Người dân các vựa chuối Hải Dương và Hải Phòng rộn rã vào vụ Tết

Trồng chuối vào đầu năm để thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán là mô hình đang trở nên phổ biến, bởi dịp này nhu cầu mua chuối tăng rất cao. Chính vì vậy, người dân các địa phương như Hải Phòng, Hải Dương đã được các thương lái đặt tiền mua chuối, trung bình là 400.000 đồng/buồng.

Chuối là sản vật không thể thiếu trên mâm ngũ quả ngày tết ở mỗi gia đình. Đó là lý do người dân trồng chuối ở các vựa chuối Hải Phòng và Hải Dương luôn trúng đậm mỗi vụ Tết.

Nhưng để chuối cho thu hoạch vào đúng dịp tết, quả thơm ngon, mẫu mã đẹp, cần sự tính toán, khéo léo của người trồng. Và nông dân trồng chuối mỗi nơi lại có những bí quyết riêng, bởi đồng đất, khí hậu mỗi nơi mỗi khác. Nhiều nông dân chọn trồng giống chuối tiêu hồng (hay còn gọi là chuối lùn) để bán dịp Tết.

Năm nào cũng vậy, cứ đến giáp Tết Nguyên đán, cả huyện Kinh Môn (Hải Dương) và huyện An Dương, Tiên Lãng Hải Phòng) lại râm ran tiếng cười nói của người dân, của thương lái trên những ruộng chuối xanh mướt vào vụ thu hoạch. Năm nay cũng vậy, nông dân trong thôn có một vụ chuối được mùa, kịp phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán đang cận kề.

Ông Nguyễn Đức Điển (53 tuổi), người có vườn chuối tại thôn Đồng Hải, xã An Hưng, Huyện An Dương cho biết, năm nay vườn nhà ông có khoảng 600 buồng. Đa số các buồng chuối đến độ này đều căng quả, đều nải, tầm hơn 1 tuần nữa là đúng độ đẹp nhất của buồng chuối để hạ bán dịp Tết.

Những buồng chuối to, đẹp đang được khách tìm đến đặt mua tại vườn với giá cao.Những buồng chuối to, đẹp đang được khách tìm đến đặt mua tại vườn với giá cao.

Theo ông Điển, mặc dù chưa đến những ngày cận tết nhưng các thương lái và người dân đã bắt đầu đến nhà vườn nhà ông để đặt chuối, chờ đến ngày là chặt xuống mang về. Giá thấp nhất của 1 buồng là 400.000 đồng, cao nhất sẽ là 600.000 đồng/buồng.

Đi trong vườn chuối được trồng với mật độ tương đối cao (mỗi cây cách nhau hơn 2m) nhưng vẫn thấy thoáng đãng, sạch sẽ, bởi chủ nhân luôn chú ý làm cỏ và cắt tỉa lá chuối già, bệnh. Tất cả các buồng chuối đều đã được cắt bỏ bắp (hoa chuối) và bọc bằng túi nilon.

Những mầm chuối được để lại chọn làm giống cho vụ tiếp theo.Những cây chuối nhỏ được để lại chọn làm giống cho vụ tiếp theo.

“Để cho ra thị trường 1 buồng chuối đẹp, lại bán đúng dịp tết là cả một quá trình dày công chăm sóc. Từ ngày bắt đầu trồng cây đến việc chăm sóc, bọc túi nilong để tránh sương muối, chuột cắn. Ngoài ra khi sắp đến ngày thu gia đình tôi cũng phải thắp điện cả đêm để 2 vợ chồng thay nhau trông trộm” – ông Điển nói.

Chị Phạm Thị Lý (thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận, huyện Kinh Môn) đang mải miết buộc lại những tấm áo nilon cho các buồng chuối cho biết, năm nay vườn chuối nhà chị trồng 200 buồng, đã có thương lái về vườn trả chị 450.000 đồng/buồng, nhưng chị chưa đồng ý bán.

Khi trúng vụ, những vườn chuối này sẽ cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng.Khi trúng vụ, những vườn chuối này sẽ cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng.

“Vụ chuối năm ngoái, tôi thu được 100 triệu đồng/vụ chuối Tết. Thời điểm này tôi chưa muốn bán, vì các buồng năm nay căng qủa, to và đều, đẹp mắt hơn năm ngoái. Tôi đợi người khác trả cao hơn, hoặc sẽ bán xé lẻ ra nhiều chợ ở Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội bán, vì đã có mối quen sẵn từ các mùa vụ trước” – chị Lý cho hay.

Được biết, để có giống cây tốt trồng từ vụ trước sang vụ sau, mỗi cây mẹ thường sinh ra 5-10 chồi, người dân thường chọn 3 chồi khỏe nhất, mập mạp, màu sắc sáng đẹp (có màu hồng) để lại làm giống. Tháng 3 âm lịch, người dân bắt đầu trồng một loạt để kịp thu hoạch.