Mô hình VietGAP ươm mầm xanh trên vùng cát trắng Vinh Xuân

10ha, là diện tích mô hình thử nghiệm trồng các loại cây ăn quả, như: dừa xiêm lùn, xoài, mít,…theo chuẩn VietGAP do ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc công ty TNHH Thanh Quang thực hiện trên vùng quê cát trắng Vinh Xuân.

Mô hình VietGAP ươm mầm xanh trên vùng cát trắng Vinh Xuân - Ảnh 1

Mô hình trông cây ăn trái theo chuẩn VietGAP rộng hơn 10ha của Hợp tác xã Nông nghiệp Vinh Xuân do Công ty TNHH Thanh Quang làm chủ đầu tư

Vinh Xuân là xã vùng quê ven biển thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Xã có 6 thôn với diện tích tự nhiên khoảng 1.851ha, nhưng đa phần là đất pha và quanh năm nhiễm mặn; dân số khoảng 2.024 hộ/9.000 nhân khẩu.

Ông Nguyễn văn Đồng – Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân cho biết, tuy là xã ven biển, nhưng Vinh Xuân lại không có nghề ngư nghiệp. Người dân nơi đây phần lớn trông vào đồng đất, mà đất thì chỉ là những triền cát trắng gần như hoang hoá. Theo lời vị Chủ tịch xã có tuổi đời còn khá trẻ này, toàn xã Vinh Xuân chỉ có 199ha đất trồng được lúa, các loại đất hoa màu khác chừng 140 ha, thêm 102 ha nuôi trồng thuỷ sản, còn lại là đất ở, đất nghĩa địa và đất hoang hoá. Như vậy, tính ra chỉ có hơn 400ha đất trên tổng số 1.851ha mang lại nguồn thu. Một bài toán khó cho sự phát triển kinh tế – xã hội của xã mà như ông Đồng nói: cả xã, huyện, tỉnh rất lo lắng.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, cũng vì điều kiện khó khăn của quê hương, trong vòng một thập niên vừa qua, nhiều người dân Vinh Xuân đã đồng loạt “Nam tiến”, vào các tỉnh thành phía Nam, như: TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An,… sinh sống và làm ăn, trong đó thôn có số lượng người đi nhiều nhất xã phải kể đến thôn Xuân Thiên Thượng. Có những giai đoạn đỉnh điểm, số lượng người “Nam tiến” ở thôn này lên đến 65% dân toàn thôn, nhà đi ít nhất cũng từ 2 – 3 người. Nhiều gia đình chỉ có 2 vợ chồng già sống với nhau hoặc sống với cháu nhỏ.

Điều đáng mừng cho Vinh Xuân là, trước sự bó tay gần như bất lực của nhiều người với những trảng cát trắng, những diện tích đất pha quanh năm nhiễm mặn, lại có người dám nghĩ khác. Đưa chúng tôi đi quanh một vòng, Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân, Nguyễn Văn Đồng chỉ tay về hướng vườn dừa, xoài, mít đang vươn mầm xanh, nói: “Mừng lắm các anh ạ! Chỉ chừng 5 năm nữa thôi, hơn 10ha đất hoang đồi trọc này sẽ được phủ xanh và sẽ thành một mô hình chuẩn để xã tiếp tục phát triển, nhân rộng.” Đó là mô hình trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả theo chuẩn VietGAP rộng hơn 10ha của Hợp tác xã Nông nghiệp Vinh Xuân do Công ty TNHH Thanh Quang (trụ sở tại TP. Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) làm chủ đầu tư.

Giám đốc Công ty TNHH Thanh Quang, ông Nguyễn Thanh Quang cho biết, là một người con sinh ra ở vùng đất cát ven biển Vinh Xuân, nên lúc nào ông cũng đau đáu nghĩ về quê, muốn làm một cái gì đó để giúp quê hương thay đổi. Hiện nay, gia đình ông có vườn cây sầu riêng vài trăm ha ở Buôn Mê Thuột, với hơn 500 công nhân đang làm việc và thu lợi nhuận khá lớn. Sau khi thành công ở Đắk Lắk, nghĩ về quê với những triền cát trắng hoang phí, ông lại mày mò đi tìm một số loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây để trồng thử nghiệm.

Được cả gia đình ủng hộ, năm 2017 ông đã đầu tư gần 9 tỷ đồng thành lập HTX Nông nghiệp Vinh Xuân. Để mô hình được vận hành trơn tru, ông thuê một số nhân công người địa phương trông coi, chăm sóc, tưới nước, bón phân cho các loại cây trồng. Nói về mô hình này, bà Võ thị Bê, công nhân đang chăm sóc vườn cây, khoe: “Tui lĩnh tháng 5 triệu đồng đã mừng nhưng mừng hơn là tôi biết thêm những kiến thức về mô hình VietGAP. Xưa khi chưa làm cho chú Quang, tôi cũng như bao người khác phải tất tưởi kiếm việc khi phụ hồ khi làm nông để sống, giờ khoẻ lắm chú…” Lão nông Nguyễn viết Năm (75 tuổi) tiếp lời: “Tôi rất tâm đắc với mô hình của gia đình ông Quang, bởi ông dám bỏ gần chục tỷ vốn ra đầu tư ban đầu rồi trả tiền cho công nhân hàng tháng. Nhưng sau 5 năm ông sẽ giao lại cho xã. Lợi nhuận xã sẽ dùng để phát triển những mô hình khác”.

Trước đó, gia đình ông Nguyễn Thanh Quang đã thực hiện nhiều công trình phúc lợi tại xã Vinh Xuân, như: Hiến đất và xây dựng chợ Rào 1,2 tỷ đồng; Xây dựng sân vận động trường cấp hai Vinh Xuân 40 triệu; Cổng vào trường Mầm non Vinh Xuân 250 triệu đồng; Làm đường bê tông ra khu nuôi trồng thuỷ sản 300 triệu đồng; Làm đường điện chiếu sáng 1.6km, 70 triệu đồng; Làm 2,5km đường bê tông liên thôn 1,5 tỷ đồng; Tu bổ cổng đình làng 260 triệu đồng; Hỗ trợ mua heo giống cho bà con 150 triệu đồng; Đóng 28 giếng bơm phục vụ tưới ớt; đầu tư thành lập HTX theo mô hình Vietgap rộng 10ha 8,6 tỷ đồng.

Ông Quang chia sẻ, điều tâm đắc nhất với ông hiện nay là làm sao sớm hoàn thành công trình Điểm Tích – Nỗng Tiên. Đây là công trình khu vui chơi giải trí có diện tích khoảng 3,2ha cũng do Công ty của gia đình ông Quang đầu tư tại thôn Kế Võ, xã Vinh Xuân. Dự kiến, sau khi hoàn thành, công trình sẽ trở thành một điểm nhấn văn hoá của xã, qua đó thu hút khách du lịch, tạo thêm nguồn thu cho địa phương. “Chúng tôi mong và quý trọng những người con xa quê mà vẫn canh cánh về quê bằng cả tình yêu như anh Quang. Hiện xã đang cùng huyện khẩn trương hoàn thiện tất cả các thủ tục pháp lý cho mô hình mà gia đình anh Quang triển khai tại Vinh Xuân”, Chủ tịch xã Nguyễn văn Đồng cho biết.