Ngược xuôi mua gà đen đặc sản

Gà đen – Loại gà đặc sản, nổi tiếng thịt thơm ngon, bổ dưỡng của người dân tộc Mông trên miền Tây xứ Nghệ. Đây là loại gà đặc trưng ở đây, người dân tộc Mông gọi là cay đu, còn người Thái gọi là cày đắm. Những ngày cuối năm này, các phiên chợ vùng biên rất nhộn nhịp với các đặc sản vùng cao, trong đó không thể thiếu được mặt hàng gà đen đặc sản này. 

Mỗi khi có dịp lên miền rẻo cao Nghệ An, bao giờ người dưới xuôi cũng được đồng bào nhận làm khách qúy. Trong bữa rượu “thăm” hiếm khi thiếu món cá mát suối, bò giàng,… và đặc biệt là gà đen. Gà đen là cách gọi thông thường để chỉ gà của người Mông.

Gọi là gà Mông nhưng không chỉ người Mông nuôi mà người Khơ Mú, Thái, Ơ đu, Kinh,… bây giờ cũng đã nuôi. Nhưng, điều đặc biệt là giống gà qúy này chỉ nuôi ở vùng núi cao thì mới đúng là món… “đặc sản” được. 

ga.1.jpg
Người rẻo cao xuống chợ.

Lâu lâu, người rẻo cao mới xuống chợ một lần, nhiều nhất là vào dịp trước Tết. Ở những vùng như: Nậm Cắn, Na Ngoi, Mường Ải, Mường Lống, Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn); Tri Lễ, Nậm Giải (huyện Quế Phong), Tam Hợp, Lưu Kiền, Xiềng Líp (huyện Tương Dương)… mỗi lần xuống chợ là cả một hành trình khám phá. Trong đoàn người xuống chợ luôn có một vài con chó đi theo “tháp tùng”.

Các bà mẹ gùi các sản vật của bản như: khoai sọ, măng, mặc khẻn..; các ông bố “bế” theo những con lợn nít (một loại heo của đồng bào), còn những đứa trẻ lớn hơn thì cõng theo em nhỏ,… cứ thế “hành quân” từ khi gà chưa gáy sáng để xuống chợ. Và đặc biệt, trong những lần người rẻo cao xuống chợ, trên tay luôn ôm theo những con gà đen.

ga.2.jpg
ga.3.jpg
Ngoài các sản vật như: khoai sọ, măng rừng,… thì gà đen là sản vật đắt giá nhất được người Mông, Khơ Mú đem xuống bán.

Những sản vật này, chính là thứ người rẻo cao đem xuống bán để mua nhu yếu phẩm như: muối, bật lửa, nước mắm, dầu ăn,… cho gia đình. Vào dịp trước Tết thì người Mông mang gà đen xuống xuống chợ bán nhiều nhất.

Và đây cũng là dịp giá gà đen cao nhất, nhưng cung không đủ cầu. Thương lái, rồi người dưới xuôi lên miền núi công tác lùng mua, nhưng không phải khi nào cũng có. Nếu như bình thường giá gà giao động từ 150.000đ-180.000đ/ 1kg thì dịp Tết giá thấp nhất là 200.000đ cho đến 220.000/ 1kg.

ga.5.jpg
ga.4.jpg
Niềm vui mỗi lần mang gà xuống chợ bán.

Ông Xồng Như Vừ, nguyên Chủ tịch MTTQ xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) cho hay, Na Ngoi có 18 bản thì có 16 bản người Mông. Người Mông sống trên lưng chừng núi Puxailaileng (ngọn núi cao thứ 2 Việt Nam sau Phanxipăng) nên những con gà “ở với người Mông” thì chỉ người Mông mới có. Gà đen hay gà Mông là theo cách gọi của người xuôi.

