Người dân Bến Tre lo sợ tái diễn hạn mặn lịch sử 2016, hàng nghìn héc-ta lúa trở thành thức ăn cho dê, bò

Hiện nay, nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng tại huyện Ba Tri (Bến Tre), độ mặn đạt xấp xỉ đạt gần mức năm hạn mặn lịch sử năm 2016. Hiện người dân lo lắng sẽ tái diễn hạn mặn giống đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Ba Tri, gần 4.500 ha lúa Đông Xuân gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Ba Tri cũng chịu thiệt hại nặng nề, phần lớn đều đã bị nhiễm mặn; trong đó có tới hơn 15% diện tích bị chết, diện tích còn lại không phát triển do nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Ông Nguyễn Văn Đức, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri cho biết, 7.000m2 lúa của gia đình đang vào giai đoạn đẻ nhánh nhưng đang bị nhiễm mặn làm cho cây lúa có dấu hiệu ngừng sinh trưởng, lá lúa bị ngả màu vàng (cháy lá).

Người dân Bến Tre lo sợ tái diễn hạn mặn lịch sử 2016, hàng nghìn héc-ta lúa trở thành thức ăn cho dê, bò - Ảnh 1.

Hàng ngàn héc-ta lúa đông xuân không thể phát triển do hạn mặn kéo dài.

Theo ông Đức, ngành chức năng khuyến cáo không gieo sạ nhưng do tiếc đất bị bỏ trống nên ông gieo sạ lúa với hy vọng nước mặn sẽ không cao vì ông sử dụng giống lúa chịu mặn. Dù vậy, hiện tại nước trên ruộng độ mặn đã hơn 3,5 phần nghìn. Nước ngoài kênh cũng nhiễm mặn xấp xỉ 3 phần nghìn. Do đó, càng bơm nước lên ruộng độ mặn trên ruộng sẽ tăng dần do thời tiết nắng nóng. Ông Đức đã xả nước ra khỏi ruộng (tránh tích tụ mặn trong đất) chịu thiệt hại để đất làm vụ tới.

Theo ông Đức, để ứng phó hạn mặn, ông bị tích trữ nước ngọt sinh hoạt tại các ống hồ, lu chứa nước. Bên cạnh đó, ông cho trữ nước tại các ao trong vườn để có nước ngọt cho đàn vật nuôi uống trong đợt mặn, nhưng hiện nay độ mặn tăng, ông lo sợ hạn mặn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến đời sống.

Người dân Bến Tre lo sợ tái diễn hạn mặn lịch sử 2016, hàng nghìn héc-ta lúa trở thành thức ăn cho dê, bò - Ảnh 2.

Xâm nhập mặn khiến cây lúa không thể phát triển, người trồng lúa buộc phải cắt bỏ để làm thức ăn cho gia súc.

Ông Nguyễn Văn Lân, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri cho hay, 4.000m2 đất lúa gần hai tháng tuổi của gia đình ông bị nhiễm mặn không phát triển nên ông Lân cắt lúa về cho dê, bò ăn.

Ông Lân lí giải, thấy người ta sạ nên ông Lân sạ theo, nếu nước không bị mặn thì thu hoạch lúa bình thường, còn nhận thấy nước mặn ảnh hưởng phát triển lúa ông Lân sẽ cắt cho dê, bò ăn, vì hiện nay nguồn cỏ để cho 100 con dê và 4 con bò ăn đang thiếu do hạn mặn cỏ chậm phát triển.

“Biết là có thể tận dụng lúa xanh thay thế cỏ cho dê, bò ăn nhưng vụ sau do ảnh hưởng nước mặn thì năng suất sẽ giảm rất nhiều nhưng đành phải đánh đổi”, ông Lân lo lắng.

Hiện nay các kênh rạch nội đồng tại huyện Ba Tri điều bị mặn xâm nhập từ 1,8 – 3 phần nghìn. Đặc biệt, hồ Kênh Lấp đang bị nhiễm mặn, độ mặn do được 1,5 phần nghìn. Hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất miền Tây, dài gần 5km, rộng 40-100m. Hồ có sức chứa gần 1 triệu m3 nước, đủ sức phục vụ sinh hoạt cho khoảng 200.000 người tại 24 xã, thị trấn trên địa bàn.

Người dân Bến Tre lo sợ tái diễn hạn mặn lịch sử 2016, hàng nghìn héc-ta lúa trở thành thức ăn cho dê, bò - Ảnh 3.

Độ mặn lên đến 1,8 – 3 phần nghìn.

Ông Nguyễn Đình Dũng, quản lý nhà máy nước hồ Kênh Lấp cho biết, do đang cao điểm mùa hạn mặn nên trữ lượng nước hồ giảm phân nửa, chỉ còn khoảng 500.000m3 nước. Bình quân, mỗi ngày nhà máy cấp khoảng 2.000m3 nước để cung cấp cho người dân và hòa mạng với nhà máy nước Tân Mỹ, làm giảm độ mặn từ nhà máy nước Tân Mỹ khi cung cấp cho người dân.

Ông Dũng cho hay, theo tiêu chuẩn nước không đạt do nhiễm mặn nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản của người dân, lượng nước hồ sẽ cung cấp đủ qua mùa mặn.

Huyện Ba Tri có 12.000 ha đất trồng lúa ba vụ cùng đàn bò 100.000 con, lớn nhất tỉnh Bến Tre. Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, Ba Tri có trên 8.000 ha lúa bị thiệt hại, chiếm khoảng 80% diện tích vụ đông xuân. Cùng với đó, tình trạng khan hiếm nước ngọt để sinh hoạt, chăn nuôi.

Người dân Bến Tre lo sợ tái diễn hạn mặn lịch sử 2016, hàng nghìn héc-ta lúa trở thành thức ăn cho dê, bò - Ảnh 4.

Xâm nhập mặn kéo dai, người dân buộc phải cắt lúa về làm thức ăn cho gia súc.

Theo ông Dương Văn Chương, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri, so với năm 2016, tình hình hạn mặn trên địa bàn đang diễn ra phức tạp. Ngoài trồng trọt (sản xuất lúa), chăn nuôi cũng sẽ gặp khó khăn nếu tình trạng hạn mặn kéo dài.

Ông Chương cho biết, người dân đã chủ động các phương án ứng phó với hạn mặn so với các năm trước đây. Ngoài ra, ngành chức năng đã kêu gọi người dân trữ nước mưa nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi.

Nhiều mô hình hộ dân tổ chức trữ nước hiệu quả được nhân rộng, nhưng nếu tình trạng hạn mặn năm nay kéo dài, lo lắng lượng nước dự trữ sẽ bị thiếu hụt. Do đó, huyện có phương án chuyển nước ngọt từ nơi khác về để cung cấp cho hộ dân nếu tình trạng hạn mặn kéo dài.

Đối với tình trạng nhiễm mặn của hồ Kênh Lấp ảnh hưởng đời sống người dân, ông Chương cho hay, đây là điều không mong muốn của địa phương. Do hồ mới đưa vào sử dụng không lâu, ngành chức năng đã tiến hành rửa mặn nhưng chỉ mới có thể rửa được nước lớp mặt, nước mặn ở tầng đáy tích tụ từ nhiều năm trước vẫn còn. Do đó, huyện có kiến nghị với đơn vị quản lý khai thác hồ Kênh Lấp, có phương án rửa mặn phù hợp để thời gian tới sẽ trữ được nước ngọt cung cấp cho người dân.