Nghịch lý lợn hơi giảm giá, người dân vẫn hứng chịu giá lợn tăng cao?

Mặc dù Chính phủ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương dùng nhiều biện pháp giảm giá lợn hơi, nhưng giá thịt lợn bán tại các chợ và siêu thị vẫn đắt.

Thịt lợn vẫn đắt khoảng 20.000-40.000 đồng/kg

Sáng 31.3.2020, có mặt tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm…, khảo sát cho thấy giá thịt lợn vẫn ở mức cao. Thịt nạc vai: 160.000 đồng/kg, sườn non bỏ cục: 180.000 đồng/kg, thịt sấn: 150.000 đồng/kg, mỡ: 100.000 đồng/kg, tim: 250.000 đồng/kg…

Mua 6 lạng nạc vai đầu giòn, chị Lê Thanh Bình (Tổ 7 Cầu Giấy, Hà Nội) ngạc nhiên khi bị tính giá 110.000 đồng. “Giá này tương đương 180.000 đồng/kg. Tại sao giá thịt lợn giảm nhưng giá bán lẻ vẫn đắt?”- chị Bình thắc mắc thì được giải thích: Giá thịt lợn tại các chợ đầu mối hoặc tại các lò mổ vẫn không giảm.

Trả lời câu hỏi của PV tại sao giá lợn hơi của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như C.P, Dabaco… đã giảm xuống mức 74.000-75.000 đồng/kg, nhưng giá thịt tại chợ vẫn quá đắt? Chị Trần Thị Hồng (bán thịt lợn tại chợ Nghĩa Tân, Hà Nội), giải thích: Giá 75.000 đồng/kg là lợn loại 3, thường được vận chuyển đi bán tại các tỉnh. Lợn hơi loại 1 bán ở Hà Nội vẫn có mức giá 82.000-83.000 đồng/kg, nếu bắt lợn hơi nuôi lẻ trong dân thì phải mua giá 85.000-86.000 đồng/kg.

“Chúng tôi mua lợn mảnh (lợn móc hàm, đã cạo lông, bỏ lòng, huyết…- PV) cũng lên tới 115.000 đồng/kg. Nếu mua loại thấp hơn, lượng mỡ rất nhiều chỉ hợp bán ở nông thôn, không thể bán tại các chợ Hà Nội” – chị Trần Thị Hồng cho biết.

Anh Đinh Hồng Lâm (tổ 83 Lê Lợi, TP.Vinh, Nghệ An), cũng cho biết sáng 31.3.2020, anh mua thịt lợn tại chợ Quang Trung với mức 130.000 đồng/kg (thịt sấn). “Đây là mức giá bằng giá cách đây 1 tháng”- anh Lâm nói.

Cần đưa thịt lợn vào danh mục hàng bình ổn

Nhiều tiểu thương bán thịt lợn cho hay, khi giá lợn hơi ở các doanh nghiệp bán ra tăng hay giảm, đều có “độ trễ” khoảng 2 -3 ngày.

“Sau khi các doanh nghiệp giảm giá, gần 1 tuần sau, giá lợn móc hàm tại các lò mổ mới bắt đầu giảm nhẹ 1.000-2.000 đồng/kg, nhưng vẫn ở mức 1150.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ giảm đối với đại lý cấp 1, còn người mua lợn để mổ bán như chúng tôi vẫn phải mua giá cao” – anh Nguyễn Quân (Mê Linh, Hà Nội) cho biết.

Theo ý kiến của 1 thành viên thuộc Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá thịt lợn bán ra thị trường thường được tính giá hơi cộng thêm 15.000 đồng. Ví dụ, lợn hơi ở mức 75.000 đồng, thì giá thịt bán ra chỉ khoảng 90.000 đồng/kg là hợp lý. Như vậy, giá thịt lợn bán tại các chợ dao động từ 140.000-170.000 đồng là quá cao (cao hơn mức bán có lãi khoảng 20.000-40.000 đồng/kg tùy loại).

Chưa kể, giá thịt lợn bán tại các siêu thị còn cao hơn chợ truyền thống khoảng 10-20% dù “mua tận gốc, bán tận ngọn” là điều rất vô lý.

Nhiều lần PV đã đặt câu hỏi vì sao lực lượng quản lý thị trường không kiểm tra, giám sát và xử lý tình trạng thịt lợn được bán với giá quá, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – ông Trần Duy Đông, cho biết: Bởi thịt lợn không thuộc mặt hàng chịu quản lý theo Luật Giá, mà được điều tiết theo nhu cầu thị trường.

Thiết nghĩ, từ những bất cập nêu trên, việc đưa mặt hàng thịt lợn vào diện hàng bình ổn giá để có cơ chế điều chỉnh giá, dự trữ quốc gia…,  nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng đến đời sống người dân, là hết sức cần thiết.

Bởi trong nhiều năm qua, mặt hàng thịt lợn thường xuyên có biến động lớn, lúc giá hạ phải “giải cứu”, lúc lại cần phải kêu gọi hạ giá và chịu sự “chi phối” của các thương lái.