Ngành thủy sản chủ động đón EVFTA

Dự kiến từ tháng 8 tới Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức đi vào thực thi. Đây được xem là cơ hội để ngành thủy sản bứt phá, tuy nhiên, nếu muốn nắm bắt thời cơ, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để phù hợp luật chơi.

Cơ hội rộng mở

EVFTA là hiệp định có mức cam kết cao nhất dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết, với hơn 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong lộ trình từ 7 – 10 năm; trong đó, nhiều mặt hàng nông sản nước ta có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu như gạo, thủy sản, cà phê, ca cao… được cắt giảm ngay hoặc trong lộ trình ngắn.

Với dân số trên 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỷ USD, EVFTA có hiệu lực, tạo điều kiện giúp nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tiếp cận thị trường tiềm năng EU. Trong ASEAN, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang EU và sẽ nhận được nhiều lợi ích từ EVFTA so với các hiệp định thương mại khác đã tham gia. Hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này hiện mới chỉ chiếm khoảng 2% tổng nhập khẩu của EU.

Bên cạnh đó, EU vẫn là thị trường có yêu cầu hàng rào kỹ thuật cao về kiểm dịch động, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; chống khai thác IUU; khai báo nguồn gốc gỗ hợp pháp; tiêu chuẩn bền vững về môi trường… Hiện tại, các mặt hàng gạo, cà phê, hạt điều, thủy sản, đồ gỗ… sẽ có cơ hội lớn tăng thị phần tại thị trường khó tính này. EVFTA được thực thi ngay trong giai đoạn Việt Nam nỗ lực phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19 thực sự là cơ hội vàng, cú hích lớn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đặc biệt với các sản phẩm thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh như thủy sản, rau quả, gạo, điều, cà phê, tiêu và các sản phẩm đồ gỗ. Một cơ hội khác đó là tăng cường hoạt động đầu tư từ EU vào Việt Nam đi kèm với chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng quản lý, lao động. Điều này sẽ giúp tăng trưởng sản lượng, chất lượng nông, lâm, sản nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của EU.

Thay đổi để tiến xa

Được nhận định là một thị trường tiềm năng và là sân chơi lớn cho sản phẩm nông sản, các cấp, ngành đã thể hiện rõ quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cơ hội xuất khẩu nhóm hàng này.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp, hỗ trợ các địa phương thúc đẩy việc xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng và ATTP; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu. Ngành nông nghiệp cũng sẽ xây dựng hai chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU và thu hút đầu tư FDI từ EU vào nông nghiệp Việt Nam, để gắn nông nghiệp Việt Nam với chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu, tận dụng tốt nhất lợi thế của hai bên trong quan hệ thương mại và đầu tư.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cơ hội thị trường mà EVFTA mang lại là rất lớn, nhưng đây không phải là chìa khóa vạn năng giúp nông, lâm, thủy sản Việt Nam ồ ạt xuất khẩu vào EU mà chỉ tạo điều kiện để hàng hóa có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm thuế, giảm giá thành so với trước khi có hiệp định. Muốn tận dụng được ưu đãi về thuế, hàng hóa, nông sản phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về nguồn gốc sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng, ATTP, tiêu chuẩn phát triển bền vững về lao động, môi trường… Theo đó, Bộ sẽ tập trung tăng cường phổ biến quy định kỹ thuật trong thương mại nông, lâm, thủy sản để định hướng người dân, doanh nghiệp, địa phương kịp thời nắm bắt, điều chỉnh sản xuất, kinh doanh đáp ứng theo yêu cầu của thị trường. Đồng thời, tổ chức nâng cao chất lượng sản phẩm theo các quy định quốc tế, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của thị trường EU.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, vấn đề đàm phán về kiểm dịch động, thực vật hiện vẫn đang là bài toán cho các nước khi mở cửa thị trường hàng hóa nông, thủy sản. Ngành nông nghiệp cần phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, tăng giám sát từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.