Người bệnh binh làm kinh tế giỏi

Trở về cuộc sống đời thường khi đã bị suy giảm khả năng lao động tới 51%, lại mang trên mình di chứng chất độc da cam, nhưng với quyết tâm chiến thắng hoàn cảnh, bệnh tật và cuộc sống khó khăn, bệnh binh Khương Hữu Niên, xã Đông Tân (TP Thanh Hóa) đã trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế.

Mô hình kinh tế của bác Khương Hữu Niên, xã Đông Tân cho hiệu quả cao

Năm 1966, chàng trai Khương Hữu Niên lên đường nhập ngũ vào đơn vị huấn luyện ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Sau 2 tháng huấn luyện, cả đơn vị được lệnh hành quân vào chiến trường Gio Linh, Cam Lộ (Quảng Trị) để chiến đấu. Khi cuộc chiến tranh của dân tộc giành thắng lợi, anh rời quân ngũ trở về với chiếc ba lô cũ, vài bộ quần áo bạc màu và cơ thể bị nhiễm chất độc hóa học.

Gặp bác, nghe bác kể chuyện, tôi mới hiểu sự khởi nghiệp, dấn thân làm kinh tế của một người lính thật gian truân, vất vả. Đầu tiên, bác tham gia HTX nhưng đời sống không cải thiện được là bao, bác quyết định đứng ra thành lập tổ mộc cùng một vài người nhưng cũng chẳng ăn thua. Rồi bác chuyển sang buôn sắn, buôn khoai, chè xanh kiếm sống qua ngày. Chỉ 2 bàn tay trắng, làm gì để thay đổi cuộc sống gia đình luôn là điều bác trăn trở. Nghĩ mãi rồi cũng ra được ý tưởng, năm 1984, bác đặt vấn đề với UBND xã nhận thầu 13.800m2 đất để làm kinh tế. Vùng đất trũng, chỉ có cỏ hoang mọc là chính nên bắt tay vào làm bác gặp không ít khó khăn, gia đình không đồng ý cho làm nhưng bác vẫn quyết tâm thực hiện. Thời kỳ này, do thiếu lương thực nên bác tập trung vào cấy lúa và thả cá. Theo thời gian, bác san lấp quy hoạch thành khu trồng cây ăn quả, khu đào ao thả cá, khu chăn nuôi vịt, gà, trâu bò… Đất không phụ công người, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình bác đã cho quả ngọt.

Với kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được từ thực tiễn cùng công sức và đôi bàn tay lao động bền bỉ suốt nhiều năm qua, bệnh binh Khương Hữu Niên đã biến vùng đất hoang hóa thành một vùng đất màu mỡ, trù phú, được nhiều người biết đến. Chia sẻ về bí quyết thành công của mình, bác Niên cho biết: “Xác định, trồng cây ăn quả rủi ro thấp, đầu tư ít nhưng hiệu quả lại cao nên tôi ngày càng nhân rộng. Trong vườn cây ăn quả, tôi trồng nhiều loại nhưng bưởi Diễn vẫn là cây chủ lực vì cho hiệu quả kinh tế cao nhất, tiếp đến là cây cau, rồi mới đến các cây trồng khác. Trong chăn nuôi, ngoài trâu, bò, gà, chim, tôi nuôi số lượng lớn vịt lấy thịt, cao điểm nhất khoảng 1.200 con vịt thịt và 800 con vịt đẻ trứng. Thời kỳ đầu người dân nuôi ít thì tôi nuôi nhiều, khi người dân nuôi nhiều tôi chuyển sang nuôi vịt đẻ trứng nên không bao giờ bị thua lỗ”. Hiện nay, vườn cây ăn quả của gia đình bác có hơn 200 gốc bưởi, hơn 200 gốc cau cùng nhiều gốc nhãn và khế ngọt. Ngoài ra, với gần 7.500m2 ao, hàng năm bác thu hoạch khoảng 5 tấn cá các loại. Nhẩm tính mỗi năm, trừ mọi chi phí, bác thu lãi 120 triệu đồng.

Dù đã đi qua 2/3 đời người nhưng phẩm chất của người lính Cụ Hồ vẫn luôn sống mãi trong lòng cựu chiến binh Khương Hữu Niên. Vì thế, ngoài phát triển kinh tế, bác tích cực tham gia đóng góp ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Vì người nghèo”, giúp đỡ đồng đội khó khăn và con em đồng đội… Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ dám nghĩ, dám làm, bác Khương Hữu Niên không chỉ thoát nghèo mà còn có của ăn của để. Với bác, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng không chỉ là đòi hỏi của cuộc sống, mà còn là danh dự, phẩm chất của người lính Cụ Hồ trên mặt trận mới.