Người Sóc Sơn tận dụng rơm rạ, lõi ngô để trồng nấm sạch

Theo bà Đào Thị Thiện, kỹ thuật trồng nấm quan trọng nhất là khâu vệ sinh trước và sau khi thu hoạch. 

Tháng 7/2010, bà Đào Thị Thiện thành lập Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Nấm Sáng Thiện (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) xuất phát từ ý tưởng cung cấp sản phẩm nấm sạch ra thị trường. Những năm đầu, hợp tác xã tập trung trồng thử nghiệm 3 loại: nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò bởi là những loại nấm được thị trường ưa chuộng.

Theo bà Thiện, khi trồng nấm, điều quan trọng cần quan tâm đến kỹ thuật, nhất là khâu vệ sinh trước và sau khi thu hoạch. Cụ thể, ngoài nhiệt độ và ánh sáng hợp lý, nguồn nước tưới cũng phải bảo đảm sạch sẽ, không nhiễm mặn, nhiễm phèn.

Ngoài ra, người trồng phải liên tục theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của nấm để có các biện pháp xử lý kịp thời. Nếu không đảm bảo các yếu tố trên thì người trồng có nguy cơ thất thu cao.

Mô hình trồng nấm tại hợp tác xã.  Ảnh: vapf.org

Công tác vệ sinh cũng được bà Thiện quan tâm. Bà tiến hành vệ sinh nhà trồng nấm sau khi thu hoạch bằng nước vôi và muối, theo tỷ lệ 1/1. Sau đó, mở hệ thống cửa, phơi nắng nhà trồng và các kệ trong vòng 2 – 3 ngày.

Hợp tác xã luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, nguồn giống được nhập từ Viện Di truyền Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và phân phối thống nhất tới các xã viên. Nguyên liệu tạo phôi từ rơm, rạ, lõi ngô, mùn cưa phải được khử trùng bằng vôi bột. Nấm sau thu hoạch được bảo quản và đóng gói khép kín.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm khi tiêu thụ ra thị trường, hợp tác xã đã đầu tư 200 triệu đồng mua một lò hấp thanh trùng, lò sấy nấm và tủ hấp bảo ôn, giúp tiêu thụ được nấm tươi, bán nấm khô ra thị trường. Trung bình, hợp tác xã xuất ra thị trường khoảng 75 tấn nấm mỗi năm, lợi nhuận khoảng 800 triệu đồng.

Nhiều năm qua, mô hình trồng nấm của hợp tác xã Sáng Thiện giúp các thành viên phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường địa phương bởi trồng nấm đã tận dụng được tối đa nguồn rơm sau vụ thu hoạch lúa của bà con nông dân.

Trước đây, khi nghề trồng nấm trên địa bàn chưa phát triển, hầu hết rơm, rạ sau thu hoạch rải rác trên đường làng gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ ngày trồng nấm, hợp tác xã đã thu toàn bộ nguồn rơm, rạ. Ngoài ra, mùn cưa,

Sau khi nấm hết kỳ thu hoạch, các nguyên liệu trong bịch trồng lại được đem tận dụng trồng rau, ngô, cải thiện chất lượng đất trồng.

Nấm bào ngư đang là nông sản giúp nhiều nông dân thoát nghèo. Ảnh: Bizmedia

Hiện nay, ngoài nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, hợp tác xã đã mở rộng sang sản xuất nấm linh chi, nấm kim châm, nấm bào ngư. Các sản phẩm của hợp tác xã đã trở thành mặt hàng quen thuộc tại các chợ, siêu thị trên địa bàn huyện  Sóc Sơn, Đông Anh và trung tâm Hà Nội.