Còn người Mông nhà ông gọi gà đen là cay đu, người Thái gọi là cày đắm. Đặc điểm của gà đen (chưa lai tạp) là thân hình gà to, mào của con trống luôn dựng lên rực rỡ, màu lông đen có lẫn hoa trắng, đen tuyền hoặc xám,… và khi làm thịt ra thì thịt gà có màu đen, xương đen, lòng đen.

ga.6.jpg
Những đứa trẻ háo hức theo mẹ xuống chợ.

 

Vì thế mà ngoài làm thực phẩm người Mông còn nấu cao gà làm thuốc. Những năm gần đây, nhiều người dưới xuôi đã tìm lên mua gà Mông về nuôi. Tuy nhiên, việc đưa gà đen xuống dưới xuôi để nuôi rất khó thành công.

Ông Vừ bảo, có một số trang trại ngay tại Kỳ Sơn, Tương Dương đã nuôi thành công gà đen. Nhưng, thực chất, đây chỉ là gà đen đã lai tạp, gà đen nhưng không còn “nguyên con” là gà của người Mông nữa. “Con gà của người Mông ta ngon vì hắn “ở với người Mông” trên núi cao, quanh năm mây phủ, ăn sâu rừng, lá rừng, đậu cành cây rừng,…”, ông Vừ quả quyết.

ga.7.jpg
Những con gà được người dưới xuôi mua ngay trên đường xuống chợ.

 

Ông Lữ Văn Cương – Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ (huyện Quế Phong) cho biết, ngoài cây đào Mông thì xã cũng đang muốn phát triển, nhân rộng gà đen của người Mông, nhưng đang gặp khó khăn. Ngay tại xã này, cũng đã từng có chương trình đưa gà Mông xuống vùng thấp hơn để nuôi, nhưng không thành công.

Nếu đích thực là gà Mông, chưa lai tạp, thì chúng sẽ không chịu được điều kiện khí hậu dưới thấp nên sẽ chết dần, nếu sống cũng ốm yếu, bệnh tật. Để thích ứng, một số nơi đã cho lai gà đen với một số giống gà dưới xuôi, nhưng khi ấy gà đã bớt ngon đi rất nhiều, tuy vẫn còn được xem là đặc sản.

ga.9.JPG
ga.8.JPG
Trong các mâm cơm lễ, Tết của người vùng rẻo cao xứ Nghệ không bao giờ thiếu gà bản, cá suối.

Ngay cả việc, một số hộ người Mông cho gà đen ăn cám tăng trọng để nhanh lớn đã khiến thịt không còn được thơm ngon như “nguyên bản” nữa. Tại Tri Lễ, một xã đặc thù vùng cao, nhưng gà đen cũng chỉ được nuôi ở các bản người Mông như: Pà Khốm, Huồi Mới, bản Cắm, bản Đôm,…

Người dưới xuôi thường mua gà đen về chế biến cầu kỳ hoặc hầm với thuốc Bắc để bồi bổ sức khỏe, nhưng với người miền rẻo cao xứ Nghệ thì gà đen được chế biến đơn giản nhưng có cái ngon riêng. Trên các mâm cơm dâng lên thần linh tiên tổ trong các dịp lễ, Tết không bao giờ thiếu nếp nương, cá suối,… và nhất là gà đen. Trong các bữa đón khách quý “thăm” rượu rất hiếm khi thiếu gà đen.

Người Mông chế biến gà đen khá đơn giản, chỉ có luộc lên rồi chấm với muối và quả mắc khén (một loại tiêu rừng), còn người Thái có thêm món gà nấu xáo với gừng (nấu có nước, như một loại canh nhưng vị đậm đà hơn). Nhưng đặc biệt là, mỗi lần làm gà đen người Mông đều chế biến tiết canh, ăn rất lạ. “Vào bản thăm người Thái, được người Thái xuống suối bắt cá. Lên với bản Mông, được người Mông mời gà đen thì thật là khách quý rồi, chum rượu bày ra cần rượu trao nhau rồi”, ông Cương chia sẻ.

(tổng hợp)