Người trồng hoa TT-Huế đứng ngồi không yên

Tết Nguyên đán 2018 đang cận kề, người trồng hoa ở huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) đang tất bật với công việc chăm sóc lại ruộng bị thiệt hại nặng nề trong các đợt lũ vừa qua với hy vọng hoa kịp nở khi xuân về.

12-59-08_phumu1
Hệ thống đèn điện bắt ra tận ruộng giúp sưởi ấm cho hoa tết

Nghề trồng hoa trên địa bàn Phú Vang đã có bước phát triển nhanh và dần trở thành khu vực chuyên canh sản xuất hoa tập trung theo hướng hàng hóa. Theo Phòng NN-PTNT Phú Vang, toàn huyện có hơn 18,6 ha hoa với nhiều loại khác nhau, tập trung ở các xã Phú Mậu (8ha), Phú Dương (5,5ha), Phú Thanh (1,6ha)… Thời tiết năm nay mưa rét kéo dài nhiều ngày liên tục, cộng với những thiệt hại nặng nề từ 2 cơn lũ liên tiếp trong tháng 11 năm 2017 khiến việc trồng hoa tết của người dân gặp nhiều khó khăn.

Xã Phú Mậu là vùng trồng hoa truyền thống lâu năm với nhiều loài hoa và hầu như nhà nào cũng trồng để bán trong dịp tết. Thời điểm này trên các thửa ruộng người nông dân đang hối hả với công việc chăm sóc, nhổ cỏ. Trò chuyện với chúng tôi, người trồng hoa lâu năm ở đây cho biết, nhu cầu của người chơi đều muốn hoa tồn tại lâu ngày mà phải bung cánh đẹp mắt nên việc trồng hoa phải công phu hơn trước. Thời gian qua lũ lụt tàn phá, tình hình thời tiết lại diễn biến phức tạp, lạnh và rét dài ngày nên muốn hoa bung nở vào tết thì cần phương pháp đặc biệt và tốn nhiều công hơn nữa.

Bị thiệt hại gần 30.000 gốc hoa cúc do lũ, chị Nguyễn Thị Bé (44 tuổi, thôn Thanh Tiên) lo lắng nói: “Dù hoa bị chết và thối rễ nhiều nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng làm lại từ đầu bởi trồng hoa là nguồn thu nhập chính của gia đình. Mấy hôm nay tôi phải thức đêm, tăng cường hệ thống đèn chiếu sáng để thúc cho cây sinh trưởng nhanh”.

Theo chị Bé, muốn cây hoa cúc nở đẹp thì ngoài việc chong đèn, phải dùng thanh tre vót mỏng cắm sát gốc và buộc vào thân để cây vươn thẳng và không bị ngã khi tưới nước. Huế cứ mưa lạnh mãi nên việc chăm cần thường xuyên hơn, mấy hôm trời nắng ấm, tất cả gia đình dồn sức làm cỏ, bón phân, cắt tỉa để cho ra những chậu hoa đẹp.

Khác với mọi năm, thay vì trồng những loại hoa dài ngày mang giá trị kinh tế cao như pha lê, kim cương, cúc lớn…, nhiều hộ chuyển sang trồng các loại hoa ngắn ngày như thọ, cúc nhỏ… Ông Hà Văn Phùng (40 tuổi, thôn Tiên Nộn) lý giải: “Do lũ lụt tàn phá cần tết quá khiến những loại hoa dài ngày bị hỏng, xuống giống lại sẽ không kịp, buộc chúng tôi chuyển sang những loại hoa ngắn ngày. Mặc dù rất nỗ lực nhưng do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh cây hoa trong vùng có thể không đạt chất lượng như các năm trước”.

12-59-08_phumu2
Thời tiết mưa lạnh kéo dài khiến người trồng hoa xã Phú Mậu hết sức lo lắng

Cùng chung nỗi lo, lão nông Dương Quang (62 tuổi, xã Phú Mậu) tâm sự: Nếu thuận lợi, mỗi năm chúng tôi có thể thu về được khoảng 15 – 20 triệu đồng/vụ từ trồng hoa. Tuy nhiên gần đây thời tiết thất thường khiến hoa bị sâu bệnh nhiều nên năng suất thấp hơn.

Tại thôn La Ỷ (xã Phú Thượng) cũng không khá hơn là bao, đứng bên vườn hoa hơn 1.000 chậu, chị Lê Nô (37 tuổi) tỏ ra lo lắng: “Nếu thời tiết cứ như thế này, hoa vẫn nở đúng tết nhưng chất lượng còn tùy”.

Ông Nguyễn Văn Trai, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho hay: Hoa ở các xã Phú Mậu sẽ nở kịp tết nhưng chất lượng có thể giảm. Thời gian qua, xã đã tổ chức nhiều buổi tập huấn để đưa ra những phương án, cách thức trồng hoa phù hợp với thời tiết, nhằm giúp đỡ người dân giải quyết những khó khăn, hi vọng năm nay sẽ có một mùa hoa thắng lợi.

Thời gian qua, được sự hỗ trợ của chính quyền, HTX trồng hoa Phú Mậu đã đầu tư công nghệ trồng nhiều giống hoa mới. Các loại hoa mới được bà con đưa vào trồng như lan Mocara (Thái Lan), lily (Hà Lan), tulip (Đài Loan)… mang lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt trong dịp tết cổ truyền. Theo người dân trồng hoa, lan Mocara là loài hoa quý, phù hợp với mô hình khép kín được che phủ bằng hệ thống lưới và ni lông. SX được ứng dụng hệ thống tưới tiêu đa năng. Sau 6 tháng trồng, lan cho lứa hoa đầu tiên với 6-7 hoa/cây.
Theo Nongnghiep.vn