còn bình thường phải mất 90 ngày.

Trong khi đó, dịch LMLM có tốc độ lây lan rất khủng khiếp. “Theo như tôi dự đoán, chỉ ít ngày nữa, khi trời xuất hiện mưa phùn gió bấc, thời tiết âm u sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi để virus gây bệnh LMLM lây lan, phát tán rộng hơn nữa. Khả năng năm nay, dịch LMLM sẽ lây lan rộng, ảnh hưởng đến người chăn nuôi rất lớn”, vị lãnh đạo này nói.

Và ở thời điểm cuối năm, việc vận chuyển, lưu thông động vật gia súc thì sẽ tăng cao, người chăn nuôi ở những vùng có dịch thường tẩu tán lợn bị LMLM. Đây là nguồn lây lan chính của dịch bệnh.

Theo ông D, khoảng vài tuần trở lại đây, nhu cầu vacxin LMLM tăng rất ghê gớm là vì công tác tiêm phòng thời điểm trước đó không được thực hiện nghiêm chỉnh. Theo số liệu mà công ty thu thập được, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 75 – 80 triệu liều vacxin LMLM thì may chăng mới đủ để tiêm phòng cho đàn gia súc. Trong khi đó, ở Việt Nam mỗi năm chỉ dùng khoảng 25 triệu liều. Như vậy, tỷ lệ được tiêm phòng vacxin LMLM đang rất thấp. Chính vì thế, khi có dịch bệnh nổ ra, các hộ dân mới nháo nhào đi mua vacxin tiêm phòng. Đối với các trại lợn lớn thì có thể yên tâm hơn vì công tác tiêm phòng tốt.

Còn trong kho nhưng không thể xuất bán

Ông D, cho biết, mặc dù công ty đã đặt hàng triệu liều vacxin từ trước đó, nhưng chắc chắn lô hàng không thể về Việt Nam kịp trong đợt dịch này. Lý do vì thủ tục thông quan quá lâu. Ngoài các loại vacxin nhập khẩu, công ty này cũng đã tự sản xuất vacxin LMLM trong nước (sản phẩm đã được Cục Thú y cho phép lưu hành). Tuy nhiên số lượng sản xuất trong nước rất hạn chế. Và theo quy định hiện hành, trước khi cung ứng ra thị trường, doanh nghiệp sản xuất vacxin trong nước phải gửi mẫu lên Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương để kiểm nghiệm sản phẩm giống như các đơn vị nhập khẩu. Do đó, dù vacxin đã có trong kho nhưng chúng tôi không được phép bán ra thị trường.

“Số liệu công bố các ổ dịch của Cục Thú y chắc chắn sẽ ít hơn rất nhiều so với thực tế. Thực ra, đây là vấn đề rất nhạy cảm, để công bố dịch thì phải có một quá trình bàn bạc thật kỹ”, ông D nói và cho biết thêm – lý do là vì khi xuất hiện thông tin có ổ dịch ở địa phương nào thì người dân ở vùng đó rất khó bán lợn, hoặc có bán được cũng bị thương lái ép giá. Thường thường, các địa phương sẽ không công bố dịch khi xuất hiện một số ổ nhỏ lẻ, họ ỉm đi để bao vây dập dịch. Nhưng khi dịch đã bùng phát ở diện quá lớn, ngoài tầm kiểm soát thì chính quyền địa phương mới công bố thông tin. Rất may là hiện nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy bệnh lở mồm long móng có thể lây từ gia súc có móng chẵn sang người.