Mưa lớn, trắng tay vùng nông nghiệp đất bãi ngoài đê sông Hồng

Có lẽ ngoại trừ trận “đại hồng thủy” năm 2008, sau gần 10 năm, người dân sống ở khu vực ngoài đê ở huyện Mê Linh (Hà Nội) mới lại dính một trận lũ kinh hoàng như năm nay.

Với 8 cửa xả đáy hồ Hòa Bình trút nước xuống sông Hồng, tới ngày 12/10, dải đất nông nghiệp trú phú ngoài đê sông Hồng thuộc các huyện Mê Linh, Đông Anh (Hà Nội), Văn Giang, Khoái Châu (Hưng Yên), nơi tập trung hàng chục nghìn ha rau màu, cây ăn quả, chuồng trại chăn nuôi… đã chìm sâu trong lũ. Nhiều nhà vườn, nông dân, chủ trang trại trắng tay.  

Không kịp trở tay

Có lẽ ngoại trừ trận “đại hồng thủy” năm 2008, sau gần 10 năm, người dân sống ở khu vực ngoài đê ở huyện Mê Linh (Hà Nội) mới lại dính một trận lũ kinh hoàng như năm nay.

Tại các xã như Tráng Việt, Văn Khê, Hoàng Kim… (huyện Mê Linh), phần lớn diện tích rau, hoa, cây ăn quả đã bị nhấn chìm. Ở xã Tráng Việt, vựa rau lớn nhất của huyện Mê Linh, toàn bộ hơn 200 ha rau màu thâm canh đã chìm dưới nước lũ sâu 3-4m.

17-55-53_1
Anh Lê Văn Thêm (xã Tráng Việt) bên trang trại gà bị thiệt hại vì lũ

Ông Ngô Thành Huế, phó thôn Tráng Việt (xã Tráng Việt) chèo thuyền dẫn chúng tôi ra cánh đồng chỉ còn ngoi ngóp ngọn chuối xót xa cho biết: Tráng Việt và Đông Cao là hai thôn thâm canh rau chất lượng cao lớn nhất trong xã, mỗi thôn hơn 100 ha đã mất trắng vì lũ. “Mất trắng cả rồi! Toàn những loại rau màu vụ thu – đông chất lượng cao như cải củ, cải bắp sắp đến kỳ thu hoạch, mỗi sào bèo nhất cũng mất trắng 20 triệu đồng” – ông Huế cho biết.

Tại xã Hoàng Kim, hàng trăm ha rau, hoa, cây ăn quả như chuối, táo, bưởi… đã cầm chắc mất trắng vì lũ. “Ngoại trừ năm 2008, chưa thấy năm nào lũ lớn và lên nhanh như vậy. Hơn 5 sào hoa, mỗi sào từ 50-60 triệu đồng đã cầm chắc mất trắng. Hơn 3 mẫu cây ăn quả gồm táo, bưởi, cam…, nếu nước không rút nhanh trong vài ngày tới sẽ thối rễ hoàn toàn” – anh Trương Văn Thái, một chủ nhà vườn ở xã Hoàng Kim thẫn thờ cho biết.

17-55-53_3
Hàng trăm ha cây ăn quả có múi tại xã Võng La (huyện Đông Anh) có nguy cơ chết

Nước lũ lên quá nhanh, hàng chục trang trại chăn nuôi ở khu vực ngoài đê sông Hồng tại xã Tráng Việt cũng không kịp trở tay. Ngồi bệt trên dải đất giữa bốn bề mênh mông nước, 4-5 dãy chuồng gà bên cạnh của anh Lê Văn Thêm và anh Lê Văn Thành (thôn Tráng Việt) chỉ còn lơ phơ nóc. Đàn gà thịt may mắn sống sót nháo nhác chen nhau ở mấy dải đất còn chưa bị ngập.

