Người nuôi cá tra lao đao

Theo các hộ nuôi cá tra ĐBSCL, chưa khi nào việc tiêu thụ cá thương phẩm lại khó khăn như hiện nay, khiến giá cá sụt giảm sâu. Không chỉ người nuôi, các doanh nghiệp sản xuất cá tra cũng gặp nhiều bất lợi.

An Giang là địa phương có vùng nuôi cá tra khá lớn tại ĐBSCL, hiện các hộ nuôi cá tại đây đang phải loay hoay tìm kiếm đầu ra cho đàn cá đã đến kỳ xuất bán. Ông Nguyễn Văn Tấn, ở xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, cho biết ông vừa bán hơn 260 tấn cá tra cho nhà máy thu mua với giá 18.300 đồng/kg, tính ra thua lỗ hơn 1,3 tỷ đồng.

Tại tỉnh Hậu Giang, diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh hiện tại là 28,7 ha, tập trung chủ yếu ở thành phố Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp; hai tháng qua, người nuôi cá tra đã thu hoạch 620 tấn bán cho thương lái đều dưới giá thành sản xuất.

Ảnh minh họa

Thị trường tiêu thụ cá tra gặp khó đã khiến việc nuôi cá của người dân càng bí bách, bởi cá không bán được kéo theo chi phí cũng tăng cao, do cá quá lứa tiêu thụ thức ăn nhiều hơn. Tình trạng này không chỉ diễn ra đối với các hộ nuôi cá đơn lẻ, mà với cả các HTX hay doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX Sản xuất, Dịch vụ thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết, hiện tại, nếu cá đẹp doanh nghiệp mua với giá 18.500 – 19.000 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi không dưới 22.000 đồng/kg; tuy nhiên đa phần không trả tiền mặt, mà nợ vài tháng. Như vậy, người nuôi thiệt trăm bề…

Không chỉ “tắc” thị trường, người nuôi cá tra còn đang phải khắc phục xâm nhập mặn tấn công. Tại Bến Tre, nước mặn tấn công làm 22 ha nuôi cá tra ở xã Thạnh Phú Đông (huyện Giồng Trôm) bị thiệt hại 3 – 4%; 214 ha cá tra ở huyện Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm bị ảnh hưởng.

Trước những khó khăn đang bủa vây ngành cá tra như hiện nay, người nuôi và doanh nghiệp kiến nghị, ngoài các giải pháp về thị trường thì ngành chức năng cần triển khai ngay việc xem xét giảm thuế, miễn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra; đơn giản các thủ tục hành chính, không áp dụng kiểm tra hoạt động thời điểm này; nhất là kéo giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội… Cùng đó, các ngân hàng nghiên cứu giảm nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp xuất khẩu