Một phụ nữ làm giàu từ nghề làm cốm truyền thống

Đó là chị Huỳnh Thị Tuyết Nga ở thôn Xuân An – xã Cát Tường – Phù Cát – chủ cơ sở sản xuất bánh cốm – kẹo Phong Nga. Với bản tính cần cù, nhạy bén cùng mong muốn phát triển nghề làm cốm truyền thống nổi tiếng của địa phương, chị đã chịu khó tìm tòi, học hỏi để gây dựng cơ sở sản xuất bánh cốm, kẹo quy mô, có thương hiệu trên thị trường. Nhờ đó, đã tạo việc làm và thu nhập ổn định, đưa kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 3 thế hệ làm nghề cốm nên chị Huỳnh Thị Tuyết Nga tham gia làm và nắm bắt được các công đoạn cũng như bí quyết riêng của nghề. Sau khi lập gia đình chị quyết định chọn nghề làm cốm để phát triển kinh tế. Ban đầu, gia đình chị chỉ làm mỗi sản phẩm cốm gạo (nguyên liệu gạo được rang bằng kỹ thuật tạo áp suất làm hạt gạo nở bung, sau đó trộn gia vị, cắt thành từng thanh và cho vào bao bảo quản). Việc tiêu thụ cốm làm ra cũng theo cách thủ công: sau khi làm xong một lượng cốm nhất định, chị phải thuê xe chở đến các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên, rồi trực tiếp gánh cốm bằng đôi bầu nan tre to để đi bán, khi nào bán hết lại quay về làm tiếp. Do đó, sản phẩm cốm làm ra không liên tục, việc tiêu thụ mất nhiều thời gian mà thu nhập không đáng kể.

Những năm gần đây, khi giao thông và phương tiện liên lạc phát triển, việc tiêu thụ cốm cũng dễ dàng hơn trước nhiều. Với quyết tâm không thể để mất nghề truyền thống của ông cha để lại, mà phải làm cho nó phát triển, cạnh tranh được trên thị trường; chị Nga mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, thuê thêm nhân công để mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài sản xuất các loại cốm gạo, cốm bắp, chị còn làm thêm cả bánh tai heo, bánh nổ,…; đồng thời, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đặc biệt, năm 2017, nhờ được hỗ trợ 120 triệu đồng từ chương trình khuyến công của tỉnh và tích cóp của gia đình, chị đã mua thêm máy xát gạo lứt làm cốm trị giá giá hơn 400 triệu đồng để làm bánh gạo lứt và trang bị máy đùng cốm và máy làm bao bì… để giảm sức lao động, nâng cao công suất và chất lượng sản phẩm.

Hiện tại, cơ sở sản xuất  bánh cốm của chị Nga bình quân mỗi ngày có trên 20 lao động làm việc và sản xuất khoảng 1 tấn bánh cốm và kẹo thành phẩm các loại như: cốm gạo, cốm nếp dẻo, bánh tai heo, bánh nổ, bánh gạo lứt, bánh dừa nướng… Chị Nga cho biết, mặc dù sản xuất bằng máy móc nhưng các loại bánh cốm Cát Tường nói chung và bánh cốm của cơ sở Phong Nga nói riêng vẫn giữ được hương vị đặc trưng riêng nhờ có những bí quyết cũng như kinh nghiệm chọn gạo, rang gạo… mà không dùng bất kỳ loại hóa chất nào. Với phương châm “lấy chất lượng, uy tín làm đầu” nên sản phẩm của cơ sở Phong Nga được thị trường ưa chuộng, tin tưởng sử dụng và được người tiêu dùng ở nhiều nơi biết đến. Hiện, cứ khoảng 5 đến 7 ngày, cơ sở của chị Nga xuất bán từ 5-10 tấn bánh cốm cho các đại lý trên cả nước và cả nước bạn Lào. Nhờ đó, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và đem lại ngồn thu nhập khá cho gia đình với mức lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, cơ sở sản xuất bánh cốm của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nga đang kiểm tra lại các sản phẩm bánh cốm trước khi xuất bán ra thị trường

 

Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất trong làng nghề cốm truyền thống Cát Tường xây dựng thương hiệu riêng, mở rộng quy mô sản xuất, đưa làng nghề phát triển; mới đây, được sự hỗ trợ của Sở Công Thương, Liên minh HTX tỉnh, Hội Phụ nữ các cấp và chính quyền địa phương, HTX sản xuất thương mại và dịch vụ Phong Nga đã ra đời do chị Huỳnh Thị Tuyết Nga làm giám đốc với 7 thành viên. Mục tiêu của HTX là tiếp tục phát triển các sản phẩm của thương hiệu Phong Nga đạt chất lượng cao, được chứng nhận an toàn, giá cả hợp lý và được nhiều người biết đến, phấn đấu trở thành một trong những thương hiệu đặc sản nổi tiếng của Bình Định trên thị trường trong nước và quốc tế.