“Lũ lên nhanh quá! 2h sáng, tôi giật mình thấy nước ngập cả vào giường ngủ. Cầm đèn pin ra soi thì cả 2 dãy chuồng gà đã ngập tới nóc. Trại gà thịt 2.500 con sắp xuất chuồng không cứu kịp, chết mất hơn 500 con. Riêng trại gà nhỡ 1.500 con thì nước ngập chết sạch, không còn sót con nào”, anh Thêm kể như mếu.

Tại xã Võng La (huyện Đông Anh), hàng trăm ha cây ăn quả như cam, bưởi sắp tới kỳ thu hoạch ở khu vực ngoài đê sông Hồng cũng đã bị nước lũ ngập ngang thân.

Lúa mọc mầm

Ghi nhận tại Hưng Yên, nhiều diện tích lúa mùa chưa kịp thi hoạch đã chìm nghỉm trong biển nước, nguy cơ nảy mầm. Là một trong những gia đình có diện tích lúa nằm ngoài đồng lớn vẫn chưa thu hoạch hết, gia đình ông Nguyễn Văn Nhân (xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động) có trên 5 mẫu nhưng chỉ mới thu hoạch được 2 mẫu lúa. Ông Nhân chỉ vào đống thóc lên mầm đen sì ngay giữa đường, chua chát: Hơn nửa diện tích vẫn chưa gặt được, chờ nước rút không biết khi nào mới hết. Nước ngập ngang người, máy gặt không gặt được, tôi phải thuê 7 – 8 người gặt, nhưng vẫn không được là bao.

17-55-53_2
Tại Hưng Yên, nhiều diện tích lúa đang chờ thu hoạch chìm trong nước

Ông Nguyễn Văn Hùng (xã Chính Nghĩa) năm nay đã 70 tuổi, vừa đẩy bè lúa, vừa lau những giọt mồ hơi, xót xa cho biết: Gia đình con cái không làm nên mỗi mình ông gánh gồng 1,5 mẫu lúa, nhưng chỉ mới thu hoạch được 1 sào. “Tôi nhớ kể từ năm 1984 đến nay mới có vụ ngập lụt lớn như vậy. Bây giờ nước ngập tới ngọn, lúa lên mầm trên cây nhưng phải cố ra vớt vát được bao nhiêu thì vớt, để ngâm giữa đồng, xót lắm”, ông Hùng buồn bã.

Tại huyện Văn Giang, Khoái Châu, theo ghi nhận của PV, nhiều diện tích hoa, cây cảnh, cây ăn quả, nhất là vùng chuối tập trung tại Khoái Châu canh tác ngoài đê đã bị nhấn chìm trong nước lũ.

"7 năm nay qua, chưa lần nào gặp nước sông dâng cao và nhanh thế này. Chiều qua nước vẫn ở dưới lòng sông, vậy mà 5 giờ sáng nay chúng tôi dậy nước đã ngập trắng chạy cũng không kịp. Nước dâng cao gần đến ngọn cây ổi thì còn hy vọng gì nữa… Hơn 7 sào trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả giờ mất trắng, tính sơ sơ chắc chúng tôi cũng thiệt hại hơn 100 triệu đồng” – bà Nguyễn Thị Hường, thôn Phú Thượng, xã Thắng Lợi (huyện Văn Giang) than thở.

17-55-53_4
 

Anh Nguyễn Văn Hùng (thôn Đại Đỗ, xã Võng La), chủ trang trại hơn 2 vạn gốc cam Vinh và cam đường canh 4 năm tuổi cho biết: Trang trại của anh đầu tư hơn 10 tỉ đồng, năm nay là năm đầu tiên cho thu hoạch quả. Từ đêm 11 đến rạng sáng 12/10, nước lũ sông Hồng đột ngột đổ về như thác, đến trưa qua thì cả vườn cam đã ngập ngang thân. “Nếu trong 2 ngày tới, nước lũ không rút thì khả năng rụng quả là cầm chắc”, anh Hùng lo lắng.

Mưa lớn, rau màu bị nhấn chìm, gia súc ‘bơi’ trong biển nước

Trại lợn gần 4000 con bị xóa sổ sau ngập lụt

Theo Nông nghiệp