Một số lưu ý khi trồng củ giống khoai tây được bảo quản trong kho lạnh

Hiện nay quan niệm về việc sử dụng giống khoai tây đã được thay đổi cơ bản. Người nông dân không còn bảo quản trên giàn, dưới gầm giường…như trước kia mà đã mua khoai giống hoặc gửi kho lạnh bảo quản.

Vì vậy khi sử dụng củ giống khoai tây được bảo quản trong kho lạnh cần lưu ý các biện pháp kỹ thuật như sau:

Xác định thời vụ trồng khoai tây để tăng dần nhiệt độ kho lạnh theo quy trình hướng dẫn cụ thể (trung bình tăng 1,5-20C/ngày). Khi nâng nhiệt độ ngang với môi trường bên ngoài, dùng quạt thông gió quạt khô khoai khoảng 2 ngày mới đưa khoai ra khỏi kho lạnh.

Các bước được tiến hành như sau:

Đổ khoai ra khỏi bao, nhẹ nhàng tránh xây xước vỏ, nhặt và loại bỏ các củ có vết thối để riêng. Nên chọn chỗ thoáng, tránh nơi có ánh sáng trực tiếp, xếp khoai lần lượt thành lớp mỏng, sau đó đậy lên mặt khoai một lớp bao tải đay ẩm (vắt kiệt nước) hoặc phủ lớp rơm mỏng. Khi khoai bật mầm trắng ở các mắt củ là có thể trồng tốt và khoai lên rất nhanh.

Thời vụ trồng chính vụ vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 dương lịch, thời vụ tốt nhất để trồng khoai tây là 25/10 đến 5/11 dương lịch, có thể trồng thời vụ sớm từ giữa tháng 10.

Để tiết kiệm giống, các củ to có thể được bổ đôi, bổ ba và chấm xi măng vào lát cắt sau đó trồng ngay, cần chú ý trên mỗi phần củ được bổ đều phải có mầm. Có thể dùng phương pháp bổ dính, sau bổ khoảng 5 – 7 ngày tách miếng bổ và đem trồng. Khi trồng với củ giống được bổ tách nên trồng gọn vào một góc, nên đặt nghiêng phần mặt cắt là tốt nhất.

Khoai tây rất cần phân chuồng và phân chuồng phải được ủ mục, để có nhiều củ to thì mật độ trồng phải thưa hơn, mật độ trên luống (Hàng cách hàng 45 – 50cm và củ cách củ khoảng 35 – 40cm).

Tưới ẩm và phủ rạ mặt luống sau trồng, không để đất mặt luống quá khô

Sau trồng, khi khoai mọc cao 10 – 15cm cần bón thúc và vun lần 1, lần vun 2 sau lần vun 1 khoảng 10 – 15 ngày (sau trồng 30 – 35 ngày)./.